THEO báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, về tình hình lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp, tại thời điểm ngày 1/7/2024 tăng 0,9% so cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,3% so cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước lần lượt tăng 0,1% và tăng 1,5%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt tăng 0,5% và tăng 0,7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt tăng 1,2% và tăng 4,3%. Tín hiệu này khá tích cực nhất là đặt trong bối cảnh vẫn có những chỉ dấu cho thấy hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm cho người lao động.
Dự báo những tháng cuối năm, thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cần khoảng 160 nghìn lao động, Hà Nội cần khoảng 125 nghìn lao động, Bình Dương cần 20 đến 25 nghìn lao động... Tuy nhiên, để doanh nghiệp và người lao động "gặp" được nhau rất cần nỗ lực kết nối của các trung tâm dịch vụ việc làm. Các trung tâm này phải được đầu tư, đổi mới phong cách hoạt động, thật sự là "cầu nối an sinh" của người lao động.
Theo tìm hiểu, trong bảy tháng đầu năm, toàn thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho khoảng 130 nghìn lao động. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp kết nối việc làm, cung cấp đầy đủ các dịch vụ để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nhân sự, người lao động tìm kiếm việc làm; hình thành mạng lưới thu thập, xử lý và cung cấp thông tin thị trường lao động từ thành phố tới cơ sở. Đặc biệt, trung tâm sẽ tổ chức một số phiên giao dịch chuyên đề theo ngành nghề và đối tượng lao động, phiên online kết nối với các tỉnh trên toàn quốc, phiên dành cho lao động khuyết tật, hay các phiên lưu động. Qua đó tạo thêm nhiều cơ hội kết nối việc làm cho đông đảo người lao động trên địa bàn Thủ đô.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã chủ động đặt bàn tư vấn, giới thiệu việc làm ở các bến xe, nhà ga, giúp người lao động dễ dàng tìm kiếm được việc làm mà không mất bất cứ khoản phí nào, tránh bị các đối tượng xấu lừa đảo. Hầu hết các phiên giao dịch đều được kết nối tới nhiều tỉnh, thành phố lân cận, mang lại cơ hội rộng mở cho người lao động và nhà tuyển dụng.
Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024, mới đây, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp đã đề ra. Trong đó, đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tập trung đào tạo nhân lực một số lĩnh vực mới nổi, kỹ sư, chíp bán dẫn, hydrogen và nhân lực tín chỉ carbon. Song song việc đào tạo lao động chất lượng cao, các địa phương cần ứng dụng chuyển đổi số trong kết nối cung - cầu lao động giữa các tỉnh, thành phố; đẩy mạnh giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và hội nhập.