Cảnh báo ca mắc Covid-19 mới gia tăng dịp nghỉ lễ

Theo công văn mới nhất ngày 17/4, gửi các cấp chức năng, Bộ Y tế phân tích tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, số ca mắc trong những ngày qua có xu hướng tăng. Đặc biệt, kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương tới đây là dịp người dân đi lại nhiều, lượng du khách tăng cao, ca mắc Covid-19 nguy cơ gia tăng trở lại.
0:00 / 0:00
0:00
TP Hồ Chí Minh tiếp tục tiêm vaccine Covid-19 cho người dân. Ảnh: TN
TP Hồ Chí Minh tiếp tục tiêm vaccine Covid-19 cho người dân. Ảnh: TN

Chưa phát hiện biến thể SARS-CoV-2 mới

Theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.532.103 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/một triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ một triệu người có 116.541 ca nhiễm).

Tại Hà Nội, báo cáo của Sở Y tế cho thấy, trung bình 30-50 ca nhiễm phải nhập viện mỗi ngày. Trong số người nhiễm cần chăm sóc y tế, phần lớn là người cao tuổi, có bệnh lý nền, tỷ lệ trẻ em chỉ chiếm 2-6%. Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trong số 100 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện, có 20 ca nặng phải hồi sức tích cực, triệu chứng ban đầu không đổi, chưa rõ độc lực virus. "Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi về độc lực của virus đợt này, triệu chứng ban đầu của các ca nhiễm mới không thay đổi so với trước, chủ yếu là ho, sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ thể"-bác sĩ Phúc nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà, thành phố đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không có đột biến, tuy nhiên không nên chủ quan. Bà Hà cho hay, năm nay, thời tiết nồm ẩm kéo dài đã tác động đến sự gia tăng ca bệnh. Trong ngày 18/4, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản về công tác phòng, chống dịch bệnh, đáp ứng tình hình hiện nay.

Tương tự tại TP Hồ Chí Minh, số ca mắc mới Covid-19 gần đây đang có xu hướng tăng. Theo báo cáo của Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) phối hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố tiến hành giải trình tự gene SARS-CoV-2 từ các bệnh nhân dương tính trong giai đoạn từ ngày 11/1/2023 đến 20/3/2023, có năm mẫu được giải mã thành công. Trong số này, có hai chủng thuộc biến thể phụ BA.5; một mẫu BA.2.75; một mẫu XBB.1 và một mẫu XBB.1.5. XBB.1.5 đã được phát hiện tại 94 quốc gia. Các dữ liệu phân tích hiện nay cho thấy không có đánh giá nào về mức độ nghiêm trọng hơn đối với các biến thể đang lưu hành.

Rút kinh nghiệm từ đợt bùng phát dịch sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 của năm 2021, năm nay ngành y tế TP Hồ Chí Minh chủ động các phương án, lên kịch bản ngăn chặn Covid-19 bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thành phố tăng cường hoạt động phòng, chống dịch tại các cửa khẩu hàng không, cảng biển; giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca mắc bệnh, chùm ca viêm hô hấp.

Trong khi đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, hiện chưa có thông tin về việc phát hiện biến thể SARS-CoV-2 mới. Công tác giải trình tự gene virus này vẫn được triển khai. Đến nay, biến thể Omicron của SARS-CoV-2 đã xuất hiện và tồn tại được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau, chiếm ưu thế và lưu hành ở hầu hết các nơi trên thế giới.

Vaccine vẫn là biện pháp hiệu quả

Ngày 17/4, trước diễn biến gia tăng ca mắc Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca Covid-19 nặng, gửi xét nghiệm giải trình tự gene. Đồng thời triển khai Nghị quyết số 30/NQ-CP và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho công tác điều trị nói chung và điều trị Covid-19.

Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, dịch Covid-19 đang gia tăng trở lại vì sau một thời gian tiêm vaccine, miễn dịch cộng đồng giảm. Cùng với đó, miễn dịch của người đã nhiễm Covid-19 cũng giảm nên đối tượng này tiếp tục có nguy cơ mắc lại. Thời gian sắp tới, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4-1/5, nếu người dân chủ quan không có các biện pháp phòng vệ cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn thì số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng. "Nên duy trì nguyên tắc 2K (khẩu trang, khử khuẩn) để không chỉ phòng Covid-19 mà còn các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B. Với ngành y tế, cần đánh giá về các chủng virus mới, khả năng phòng bệnh của vaccine để khuyến cáo người dân và có biện pháp đáp ứng phù hợp, không bị động", ông Phu nhấn mạnh.

GS, TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cũng đưa ra nhận định: Dịch có thể đi theo kịch bản dù có các biến thể phụ nhưng vẫn ổn định, tiến tới có thể trở thành bệnh, có thể gây tử vong cho người có nguy cơ cao nhưng không làm xáo trộn xã hội. Để không ảnh hưởng đến cuộc sống, cần tập trung bảo vệ tối đa đối tượng nguy cơ cao, lực lượng y tế tuyến đầu... Đến nay, Bộ Y tế chưa thay đổi khuyến cáo về tiêm vaccine Covid-19. "Vaccine vẫn là biện pháp hiệu quả, tăng miễn dịch với biến chủng Omicron, ngăn nguy cơ bệnh diễn biến nặng và tử vong. Khuyến cáo những người có nguy cơ cao nên đeo khẩu trang để phòng bệnh khi đến nơi đông người, môi trường ít thông thoáng"-GS Lân cho hay.