Qua khe cửa hẹp...

Bốn giờ sáng, Viên nhẹ nhàng lách người qua cửa hẹp rồi lặng lẽ dắt xe ra khỏi cổng xóm trọ.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Tiếng ọ oẹ của trẻ con phòng kế bên còn theo Viên mãi tận ra con ngõ sâu hun hút. Thị xã ngủ yên bên dòng sông Hồng, thỉnh thoảng mới có một bóng người vụt qua. Họ đa phần đều là những người buôn bán đến hoặc đi từ chợ đầu mối nằm sát bên sông. Sau xe họ chất đầy hàng hóa, đám vịt hoảng loạn kêu quàng quạc náo loạn cả đường đêm. Viên cũng đến chợ để nhập hoa. Những xe hàng nối đuôi nhau chật kín cả ngõ chợ. Không có đèn đường, nhà nào cũng cắm cọc treo bóng tích điện, gió sông thổi đong đưa, lấp lóa những phận người. Xe hoa nằm cuối chợ, chị vợ tranh thủ vác từng bó hoa xuống đặt ngay ngắn trên vỉa hè trong lúc anh chồng ngồi dựa vào tường ngủ. Chân quần anh ta vẫn còn bê bết đất, áo ướt đẫm sương, trông cái dáng ngủ đã biết số người vất vả. Trước ánh nhìn ái ngại của Viên, chị vợ cười bảo:

- Mệt quá đấy mà. Chợp mắt tí cho tỉnh táo tí còn lái xe. Hôm nay em lấy hoa gì?

- Hoa hồng, mỗi mầu năm mươi bông. Thạch thảo, ba bó. Hoa cúc nhỏ, mỗi mầu một bó. Sắp có cúc mi chưa chị nhỉ?

- Cũng tầm hơn tháng nữa đó em. À! Có phải em dặn lấy mấy bó hoa sen trắng, sen hồng ngàn cánh không? Nhà không có đầm, chị lấy của người quen. Thơm lắm.

Chợ nằm len lỏi trong mấy ngõ nhỏ thông nhau nên cảnh bán mua cũng diễn ra lặng lẽ tránh làm ảnh hưởng đến giấc ngủ trong mỗi ngôi nhà. Thỉnh thoảng lũ chuột từ đâu chạy một mạch qua đường. Con mèo vàng nằm ở góc đường mở mắt nhìn khinh khi rồi lại nhắm mắt vờ như ngủ. Quả sấu chín cuối mùa rụng đồm độp lên nón chị hàng rau. Dụi mắt, tỉnh cơn ngái ngủ chị nhặt mấy quả sấu đút vào túi áo ngực, than thở mấy mối hàng sao nay đi muộn thế. Chị sạp dưa bên cạnh nhìn đống dưa hấu lúc nhúc như đàn lợn con đã được xếp gọn gàng, mở màn hình điện thoại quay qua bảo chồng:

- Hôm nay ngày đầu tiên con tự đạp xe đi học. Em cứ thấy lo lo. Qua mấy cái ngã tư, chắc là con sợ lắm.

- Mấy tối nay anh đều kèm con tập đi qua ngã tư. Lóng ngóng rồi sẽ quen. Mình cũng đâu thể theo con mãi.

- Lo chứ, làm sao mà không lo được. Ban ngày đường đông hơn buổi tối. Nhất là giờ học sinh đi học, công nhân đi làm.

Viên chất hoa lên xe ra về còn nghe thấy tiếng thở dài của người mẹ ấy. Bấy nhiêu thôi cũng khiến Viên phải ước ao. Giá mà ông trời cho chị một đứa con thì dẫu có nhọc nhằn chị cũng sẽ thấy đời mình được vẹn tròn. Ý nghĩ ấy theo từng vòng xe trôi ra khỏi ngõ chợ. Viên không đi bán ở một phiên chợ nhỏ nào khác trong thị xã mà đạp xe trở về xóm trọ. Lát nữa, khi Thúc dậy, anh sẽ giúp chị bó và trang trí xe hoa. Thúc khéo tay lắm, bó hoa gì cũng đẹp chẳng như tay Viên dùi đục làm gì cũng vụng về. Dù đã cố khẽ khàng mở cửa nhưng chị vẫn khiến chồng mình tỉnh giấc. Thúc trở mình hỏi:

- Em đã đi lấy hoa về rồi đấy à? Đói không, anh nấu cho bát mì ăn rồi tranh thủ chợp mắt. Hoa cứ để đó anh bó, một nhoáng là xong.

