Cảnh báo nguy cơ thiếu hụt kỹ năng xanh

Cùng với sự "lên ngôi" của kinh tế tuần hoàn, thế giới đang bước vào quá trình chuyển đổi xanh. Từ doanh nghiệp xanh, việc làm xanh, dẫn đến đòi hỏi một thế hệ lao động mới với những kỹ năng xanh!
0:00 / 0:00
0:00
Tham gia các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, hoặc hoạt động xã hội là cách để bổ sung các kỹ năng xanh. Ảnh: Recycle Đà Lạt
Tham gia các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, hoặc hoạt động xã hội là cách để bổ sung các kỹ năng xanh. Ảnh: Recycle Đà Lạt

Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, kỹ năng xanh là những kiến thức, khả năng, giá trị, thái độ và hành vi cần thiết trong cuộc sống, hành động, việc làm giúp xã hội phát triển bền vững và sử dụng tài nguyên hiệu quả.

Ðòi hỏi từ thực tiễn

Báo cáo khảo sát năm 2023 của Mạng lưới dịch vụ kiểm toán đa quốc gia Deloitte, thực hiện với hơn 2.000 doanh nghiệp tại 24 quốc gia và vùng lãnh thổ, về mối quan tâm của họ đến phát triển bền vững, có tới 75% số doanh nghiệp chọn tăng cường đầu tư vào phát triển bền vững trong năm qua. Đầu tư cho môi trường là một trong những yếu tố giúp thu hút nhân tài trẻ. Củng cố thêm nhận định này, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, khoảng 100 triệu việc làm có thể được tạo ra trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững và kinh tế tuần hoàn.

Nhưng ở phía ngược lại, Microsoft lại chỉ ra thực tế, mặc dù 78% số công ty được khảo sát đã xác định được chiến lược triển khai đáp ứng các chỉ tiêu ESG - môi trường, xã hội và quản trị, thì có đến 94% số công ty cho biết, họ không tìm được nhân sự để thực hiện các chiến lược này.

Linkedin - một trong những nền tảng cung cấp các khóa học kỹ năng xanh trực tuyến, cũng vừa công bố Báo cáo Kỹ năng xanh toàn cầu năm 2023. Theo đó, bức tranh thị trường việc làm xanh trên toàn thế giới đang hết sức sôi động: toàn bộ 48 quốc gia được khảo sát đều có người lao động đang làm công việc xanh hoặc liệt kê ít nhất một kỹ năng xanh trên hồ sơ kinh nghiệm. Đồng thời, nhóm này có cơ hội tìm được việc làm cao hơn 29% so người không có kỹ năng xanh.

Khảo sát này chính là hồi chuông cảnh báo, ngay từ bây giờ, thanh niên Việt Nam cần gấp rút trang bị kiến thức về kinh tế xanh, kỹ năng xanh để đáp ứng được yêu cầu mới của nền kinh tế.

Xanh hóa nền giáo dục

Tuy nhận thức được những đòi hỏi mới về kỹ năng xanh, song đối với số đông thanh niên Việt Nam hiện nay, việc tiếp cận, tìm hiểu và học hỏi các kỹ năng xanh vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Nguyễn Tuyết Anh (sinh viên năm thứ hai ngành Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) chia sẻ: "Thú thật là em chưa bao giờ nghe đến kỹ năng xanh, chương trình học cũng không bao gồm nội dung này!". Muốn tìm hiểu những điều này, nhóm bạn của Tuyết Anh đăng ký tham gia các hoạt động xã hội để qua đó, có thể tự tìm hiểu và biết đến những kiến thức mới mẻ này. Song số đó, hiện nay không nhiều!

Bà Kristy Drutman, đồng sáng lập Green Jobs Board, nền tảng cung cấp thông tin việc làm liên quan môi trường và phát triển bền vững cho biết, một trong các thách thức chính của người trẻ hiện nay là thiếu hệ thống đào tạo, cố vấn hoặc hỗ trợ để phát triển nghề nghiệp xanh.

Tại Hội thảo mới đây do Chương trình Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức nhân Ngày Thanh niên Thế giới 12/8, với chủ đề "Hướng tới tương lai bền vững: Kỹ năng xanh cho thanh niên", thạc sĩ Vũ Thị Liễu - Trưởng bộ môn Công nghệ, Khoa Môi trường, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thừa nhận thực tế đáng quan ngại: "Chuyên ngành môi trường hiện nay mới chỉ được lồng ghép một vài khía cạnh nhỏ, chưa nêu bật được sự chuyển đổi xanh. Hành vi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, gần như sinh viên không có cách nào tiếp cận một cách chính thống, trừ khi giáo viên phải được tiếp cận và muốn vậy, nhà trường phải có chủ trương. Khi cả thế giới đang dịch chuyển xanh, đang tạo ra rất nhiều cơ hội thì sinh viên Việt Nam có thể đánh mất rất nhiều cơ hội, khi không theo kịp xu hướng xanh này". Đứng trước bối cảnh đó, giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và phát triển lực lượng lao động có khả năng tham gia vào nền kinh tế xanh.

Chúng ta đã có nhiều thảo luận về việc lồng ghép giáo dục về phát triển bền vững trong nội dung giảng dạy cũng như tại các hoạt động thiết thực trong khuôn khổ nhà trường, nhưng để hiện thực hóa mục tiêu "xanh hóa" nền giáo dục chắc chắn còn đòi hỏi nhiều nỗ lực của nhiều bên.

Giải pháp hiệu quả nhất dành cho thanh niên Việt Nam hiện nay vẫn là nâng cao ý thức và tự chủ động tìm hiểu các khóa học và chương trình đào tạo uy tín. Tại Việt Nam, Dự án Greenjobs do Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE) khởi xướng cũng là một lựa chọn phù hợp cho giới trẻ. Greenjobs hướng đến mục tiêu cung cấp những công cụ ban đầu cho thanh niên tìm hiểu về kỹ năng xanh, việc làm xanh một cách hệ thống và thuận lợi nhất. Trong đó, ứng dụng cùng tên dành cho các thiết bị di động đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ, dù chỉ đang trong quá trình thử nghiệm.

Bà Trần Hồng Vân, đại diện dự án Greenjobs cho biết: "Với ứng dụng này các bạn có thể hoàn toàn tìm hiểu được các ngành năng lượng, có thể thử thách bản thân qua các bài test để dần định hướng là mình sẽ hợp với nhóm ngành nghề nào nói chung của xã hội và có muốn thử sức với các nhóm ngành năng lượng tái tạo hay không".

Tựu trung lại, các kỹ năng xanh đóng vai trò quan trọng đối với người trẻ - thế hệ có thể đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh trong dài hạn.

Chưa bao giờ, kỹ năng xanh lại đóng vai trò quan trọng trong hồ sơ xin việc của thanh niên như hiện nay. Nhưng theo nhận định của Liên hợp quốc, đến năm 2030, dự kiến có tới 60% số thanh niên thiếu kỹ năng cho kinh tế xanh.