Thiếu thuốc, trang thiết bị y tế

Cần sớm tìm ra giải pháp

Thông báo 288/TB-VPCP ngày 19/9/2022 về kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ở phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo với các địa phương (diễn ra ngày 13/9) do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, đã yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương tập trung tổ chức thực hiện hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, sớm giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Thời gian gần đây, hàng loạt bệnh viện lên tiếng về việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Ảnh: BẮC SƠN
Thời gian gần đây, hàng loạt bệnh viện lên tiếng về việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Ảnh: BẮC SƠN

Bệnh viện lo đóng cửa

Mới đây, chiều 16/9, tại lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh thế giới năm 2022, ông Phạm Thanh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt T.Ư chia sẻ về tình trạng thiếu thuốc tê tại bệnh viện.

Theo đó, tại Bệnh viện Răng hàm mặt T.Ư, kháng sinh và thuốc tê là hai nhóm thuốc được sử dụng nhiều nhất. Với thuốc kháng sinh, bệnh viện vẫn bảo đảm đủ nguồn cung trong thời gian qua, không xảy ra thiếu hụt. Tuy nhiên với thuốc tê, nguy cơ hết thuốc đang hiện hữu. Thuốc gây tê được chia làm hai loại, là chứa chất gây co mạch và chống gây co mạch. Loại thuốc tê có chứa chất làm co mạch có khả năng gây tê sâu hơn nhưng lại có nhược điểm là gây tăng huyết áp. Vì thế, người bệnh bị tăng huyết áp, nhịp tim nhanh không chỉ định dùng loại này. “Còn hai tuần nữa là chúng tôi hết thuốc tê. Nếu không có thuốc tê thì nguy cơ đóng cửa rất cao vì hai phần ba dịch vụ ngoại trú sử dụng thuốc tê”, ông Phạm Thanh Hà lo lắng.

Với một số loại thuốc tê đã hết, bệnh viện phải thay thế bằng loại thuốc tê khác tính năng tương tự nhưng cũng rất khó. Bởi, hiện nay, theo các công ty dược, giấy phép chưa được gia hạn. Sắp tới, vấn đề cung ứng thuốc tê sẽ rất khó khăn.

Phó Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt T.Ư Phạm Thanh Hà cũng cho hay, thời gian kể từ khi doanh nghiệp đăng ký nhập cho đến khi về được Việt Nam phải mất ba đến bốn tháng. Trong khi đó, hiện chỉ có hai đến ba hãng sản xuất thuốc tê nhập về Việt Nam. Trên thế giới cũng không có nhiều nhà sản xuất thuốc tê, nên việc tìm kiếm sản phẩm thay thế rất khó. Bệnh viện mong sớm có giải pháp tháo gỡ.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay, một số loại thuốc chuyên khoa dùng cho một số bệnh đặc biệt như: Suy tuyến thượng thận, ngộ độc kim loại nặng... không có sẵn, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và khó khăn trong công tác cấp cứu, điều trị của bệnh viện. Bệnh viện Bạch Mai đề nghị nhập khẩu 12 loại thuốc của ba chuyên khoa (gồm: Chống độc, tim mạch và nội tiết); trong đó, có tám loại để điều trị chống độc (ngộ độc kim loại nặng, ngộ độc chì, ngộ độc cồn công nghiệp, ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat, sốc phản vệ...) và bốn loại thuốc điều trị nội tiết và tim mạch.

Thời gian gần đây, hàng loạt bệnh viện lên tiếng về việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Mới đây, Cục Quản lý dược cũng đã nhiều lần yêu cầu các đơn vị nhập khẩu thuốc điều trị chống sốc trong sốt xuất huyết; các loại thuốc sử dụng trong điều trị chống độc; các loại thuốc nội tiết, tim mạch... Bộ Y tế cũng yêu cầu Cục Quản lý dược chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu nhanh chóng tìm nguồn cung thuốc tê để bảo đảm thuốc cho nhu cầu điều trị của các bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt.

Cần sớm tìm ra giải pháp ảnh 1

Thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

Đề nghị được chỉ định thầu

Thông báo 288/TB-VPCP ngày 19/9/2022 về kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ở phiên họp thứ 17 của Ban chỉ đạo với các địa phương (diễn ra ngày 13/9) do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, đã yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương tập trung tổ chức thực hiện hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp.

Ban Chỉ đạo quốc gia yêu cầu các bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế theo Công điện số 778/CĐ-TTg ngày 5/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ; sớm giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, đặc biệt là cho phòng, chống dịch Covid-19; dứt khoát không để tiếp diễn, kéo dài tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế do vướng mắc về thủ tục, quy định và do thiếu trách nhiệm.

Chiều 20/9, Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến. Các ý kiến đề nghị chỉ áp dụng chỉ định thầu với các trường hợp đặc thù. Cụ thể là: dự án cấp bách; bảo đảm bí mật liên quan đến an ninh, quốc phòng; đầu tư mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp khẩn cấp...

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Phú Cường đề nghị: “Chính phủ rà soát cụ thể từng trường hợp, đánh giá tác động của các trường hợp này để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu đã đặt ra, tránh việc lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu”. Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc bổ sung quy định về trường hợp đặc biệt lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt trong tình hình thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế như hiện nay.