- Anh cứ ngủ thêm đi. Trời còn lâu mới sáng hẳn, em ăn gì tự nấu.

Một khi đã thức dậy là Thúc không tài nào ngủ lại. Anh ngồi dậy quờ quạng tìm chiếc nạng gỗ cuối chân giường rồi bảo Viên bật điện lên cho sáng. Mở cửa ra, gió thổi một bên chân quần phần phật. Ba năm trước, tai nạn bất ngờ ập đến đã cướp đi một bên chân của Thúc, sức khỏe anh cũng yếu đi nhiều. Người gây tai nạn bỏ trốn, số tiền hai vợ chồng tích cóp suốt nhiều năm định dành chạy chữa thuốc thang kiếm đứa con rồi cũng phải dồn vào chữa trị cho anh hết. Hôm hai vợ chồng từ viện trở về nhà, ngồi tựa vào cửa phòng nhìn nắng lấp lánh trên giàn mướp trước sân thấy đời mình vẫn còn may mắn lắm. Dù đã có lúc Thúc nhìn xuống đôi chân của mình mà thương gánh nặng trên vai người vợ nhỏ. Anh tự trách bản thân biết thế này chỉ nên sống một mình. Một mình như cách anh được sinh ra và bị bỏ lại thế gian. Viên nói: “Anh đừng có lo, trời không triệt đường sống của ai. Chỉ cần mình cố gắng”.

Từ một công nhân chăm chỉ, Thúc phải ở nhà để vợ nuôi. Thời gian đầu anh loay hoay tập làm quen với đôi nạng gỗ gặp không ít khó khăn. Nhưng con người ta có những lúc chỉ có thể tiến về phía trước mà không có bất cứ sự lựa chọn nào. Anh được cái khéo tay, trời thương người thương nên tìm được công việc làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan. Các sản phẩm của anh đều được cửa hàng bán đồ lưu niệm trong khu du lịch gần đó đặt hàng. Túc tắc kiếm đồng ra đồng vào giữa thời buổi giá cả leo thang, mồ hôi chưa ráo đã hết tiền. Cũng may là còn có Viên khéo léo chợ búa, vun vén. Chiều nào thấy hai vợ chồng Thúc cũng ngồi ăn cơm dưới gốc cây khế ngọt trước nhà, hàng xóm chung quanh nhìn từ trên những tầng cao xuống xóm trọ lụp xụp phía dưới thường hay bảo: “Nghèo mà thương nhau cũng hóa giàu”.

Trời sáng hẳn cũng là lúc Thúc đã bó xong hoa. Giờ chỉ cần buộc lên xe là xong. Nhưng buộc hoa cũng phải nghệ thuật thì mới thu hút được mọi người đến chụp ảnh. Cái này thì khỏi phải lo, Thúc mà đã ra tay bảo đảm xe hoa sẽ đẹp mê. Sau khi đã sắp xếp từng bó hoa xong xuôi, Thúc treo lên tấm biển “Xe chở mùa thu” được viết bằng phấn trắng. Mấy năm nay giới trẻ thích trend chụp ảnh cùng xe hoa mùa thu như thế. Mùa này, cung đường nào cũng đẹp, lá vàng thả từ những vòm cây bay lả lơi trên vai áo người thiếu nữ. Máy ảnh bấm đúng khoảnh khắc tà áo dài bay lên trong gió, mắt môi của thanh xuân rạng rỡ khiến người ta xao động. Viên không lấy tiền chụp ảnh bên “xe chở mùa thu”, ai có nhu cầu mua giúp chị một bó hoa là đủ vui rồi.

Lúc vợ chồng ngồi ăn cơm nghe tiếng trẻ con nhà hàng xóm vui đùa chị ước gì mình cũng có con. Nhưng chị biết ước muốn ấy ngày càng xa vời khi chị đã gần bốn mươi, bệnh suy buồng trứng càng khó chữa. Trải qua nhiều biến cố giờ chị chỉ mong anh mạnh khỏe, vợ chồng nương tựa lẫn nhau. Chứ đã nghèo thì lấy đâu tiền khám chữa, thuốc thang. Nên chị giấu niềm khát khao làm mẹ trong lòng, có nói ra chỉ càng làm cho anh khổ tâm thêm.

- Hôm qua anh mơ thấy bố về. Bố đứng trong mảnh vườn cũ, dưới giàn mướp đầy hoa. Bố chỉ chỗ này chỗ kia nói phải trồng thêm cây na, cây bưởi.

