Cần hành động ngay để thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn

Có thể nói, vấn đề thoái vốn, cổ phần hóa trong thời gian qua đang chững lại và chậm so yêu cầu đề ra. Trả lời Nhân Dân cuối tuần, Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến chỉ ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra từ giai đoạn 2016-2020.

Cần hành động ngay để thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn

Những chậm trễ trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không thể né tránh trách nhiệm của chính các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp chậm, cả tiến trình sẽ chậm. Lúc này, sự chủ động của doanh nghiệp rất cần.

- Ông nhìn nhận thế nào về quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020?

Trong giai đoạn 2016-2020 chúng ta chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, dù trên thực tế con số có thể cao hơn. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020 chúng ta chỉ đạt 30% kế hoạch CPH đề ra. Lũy kế giai đoạn 2016-2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 180 doanh nghiệp đã CPH chỉ có 39/128 doanh nghiệp CPH thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch).

Năm 2021, cũng chỉ ghi nhận bốn doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 333 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 196 tỷ đồng. Tương tự, về công tác thoái vốn, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016-2020: thoái 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng. Có thể nói vấn đề thoái vốn, cổ phần hóa trong thời gian qua đang chững lại và chậm so yêu cầu đề ra.

- Cũng trong giai đoạn này, hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Phải chăng chính sách vẫn chưa đến được với thực tế, thưa ông?

Có ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên. Thứ nhất, do nền kinh tế của chúng ta có những biến động trong bối cảnh kinh tế chính trị thế giới có những biến động với chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc, dịch Covid-19 diễn ra và kéo dài đến hiện nay. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là những nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ của cổ phần hóa, thoái vốn. Đặc biệt là do nhận thức. Trong nhận thức vẫn còn tư tưởng ngại thậm chí không muốn cổ phần hóa. Bên cạnh đó, có những vấn đề phát sinh trong cổ phần hóa, những vướng mắc xảy ra còn sự tranh luận khác nhau và vẫn chưa thống nhất trong vấn đề đưa vào thể chế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thứ hai, trong tổ chức thực hiện, các tập đoàn, tổng công ty còn lúng túng ở hai vấn đề: Việc xây dựng danh mục đưa vào cổ phần hóa chưa sát, dẫn đến cổ phần hóa doanh nghiệp ngoài danh mục thực hiện được nhiều hơn trong danh mục. Các doanh nghiệp còn lúng túng trong vấn đề chuẩn bị cổ phần hóa, đặc biệt là khi áp dụng Luật Quản lý tài sản công, sắp xếp lại cơ sở nhà đất, đến khi cổ phần hóa, doanh nghiệp mới vội vàng sắp xếp, trong khi việc sắp xếp lại nhà đất không phải chỉ doanh nghiệp cổ phần hóa mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải sắp xếp. Chính vì sắp xếp chậm nên còn lúng túng, dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị cổ phần hóa, dẫn đến nhiều doanh nghiệp sau nhiều năm vẫn chưa sắp xếp xong. Mặt khác, dù là vấn đề do lịch sử để lại song việc sắp xếp lại nhà đất trở thành vấn đề tồn tại, bất cập, và cũng mang tính chủ quan của những người đứng đầu doanh nghiệp. Thứ ba, trong công tác kiểm tra giám sát. Chúng ta có kiểm tra giám sát, có đánh giá, có chỉ ra chỗ này chỗ kia cổ phần hóa chậm, nhưng sau đó xử lý như thế nào, kiểm điểm trách nhiệm ra sao thì còn thiếu chế tài, dẫn đến tính thực thi pháp luật, tuân thủ mệnh lệnh cấp trên, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn chưa cao.

- Ông có thể nói rõ hơn việc còn nhiều quan điểm khác nhau về nguyên nhân nhận thức trong quá trình thực hiện dẫn tới quá trình cổ phần hóa bị chậm trễ?

Thực tế, một trong những nguyên nhân dẫn tới cổ phần hóa chậm trễ do nhận thức còn nhiều quan điểm khác nhau về các vấn đề như: xác định giá trị lợi thế, giá trị đất đai, giá trị lịch sử văn hóa... Bên cạnh đó, vấn đề xử lý những tồn tại trong quá trình sắp xếp đất đai còn có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng lại chậm được các cơ quan chức năng tháo gỡ, các thể chế chậm được ban hành. Thí dụ, việc sửa những vấn đề vướng mắc trong cổ phần hóa thì tới năm 2020 chúng ta mới ban hành Nghị định 140/NĐ-CP, còn việc sắp xếp đất đai theo Luật Quản lý tài sản công thì đến năm 2021 chúng ta mới ban hành Nghị định 67/NĐ-CP sửa Nghị định 167/2017/NĐ-CP. Rõ ràng, đây là vấn đề phải tuân thủ pháp luật, nhưng hệ thống thể chế chậm được ban hành thì doanh nghiệp thực hiện gặp vướng mắc cũng sẽ bị chậm.

