Doanh nghiệp chưa mặn mà - Vì sao?
Năm 2021, có đến 243 doanh nghiệp phát hành trái phiếu lần đầu, với khối lượng phát hành chiếm 40%; có hơn 60% trong số đó là doanh nghiệp bất động sản và xây dựng, tăng mạnh so năm 2020. Bước sang năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam nhìn chung rất ảm đạm.
Theo thống kê từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến cuối tháng 5/2023, tỷ trọng giá trị trái phiếu đang lưu hành đã giảm còn 11,6% GDP, thấp hơn nhiều so giai đoạn thị trường bùng nổ cuối năm 2021, có nghĩa thị trường đã thu hẹp khoảng 30%. Trong đó, trái phiếu chậm thanh toán tiếp tục tăng lên khoảng 98.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 7,8% dư nợ toàn thị trường trái phiếu.
Tuy nhiên, khi các chính sách mà Chính phủ đã ban hành đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, theo giới chuyên môn, thị trường đang trong giai đoạn phục hồi, mặc dù còn chậm. Điểm tích cực là các giao dịch phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chủ yếu được mua bởi các nhà đầu tư tổ chức là định chế đúng hướng đối với trái phiếu chào bán riêng lẻ. Chỉ có điều các quỹ trái phiếu và các công ty bảo hiểm hoặc quỹ đầu tư bảo hiểm tham gia chưa sôi động trở lại. Điều này một phần do môi trường tín dụng đang có mức độ rủi ro cao hơn và một phần cũng do các quy định mới, thí dụ các công ty bảo hiểm không được phép mua các trái phiếu được phát hành với mục đích cơ cấu lại nợ.
Mặc dù thị trường đã có sự hồi phục nhưng kênh chào bán rộng rãi ra công chúng vẫn chưa khởi sắc như mong đợi. Điều này một phần do cầu từ nhà đầu tư cá nhân giảm sau giai đoạn vừa qua do những xáo trộn trên thị trường và cần thêm thời gian cũng như những giải pháp về minh bạch thông tin để nhà đầu tư đại chúng có thể tham gia đầu tư kênh trái phiếu trở lại. Điểm hỗ trợ cho kênh trái phiếu chào bán đại chúng trong thời gian tới có thể không chỉ đến từ các biện pháp tháo gỡ của cơ quan quản lý mà có lẽ việc cơ quan quản lý nhà nước chính thức vận hành sàn giao dịch và đưa trái phiếu lên đăng ký giao dịch hoặc niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) có vai trò rất quan trọng, nhận được sự quan tâm từ nhiều phía.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của cả cơ quan quản lý nhà nước và thị trường, dữ liệu từ HNX cho thấy, tính đến ngày 13/10/2023, sau gần ba tháng hệ thống đăng ký, lưu ký, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính thức vận hành, mới có 190 mã trái phiếu đăng ký giao dịch, đạt tỷ lệ hơn 14%. Trong khi đó, ngày 19/10/2023 là "hạn chót" để doanh nghiệp đưa trái phiếu riêng lẻ lên sàn giao dịch tập trung.
Theo nhận định của luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, nguyên nhân doanh nghiệp chưa "mặn mà" đưa trái phiếu lên sàn giao dịch vì họ lo ngại rằng việc lên sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ sẽ làm giảm giá trị của trái phiếu, do sự biến động của thị trường và sự cạnh tranh của các trái phiếu khác. Hơn nữa, việc lên sàn cũng có thể làm lộ ra những thông tin nhạy cảm hoặc bất lợi của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới uy tín và hình ảnh của họ. Nhiều nhà đầu tư chưa quen với việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên sàn, do thiếu thông tin và kiến thức về thị trường này. Mặt khác, không ít nhà đầu tư cũng chưa có nhu cầu bán trái phiếu riêng lẻ, mà chỉ muốn giữ trái phiếu đến hạn để nhận lãi suất cao.
