Cảm hứng hào hùng về chiến thắng trên trời cao

50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (12/1972 - 12/2022) là dịp cùng nhìn lại lịch sử để thêm tự hào về tinh thần chiến đấu gan dạ, dũng cảm của quân và dân ta. Âm nhạc với khả năng lan tỏa rộng rãi đã góp phần gợi về hào khí của những chiến công.
0:00 / 0:00
0:00
Tranh cổ động về chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Tác giả: PHẠM BÌNH ĐỊNH
Tranh cổ động về chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Tác giả: PHẠM BÌNH ĐỊNH

1/Từng có nhiều sáng tác ra đời đúng thời điểm đã như một “binh chủng” góp tiếng ca, giai điệu mạnh mẽ cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta chiến thắng kẻ thù. Một trong những người “chép sử bằng âm nhạc” thành công nhất trong lực lượng đó là nhạc sĩ Phạm Tuyên. Đêm 27/12/1972, nhạc sĩ viết bài hát “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” dưới hầm trú bom của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ca khúc mang âm hưởng rắn rỏi, hào hùng, tha thiết: “B52 tan xác cháy sáng bầu trời/Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngợi…/Hà Nội đây! Đế quốc Mỹ có nghe chăng câu trả lời của Hà Nội chúng ta?/Đâu chỉ vì non nước riêng này/ Phất ngọn cờ sao chính nghĩa…”.

Ra đời trong 12 ngày đêm khói lửa và hào hùng còn có ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của nhạc sĩ Phan Nhân. Nhạc sĩ đã nhấn mạnh hai chữ quan trọng thể hiện tinh thần, chí khí, ý tứ của cả bài hát: “Niềm tin” và “Hy vọng”, thể hiện cả niềm kiêu hãnh, ý chí bất khuất của người Hà Nội. Cho đến hôm nay, ca khúc vẫn được đón nhận nhiệt thành, được xếp vào một trong những ca khúc hay nhất về Thủ đô Hà Nội.

2/Là người con của Hà Tây trước kia, nay cũng là Hà Nội, nhạc sĩ Đoàn Bổng có tình yêu lớn với mảnh đất này. Ông đã sáng tác hàng chục bài hát về Hà Nội với tình cảm thân thương, thắm thiết. Và dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, ông đã kịp ghi dấu ấn với ca khúc “Rồng lửa trên bầu trời Hà Nội”. Với giai điệu khỏe khoắn, hào hùng, ông đã khắc họa ý chí kiên cường của lực lượng phòng không-không quân-lực lượng nòng cốt đóng góp cho chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Nhạc sĩ tâm sự, qua ca khúc, ông muốn nói lên niềm tự hào của quân đội ta và cũng để nhắc nhở, thôi thúc với thế hệ sau rằng, đất nước ta đã trải qua những năm tháng hào hùng như thế. “Tôi đã đem cảm xúc vui sướng, tự hào của nhân dân Thủ đô khi chứng kiến những quả tên lửa như những con rồng sáng rực cả bầu trời, bay rất nhanh để tìm mục tiêu và tiêu diệt “pháo đài bay” của địch đưa vào bài hát này”, ông nhấn mạnh.

Cũng tham gia viết về đề tài này nhân dịp kỷ niệm, nhạc sĩ Ngọc Khuê đã khéo léo “mượn” lời một sĩ quan trẻ nghĩ về quá khứ oanh liệt của ông cha để tiếp bước thế hệ trước bảo vệ và xây dựng Thủ đô, bảo vệ bầu trời thân yêu của Tổ quốc. Ông không viết cụ thể về một người anh hùng nào nhưng tất cả câu chuyện đó đều có thật, là một sĩ quan tên lửa đã được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hoặc của nhiều người đã tham gia chiến đấu trong 12 ngày đêm của Hà Nội hay của những người đã được sinh ra từ những ngày khói lửa ấy. Ca khúc “Ông tôi là một người Anh hùng” của nhạc sĩ Ngọc Khuê bắt đầu bằng những ca từ đầy day dứt, khắc khoải: “Ngày tháng như thoi đưa, đã nửa thế kỷ/Để cho tôi hôm nay bâng khuâng nhớ về/Ngày ấy ông của tôi đang chỉ huy trận địa tên lửa/Bà đã sinh ra mẹ tôi giữa đêm tháng Chạp…”.

Từng là một người lính phòng không-không quân, với nhạc sĩ Ngọc Khuê, sáng tác về đề tài này như là một phần trách nhiệm của bản thân. Bởi thế, ông đã không chỉ viết nhạc mà còn làm bài thơ “Dấu ấn Hà Nội 1972” để nhạc sĩ Đoàn Nguyên Hiếu lồng vào khuông nhạc một cách uyển chuyển, tha thiết. Bài hát nhạc Nguyên Hiếu, lời Ngọc Khuê không chỉ để khắc họa lại khí thế của một thời oanh liệt mà như một dòng suy nghĩ khi nhìn bức ảnh cô gái tưới hoa bên xác B52 trên hồ Hữu Tiệp để hồi tưởng, nhớ nhung về chiến thắng oai hùng 50 năm trước. Bằng những giai điệu mượt mà, tình cảm mà trẻ trung, sang trọng, ca khúc toát lên vẻ đẹp thanh lịch của người làng hoa Ngọc Hà nói riêng và của người Hà Nội nói chung. Bài ca có đoạn: “Nơi anh, giữa hồ Hữu Tiệp/Nơi em, cô gái tưới hoa/Ngọc Hà xôn xao câu hát/Cả một vùng trời đất bao la/Nửa thế kỷ đã đi qua/Dấu tích xưa còn ghi mãi/Xác B52 nằm lại/Giữa hồ đã nói bao điều”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không như một bản hùng ca bất tử của dân tộc. Với ý nghĩa, vai trò và tầm vóc lịch sử, chiến công sáng ngời nửa thế kỷ trước sẽ còn là nguồn cảm hứng dồi dào cho các thế hệ nhạc sĩ hôm nay và mai sau.