- Sau này cóp đủ tiền, mình sẽ về quê, mua một mảnh đất nhỏ. Xây nhà bé thôi, đóng một cái bàn thờ, bố mẹ cũng không phải theo tụi mình ở trọ.

- Nghe nói đất quê bây giờ cũng đắt lắm. Cơn sốt đất len lỏi vào từng thôn xóm. Đợi chúng mình cóp được ít tiền thì có khi chỉ còn đất mãi trong rừng rú.

- Rừng rú thì đã sao. Cứ có nhau là có nhà. Cứ nổi lửa nấu cơm là thành mái ấm.

Chiều muộn, hai mái đầu rủ rỉ dưới gốc cây khế ngọt cho đến khi sương đã buông lạnh trên những nóc nhà. Xóm trọ của những người lao động nghèo thường tắt đèn ngủ sớm để chuẩn bị cho một cuộc mưu sinh mới vào sáng sớm hôm sau. Không cần phải hẹn giờ, đã như một thói quen, bốn giờ sáng Viên thức giấc. Lúc nhẹ nhàng mở cửa khu trọ chị giật mình nhìn thấy một thứ gì đó đặt ngay trước cổng. Nhìn kỹ, Viên phát hiện ra đó là loại giỏ nhựa người ta thường sách đồ đi đẻ. Có lẽ nào… Chị bước lại gần, qua ánh đèn đường vàng vọt từ xa hắt vào chị nhận ra có một đứa nhỏ đang nằm im gọn lỏn trong giỏ nhựa. Chỉ một lúc sau mọi người đã túa ra từ những căn nhà. Tiếng bàn tán ồn ào khiến đứa trẻ tỉnh giấc hoảng sợ khóc ầm lên. Viên bế bé trai vào lòng, nhận ra còn hơi ấm của người mẹ vừa để lại trên người đứa nhỏ. Có lẽ ở một góc xa xa nào đó người mẹ ấy vẫn đứng đó dõi theo đứa con bé nhỏ của mình. Tim Viên thắt lại, chị mong tiếng khóc buốt ruột gan này sẽ khiến người mẹ ấy suy nghĩ lại. Nhưng điều đó không xảy ra, đứa nhỏ bị bỏ lại không cả một tờ giấy ghi họ tên, ngày tháng năm sinh. Chỉ có chiếc khăn tã nhàu nhĩ đỏ au mầu nước chè lót cho con giấc ngủ khi rời vòng tay mẹ. Sáng ấy Viên không đi chợ nữa, chị được chính quyền giao cho tạm thời nuôi dưỡng đứa nhỏ chờ người thân đến nhận.

Đứa trẻ thèm hơi sữa từ bầu ngực mẹ mãi không thể ngủ yên. Chị ôm nó vào lòng, chẳng phải máu mủ gì mà sao thương thắt gan, thắt ruột. Thúc nói người ta mang đặt con trước cửa xóm trọ có lẽ vì biết có người thèm khát một đứa con. Viên ngẩng lên nhìn chồng rưng rưng. Nếu đứa nhỏ không được người thân nào tìm nhận lại, vợ chồng Viên sẽ cho con có một gia đình. Thúc nhìn xuống một bên chân của mình, anh nói với vợ:

- Hoàn cảnh của mình thế này chắc gì người ta giao đứa nhỏ cho nuôi. Nếu có con vợ chồng mình cũng chưa biết phải xoay xở thế nào.

- Có con thì có thêm động lực thôi. Mình thuê một căn nhà nhỏ ngoài mặt đường vừa buôn bán, vừa chăm con. Anh vẫn cứ làm mây tre đan. Em nhập hoa quả về bày bán. Rảnh thì muối dưa, rán bánh chuối, bánh khoai bán thêm. Anh chăm chỉ, em thì chẳng ngại thức khuya dậy sớm. Lo gì không sống được đâu anh.

Đứa nhỏ sau khi hóp má rít căng bụng sữa từ bầu ngực lép của cô hàng xóm đã thiu thiu ngủ trong vòng tay ấm áp của Viên. Tối nay Thúc nghỉ tay muộn hơn, chưa gì anh đã nghĩ phải chăm chỉ hơn để kiếm tiền mua sữa cho thằng nhỏ. Chưa gì Viên đã nghĩ sẵn vài cái tên thật hay cho đứa bé.