Ngoài ra, nguyên nhân còn xuất phát từ việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng bởi niềm tin của nhà đầu tư, do các sai phạm của một số doanh nghiệp vừa bị xử lý và do có một số thông tin không chính thống, thông tin thất thiệt về doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Chính việc kiểm tra, giám sát tập trung vào mục đích phát hành trái phiếu cũng dẫn đến tâm lý quan ngại của cả doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.
Thích ứng để phù hợp xu hướng thị trường
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chính chỉ đạo của Chính phủ, sự can thiệp chính sách kịp thời của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước nhằm giảm lãi suất tiền gửi và từng bước giảm lãi suất cho vay và tín dụng là chất xúc tác tốt cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp sớm khôi phục trở lại. Với các trái phiếu có chất lượng tín dụng tốt hoặc xếp hạng tín nhiệm tốt và với lãi suất cao hợp lý so tiền gửi sẽ là tiền đề để không chỉ nhà đầu tư tổ chức mà cả nhà đầu tư cá nhân cũng quan tâm đầu tư trở lại vào kênh này.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cũng không nên kỳ vọng rằng mọi lô trái phiếu hay mọi khoản vay đều phải giảm lãi suất. Bởi mức lãi suất là kết quả của câu chuyện kỳ vọng lợi nhuận sau khi đã điều chỉnh rủi ro. Theo đó, việc giảm lãi suất cho vay trên mặt bằng chung là xu hướng sẽ xảy ra nhờ những chính sách hỗ trợ và điều tiết của cơ quan quản lý thì thị trường nên chấp nhận mức lãi suất cao hơn ở những ngành nghề và mức độ xếp hạng tín nhiệm hay chất lượng tín dụng của các doanh nghiệp cụ thể. Đây cũng là tiền đề để thị trường xây dựng được đường cong lãi suất trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam thay vì cào bằng lãi suất như thời gian vừa qua và góp phần làm tăng thông tin cho nhà đầu tư bởi nguyên lý cơ bản của đầu tư là lợi nhuận dựa trên điều chỉnh rủi ro trên thị trường vốn.
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia phân tích Nguyễn Bá Khương (Công ty Chứng khoán VNDIRECT) nhận định, việc ra đời hệ thống kê khai và giao dịch tập trung tại HNX đối với trái phiếu riêng lẻ là một bước tiến lớn, góp phần giải quyết nhiều vấn đề lớn của thị trường hiện nay. Sàn giao dịch cũng có tác dụng góp phần giúp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi, dù so với quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quy mô giao dịch trên sàn này còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, để đánh giá về hiệu quả của mô hình này cần có thời gian để kiểm chứng và hoàn thiện về mặt pháp lý và kỹ thuật.
Để đẩy nhanh tiến trình doanh nghiệp đưa trái phiếu lên sàn, theo chuyên gia này, cần tạo ra một thị trường minh bạch, về phía doanh nghiệp cần phải công bố thông tin về tình hình tài chính, kế hoạch sử dụng vốn, mức độ rủi ro và các điều kiện phát hành trái phiếu một cách rõ ràng và đầy đủ, để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và tăng uy tín trên thị trường. Về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng nên nỗ lực hết mình để tiếp tục khắc phục những rủi ro, nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để ứng phó những vấn đề phát sinh trên thực tiễn, chấn chỉnh đối tượng trên thị trường không tuân thủ quy định của pháp luật, để tăng cường quản lý giám sát, bảo đảm tính minh bạch của thị trường.
Doanh nghiệp cần thích ứng với nhu cầu và thị hiếu của nhà đầu tư, bằng cách điều chỉnh các điều kiện phát hành trái phiếu như kỳ hạn, lãi suất, phương thức trả lãi, quyền chuyển đổi... để phù hợp xu hướng thị trường và cạnh tranh với các sản phẩm khác. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, có khả năng góp vốn lớn và ổn định, để tăng tính thanh khoản của trái phiếu.