- Thưa ông, từ những đúc kết nói trên, có thể đưa ra những giải pháp gì thúc đẩy cổ phần hóa trong giai đoạn tới?

Tôi cho rằng, muốn thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn, cần tập trung vào những vấn đề sau: Cần xử lý, sắp xếp nhà đất để bảo đảm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh chính, thay vì sau cổ phần hóa, doanh nghiệp lại đi vào kinh doanh bất động sản, không đúng với mục tiêu đặt ra; sắp xếp đất đai để tiết kiệm nguồn lực bằng cách thu hồi lại các nguồn lực để giải phóng nguồn lực đó cho các thành phần kinh tế khác. Đây là mục tiêu đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ. Đồng thời, rà soát lại khâu chuẩn bị cổ phần hóa, khâu xác định giá trị doanh nghiệp, xem còn vấn đề gì bất cập, chưa chính xác, chưa sát thực tế, sau đó hoàn thiện thể chế theo hướng cơ chế thị trường, công khai minh bạch, tôn trọng việc thẩm định giá của các cơ quan tư vấn thẩm định giá tuân thủ theo các quy định thẩm định giá, như vậy để tránh được sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước vào vấn đề định giá mà không theo cơ chế thị trường…

- Tuy nhiên, làm thế nào để xác định đúng giá trị doanh nghiệp và có nên tách sắp xếp đất đai ra khỏi quá trình cổ phần hóa hay không, thưa ông?

Đây là hai vướng mắc lớn nhất cản trở quá trình cổ phần hóa thời gian qua. Với vai trò là cơ quan ban hành chính sách, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để hoàn thiện khung pháp lý về các vấn đề. Thứ nhất, về định hướng tách giá trị đất ra khỏi phương án tính giá trị cổ phần hóa thì phải rà soát, tính toán kỹ để bảo đảm tính đúng, tính đủ, tránh thất thoát, phải bảo đảm đất đai được quản lý chặt chẽ, tránh bị lợi dụng. Thứ hai, về định giá, phải làm sao tính đúng tính đủ, nhưng phù hợp thực tiễn.

Để đưa ra quy định cụ thể, một cơ chế chính sách rõ ràng, Bộ Tài chính sẽ cần tiếp tục phải lắng nghe nhiều hơn, bên cạnh ý kiến của các chuyên gia, các Tập đoàn, Tổng công ty, thì cần lắng nghe ý kiến của các thành phần kinh tế khác. Khi hội tụ đủ ý kiến của các thành phần liên quan, nhiều chiều, chiếu theo các quy định của pháp luật, định hướng của Đảng, chúng ta mới ban hành được cơ chế chính sách phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trước mắt, trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế cần phải có ngay những hành động tháo gỡ trong khuôn khổ pháp luật cho phép để thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn ở mức hợp lý.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Cần hành động ngay để thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn -0

PGS, TS Trần Hoàng Ngân - Thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội:

Chậm mà chắc hơn nhanh mà thất thoát

Thời gian qua, vấn đề được phản ánh nhiều, gây nhiều bức xúc là chậm cổ phần hóa. Nhưng chậm cũng chưa chắc là không tốt, vì thế cần có sự phân biệt. Chậm bán cổ phần của Nhà nước, nhưng nếu doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả thì khi cổ phần hóa lại thu được nhiều tài sản hơn. Bên cạnh đó, là cách thức thoái vốn nữa. Làm chậm, nhưng chắc vẫn hơn làm nhanh, vội vã mà lại để xảy ra thất thoát. Đã có thời kỳ chúng ta nóng vội, dẫn đến thất thoát tài sản, mất mát cán bộ. Chậm mà kỹ, để rà soát lại luật pháp, thể chế, làm đúng quy định, thậm chí có cách thoái vốn khôn khéo để thu về cho Nhà nước nhiều nhất có thể thì vẫn tốt hơn là nhanh mà ẩu.

