Sôi động thị trường việc làm mùa cuối năm

Hòa chung không khí sản xuất khẩn trương cho kịp các đơn hàng cuối năm, thị trường lao động sôi động hơn khi nhiều doanh nghiệp đang tuyển thêm người. Các trung tâm giới thiệu việc làm liên tục tổ chức các sàn giao dịch kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều sàn giao dịch đã kết nối, giúp nhà tuyển dụng tìm được lao động có chất lượng cao.
Nhiều sàn giao dịch đã kết nối, giúp nhà tuyển dụng tìm được lao động có chất lượng cao.

Xin việc dễ, lương hấp dẫn

Vừa nghỉ việc vì điều kiện khách quan, chị Lê Thị Thúy (quê ở Đồng Tháp) đã tìm được việc làm ngay trong một nhà máy chế biến thủy sản, tại khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh). “Mùa cuối năm này, tìm việc khá dễ dàng ngay công việc thời vụ bởi nhu cầu tuyển của các công ty khá lớn”, chị Thúy tâm sự. Vừa trở lại sau một đợt nghỉ dài ở quê, chị Hoàng Phương Thanh thuê trọ tại quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng tìm kiếm được việc như ý. Thấy thuận, chị Thanh dự định gọi chồng ở quê ra cùng đi làm.

Ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động tiền lương và Bảo hiểm xã hội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trong hai tháng cuối năm 2024, dự kiến cần gần 60 nghìn lao động. Như vậy, cơ hội việc làm đang mở ra đối với cả khu vực chính thức và phi chính thức, tạo điều kiện thuận lợi cho những lao động có nhu cầu chuyển đổi việc làm và sinh viên mới ra trường.

Là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, tỉnh Bình Dương cũng cần khoảng hơn 10 nghìn lao động, tập trung vào các ngành bán hàng, dịch vụ, điện tử, cơ khí, sản xuất… Nhiều doanh nghiệp đăng tuyển tại bảng tin đơn vị hoặc thông qua các phiên giao dịch việc làm, với mức lương hấp dẫn. Thí dụ, Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (sản xuất dây dẫn điện ô-tô, đặt trụ sở tại phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) có nhu cầu tuyển 300 lao động phổ thông, chỉ cần có bằng THCS hoặc THPT. Để thu hút lao động, công ty đưa ra chế độ phúc lợi như thu nhập từ 7 triệu đồng/tháng và tăng lương theo từng năm. Người lao động được tham gia đầy đủ các khoản bảo hiểm xã hội theo đúng quy định pháp luật.

Giải pháp ổn định nguồn nhân lực

Có một điểm đáng lưu ý trong những tháng cuối năm, tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… tình trạng “nhảy việc” diễn ra khá phổ biến. Điều đó gây khó khăn cho doanh nghiệp bởi mỗi lao động khi được tuyển dụng đều phải qua quá trình đào tạo mới có thể làm quen với công việc. Thực trạng này cũng gây khó khăn cho công tác thống kê, dự báo nguồn nhân lực, bởi có trường hợp người lao động năm tháng “nhảy việc” năm lần, sau mỗi lần lại đến sàn giao dịch tìm việc làm mới. Chị Nguyễn Ngọc Thủy Tiên, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Chang Dae Vina (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) chia sẻ: Chúng tôi liên tục tham gia sàn giao dịch việc làm để tìm nhân lực, bởi số lượng lao động vào-ra không ổn định.

Để khắc phục tình trạng này, không ít doanh nghiệp liên kết với các nhà trường, nhận sinh viên thực tập có trả lương, sẵn sàng bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp, ưu đãi hậu hĩnh, đồng thời yêu cầu sinh viên cam kết gắn bó với doanh nghiệp một khoảng thời gian nhất định. Đa số sinh viên được tuyển dụng theo hình thức này không chỉ đáp ứng nhu cầu, mà còn gắn bó với doanh nghiệp hơn so với lao động khác.

Về phía cơ quan chức năng, các trung tâm dịch vụ việc làm cũng đang tích cực tư vấn, kết nối, thực hiện các giải pháp ổn định thị trường lao động. Tại Bình Dương, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tư vấn, kết nối để người lao động và doanh nghiệp gặp được nhau. Đồng thời, phải thường xuyên thu thập, nắm thông tin kịp thời về cung-cầu lao động, từ đó có thể dự báo, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp mang tính khả thi, hiệu quả về thị trường lao động trong bối cảnh thị trường lao động thường xuyên biến đổi như hiện nay. Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, nhận định, số người có nhu cầu hỗ trợ học nghề tăng 32,8% so cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy công tác nỗ lực tư vấn, đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp của các cơ quan, tổ chức cũng như tinh thần nâng cao trình độ kỹ năng tay nghề của chính người lao động ngày càng được nâng cao.

Đứng ở góc độ chuyên gia kết nối, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội), đưa ra lời khuyên: Trước khi chuyển việc, lao động trẻ cần xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp; nên suy nghĩ xem liệu công việc mới có phù hợp với mục tiêu dài hạn hay chỉ là một bước đi tạm thời. Mặc dù chuyển việc cũng có thể tích lũy kinh nghiệm, nhưng lao động trẻ cũng nên phát triển kỹ năng chuyên môn sâu trong một lĩnh vực cụ thể. Điều này giúp các bạn trở nên chuyên nghiệp và có lợi thế cạnh tranh khi tìm việc mới. Ngay cả khi chuyển việc, hãy bảo đảm mình không ngừng học hỏi và phát triển bản thân. Khi chuyển việc nhiều, rất cần duy trì một nền tảng tài chính vững chắc.

Về lâu dài, không ít chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần cải thiện thu nhập và tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp. Người lao động cũng cần xác định gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Sự thiếu nhất quán trong công việc có thể gây bất lợi cho người lao động khi họ muốn thuyết phục nhà tuyển dụng mới với những cam kết về việc gắn bó lâu dài. Những lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng cần lưu ý, không nên bỏ qua quyền lợi được hỗ trợ học nghề để có thể sớm tìm được công việc mới phù hợp hơn.

Để đạt được hiệu quả trong tuyển dụng lao động, bên cạnh chế độ lương, thưởng, các doanh nghiệp cần tăng thêm các phúc lợi như bố trí nhà ở, nhà trẻ giúp người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài.