Vấn đề cụ thể cần đội ngũ chuyên biệt

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong khoảng hơn 30 năm qua, xu hướng hôn nhân và mức sinh ở nước ta có sự thay đổi lớn, từ đó tạo nên những bất cập về xã hội. Để tháo gỡ thực trạng này, hiện còn thiếu hệ thống hỗ trợ toàn diện về hôn nhân cho người trẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Đẩy mạnh lan tỏa các mô hình gia đình trẻ tiêu biểu có thể phần nào giúp giới trẻ cởi mở, bớt e ngại hơn khi nghĩ đến chuyện lập gia đình. Nguồn: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Đẩy mạnh lan tỏa các mô hình gia đình trẻ tiêu biểu có thể phần nào giúp giới trẻ cởi mở, bớt e ngại hơn khi nghĩ đến chuyện lập gia đình. Nguồn: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Để hỗ trợ và đồng hành cùng người trẻ rất cần một đội ngũ nhân viên tham vấn, tư vấn chuyên nghiệp từ tiền hôn nhân cho đến khi đã lập gia đình.

Kết hôn muộn…kết thúc sớm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong khoảng hơn 30 năm qua, xu hướng hôn nhân và mức sinh ở nước ta có sự thay đổi lớn. Tuổi kết hôn tăng mạnh, tỷ lệ kết hôn giảm làm mức sinh giảm tới một nửa trong vòng hơn 30 năm: 1989 - 2023, độ tuổi kết hôn lần đầu của nam từ 24,4 đã tăng lên 29,3 tuổi đối với nam, từ 23,2 tăng lên 25,1 tuổi đối với nữ. Những con số ấy có thể báo động nhiều vấn đề xã hội học: Thiếu nguồn nhân lực, già hóa dân số,...

Hơn nữa, kết hôn muộn, dẫn tới sinh con muộn cũng gia tăng các vấn đề về sức khỏe sinh sản của phụ nữ và cả các vấn đề biến chứng, dị tật bẩm sinh ở trẻ.

Không chỉ lập gia đình muộn, các cuộc hôn nhân của giới trẻ ngày nay cũng có phần kết thúc nhanh và chóng vánh hơn. Theo thống kê năm 2023, Việt Nam ghi nhận khoảng 60 nghìn vụ ly hôn, tương đương 0,75 vụ/1.000 dân. Tỷ lệ ly hôn so kết hôn là 25%-30%, đồng nghĩa cứ ba đến bốn cặp vợ chồng đăng ký kết hôn thì một cặp ra tòa ly hôn (Theo số liệu Tổng cục Thống kê, 2010 - 2020).

Điều đáng nói, thời gian sống trung bình trước khi ly hôn của các cặp vợ chồng ở các thành phố lớn chỉ kéo dài 6-8 năm.

Trước thực trạng này, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”. Theo đó, đề ra các chính sách thí điểm xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ: Nhân rộng các dịch vụ thân thiện với người lao động như đưa, đón trẻ, trông trẻ, ngân hàng sữa mẹ, bác sĩ gia đình;... chú trọng quy hoạch, xây dựng các điểm trông, giữ trẻ, nhà mẫu giáo phù hợp điều kiện của bà mẹ, nhất là các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị. Hay như gần đây còn có đề xuất giảm giờ làm để giới trẻ có thời gian hẹn hò và lên kế hoạch lập gia đình. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn chưa được triển khai đồng bộ và hiệu quả.

Hệ thống hỗ trợ toàn diện

Vừa qua, một nhóm sinh viên của Trường đại học FPT đã lập bảng mẫu nghiên cứu xã hội học về quan điểm của giới trẻ với hôn nhân hiện nay. Việc thăm dò ý kiến chỉ được thực hiện trên phạm vi hẹp, khoảng 200 thanh niên, nhưng kết quả lại rất đáng quan tâm: Thanh niên không ngại kết hôn nhưng lo lắng vì thiếu kiến thức, hơn 85% số người được hỏi trả lời có nguyện vọng học về hôn nhân trước khi kết hôn. Các kỹ năng mà họ mong muốn được học, gồm có: Kiến thức về tài chính; sức khỏe tiền hôn nhân; kỹ năng nuôi dạy con cái; kỹ năng giải quyết mâu thuẫn. Hơn 84% số người được hỏi cho biết kênh họ tìm kiếm kiến thức về hôn nhân qua mạng xã hội, như: Facebook, TikTok, YouTube…

Hiện nay, các lớp học tiền hôn nhân và tham vấn hôn nhân nở rộ. Ngoài ra, dịch vụ tư vấn hôn nhân cũng ngày càng “ăn nên làm ra” khi giới trẻ không ngại tìm kiếm các kênh tham vấn về vấn đề cá nhân.

Việt Nam chưa có trường đại học nào có khoa đào tạo riêng dành cho chuyên viên tham vấn hôn nhân, nội dung này chỉ được lồng ghép trong các ngành đào tạo chuyên viên tư vấn tâm lý, hoặc nhân viên công tác xã hội. Phần lớn các chuyên gia hành nghề hiện nay đều là chuyên gia tâm lý học, luật sư,... thậm chí không có bằng cấp chính quy.

PGS, TS Trần Thành Nam (Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Các chương trình đào tạo về tham vấn và trị liệu hôn nhân gia đình trên thế giới có sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng. Mỗi quốc gia đều có những phương pháp và nội dung đào tạo riêng, nhưng đều hướng tới việc trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng cần thiết để hỗ trợ gia đình và cá nhân đối mặt với những thách thức trong cuộc sống. Việc mở rộng đào tạo lĩnh vực này tại Việt Nam sẽ giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến cặp đôi, vấn đề hôn nhân, gia đình ngày càng phức tạp và cấp thiết”.

Bên cạnh việc hình thành hệ thống hỗ trợ với đội ngũ chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội uy tín, như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ Việt Nam cũng có thể đổi mới các hoạt động hướng đến đồng hành, tư vấn cho giới trẻ trên con đường bước vào hôn nhân và xây dựng hạnh phúc gia đình thông qua các khóa học, chương trình tư vấn. Như cách mà Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã phối hợp với Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) triển khai chương trình Gia đình trẻ hạnh phúc năm 2024 từ ngày 28/6 đến 15/9, với chủ đề “Bên nhau, mình là Nhà”. Sau ba tháng triển khai, ban tổ chức đã lựa chọn tuyên dương 10 gia đình tiêu biểu trong số 109 hồ sơ được gửi về từ 33 tỉnh, thành phố trên cả nước để biểu dương và lan tỏa câu chuyện gia đình.

Khi người trẻ được hỗ trợ để tự tin lập gia đình, họ sẽ đủ bản lĩnh vượt qua những thử thách giai đoạn đầu của hôn nhân.

Nhiều chuyên gia tâm lý nhìn nhận: Ngại kết hôn, một phần chủ yếu đến từ việc giới trẻ chưa có được đầy đủ nền tảng kiến thức về hôn nhân. Thêm vào đó, do tiếp xúc với nhiều thông tin tiêu cực (ly hôn, ngoại tình, bạo lực gia đình,...) khiến họ cảm thấy bước vào hôn nhân là mạo hiểm.