Nhưng đất đai đúng là một vấn đề lớn, vì thị trường đất đai tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn đang rất biến động. Tôi nhớ Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vấn đề đất đai cách đây một năm (Thông tư số 03/2021/TT-BTNMT - PV), nhưng như Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa cho biết, vừa qua tài sản Nhà nước bị thất thoát nhiều qua cổ phần hóa chủ yếu liên quan đến đất. Khung khổ pháp lý hiện nay có những bất cập. Theo Nghị định 32 của Chính phủ, tài sản doanh nghiệp gắn liền với đất thuê hằng năm không được tính vào giá trị doanh nghiệp, nhưng nộp tiền đất một năm thì lại được gắn vào giá trị doanh nghiệp. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhìn nhận "đây là lỗ hổng cần xử lý để không thất thoát đất đai khi chuyển sang cổ phần hóa doanh nghiệp". Bên cạnh đó là vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất không sát giá thị trường, tạo ra thất thoát khi tài sản nhà nước chuyển qua tài sản tư nhân… Những bất cập này - và có thể còn nhiều điều khác nữa - cần sớm được khắc phục.

CẨM HÀ (thực hiện)

Cần hành động ngay để thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn -0

Ông Dương Quang Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN):

Thúc đẩy chuyển đổi vì mục tiêu doanh nghiệp số

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác đầu tư nhằm khơi thông nguồn lực, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, EVN đã hoàn thành chuyển Tổng công ty phát điện 2 và 3 sang công ty cổ phần, đang triển khai các bước cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 1; hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại ba công ty cổ phần, gồm: Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance); Công ty cổ phần Cơ điện Thủ Đức (EMC); Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình (TBW) với tổng giá trị thu về là 634,360 tỷ đồng, thặng dư 171,155 tỷ đồng.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 852 phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017-2020, ngày 31/7/2017, Hội đồng Thành viên EVN đã xây dựng kế hoạch chi tiết, ban hành Chỉ thị chỉ đạo công tác triển khai, phê duyệt Đề án tái cơ cấu cho các Tổng công ty thuộc EVN, đồng thời, chuyển giao Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn 1 từ EVN về Tổng công ty Phát điện 1; thành lập mới các đơn vị (03 Ban QLDA điện 1, 2, 3; Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN; xây dựng Đề án tách bạch về tổ chức khâu phân phối và khâu kinh doanh bán lẻ điện của các Tổng công ty Điện lực (TCTĐL) thuộc EVN, định hướng đến năm 2025; chuyển Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) thành công ty TNHH MTV, hạch toán độc lập trong EVN; thành lập Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu khoa học thuộc EVN; phê duyệt Đề án tách bạch khâu dịch vụ sửa chữa với khâu quản lý vận hành các nhà máy điện, lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối của các đơn vị trong EVN…

Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, EVN đang đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực để sớm đưa EVN trở thành doanh nghiệp số; tiếp tục đổi mới trong công tác quản lý; chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, đáp ứng mục tiêu "Nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp"; tiếp tục hoàn thiện các nội dung quản trị tài sản theo hướng chuyên biệt; duy trì văn hóa doanh nghiệp với các giá trị cốt lõi như tận tâm-trí tuệ, chất lượng-tín nhiệm, hợp tác-chia sẻ, sáng tạo-hiệu quả; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng đội ngũ chuyên gia chuyên sâu, xác định khung năng lực cần có cho các vị trí chuyên gia hướng đến các chuẩn mực ngang tầm khu vực và quốc tế; kết nối mạng lưới các ứng viên chuyên gia để cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau giải quyết công việc hiệu quả hơn; người lao động trong mọi lĩnh vực được nhanh chóng tiếp cận kiến thức thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trong quản trị nhân sự...

Để bảo đảm nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư, EVN tiếp tục áp dụng một số chiến lược huy động vốn như: Đẩy mạnh việc vay vốn trực tiếp không có bảo lãnh Chính phủ từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính nước ngoài, bao gồm cả vay vốn thông qua và không thông qua ECA; kiên trì tiếp cận nguồn vốn ODA/vốn ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài để đầu tư cho các dự án điện; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để đa dạng nguồn vốn vay, bao gồm cả các nguồn vốn viện trợ (EU, USTDA...); tiếp tục cải thiện Hệ số tín nhiệm của Công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên để tăng cường khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế; tiếp tục đề nghị được bố trí nguồn vốn NSNN thực hiện triển khai đầu tư các dự án cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo nhằm tạo động lực xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biển đảo của Tổ quốc; tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn miền núi và hải đảo.

NGUYỄN THANH MAI (Thực hiện)