Trước hết cần đổi mới tư duy
GS,TS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em Việt Nam cho rằng nước ta đang trải qua những biến đổi "đầy dữ dội" về cơ cấu dân số. Số người cao tuổi đang tăng lên và số trẻ em đang giảm đi nhanh chóng. Tính từ năm 1979 tới nay, các nhóm tuổi phụ thuộc (từ 0 - 14 tuổi) giảm mạnh. Đặc biệt, nhóm tuổi từ 0 - 4 tuổi giảm tới 1/2 so với thời điểm năm 1979. Ngược lại, tỉ lệ nhóm tuổi từ 65 tuổi trở lên đã tăng tới 1,5 lần. Theo các chuyên gia, tỉ lệ người cao tuổi cuối thời kỳ dự báo năm 2059 là 28,31%, số người trong độ tuổi nghỉ hưu sẽ là 28 triệu. Còn trước mắt, trong 10 năm tới, cả nước phải bảo đảm an sinh xã hội cho 10 triệu người 60 tuổi trở lên về các khoản lương hưu, trợ cấp, chăm sóc sức khỏe... Chỉ số HDI (chỉ số phát triển con người) vẫn ở bậc trung bình. Tình hình này buộc phải có một sự thay đổi mang tính cách mạng trong chính sách dân số.
Chính sách về dân số thể hiện một cách có hệ thống qua văn kiện của các kỳ đại hội Đảng. Chính sách Dân số Việt Nam khởi đầu bằng Quyết định 216/CP ngày 26-12-1961 của Hội đồng Chính phủ về việc "sinh đẻ có hướng dẫn", trọng tâm là giảm sinh. Từ Đại hội IV năm 1976 đến các kỳ đại hội sau, vấn đề dân số - kế hoạch hóa gia đình, trọng tâm là việc giảm tỷ lệ tốc độ tăng dân số luôn là quốc sách, là cuộc vận động rộng lớn, mạnh mẽ và sâu sắc trong toàn dân. Tuy nhiên trong những năm sau này, chính sách dân số không chỉ tập trung vào kiểm soát quy mô mà còn chú ý việc tăng chất lượng dân số sao cho phù hợp với yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đề cập đến vấn đề duy trì kế hoạch giảm sinh và giữ mức sinh thay thế...
Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã ra nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Trung ương khẳng định chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Phấn đấu duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân số phù hợp với quá trình phát triển".
Như vậy, nếu trước đây, chính sách DS-KHHGĐ, chỉ tập trung vào một nội dung là KHHGĐ với mục tiêu giảm sinh thì nay, chính sách dân số mới với sáu nội dung, tức là với phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Nhìn trong tính hệ thống về công tác dân số từ năm 1961 đến nay, có thể nói quan điểm: "Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển" mang tính cách mạng, tạo nên sự đột phá.
Nhưng chuyển trọng tâm chứ không phải là "từ bỏ KHHGĐ", mà KHHGĐ được thực hiện theo phương thức mới. Trong định hướng chính sách dân số mới, "Duy trì mức sinh thay thế" là nội dung đầu tiên. Để trung bình số con của mỗi bà mẹ khoảng 2,0 - 2,1 đương nhiên phải áp dụng các biện pháp KHHGĐ, tức là không thể "từ bỏ KHHGĐ". Vấn đề là cần tổ chức KHHGĐ theo phương thức mới. Đó là "giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đã đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp". Do đó, việc truyền thông, phương thức cung cấp phương tiện, dịch vụ cũng phải khác nhau giữa các địa phương này.
Bên cạnh đó, theo GS-TS Nguyễn Đình Cử, phải đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển. Để xây dựng và thực hiện được chính sách dân số mới mà trọng tâm là "dân số và phát triển", trước hết phải đổi mới tư duy về chính sách dân số. Điều này không đơn giản, nhất là khi tư duy DS-KHHGĐ, hơn nửa thế kỷ qua, đã "ăn sâu" trong xã hội, trong mỗi gia đình và từng thôn xóm, bản làng. Một trong những giải pháp then chốt, cần đi trước một bước đó là đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển. Thông điệp truyền thông ngày nay không chỉ xoay quanh KHHGĐ mà cần phủ kín sáu nội dung mà chính sách dân số mới sẽ hướng tới.
Các chuyên gia cho rằng với chính sách mang tính cách mạng này, Việt Nam cần gắn công tác này với tất cả các hoạt động khác, nhằm tận dụng thành công những biến đổi trong dân số cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo bền vững của đất nước. Chính sách chuyển mạnh từ "kiểm soát quy mô dân số" sang "nâng cao chất lượng dân số". Nội dung chính sách về quy mô dân số chuyển từ "chủ động kiểm soát" sang "chủ động điều chỉnh"; tốc độ tăng dân số từ "cản trở" đã trở thành "động lực" cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách dân số bao gồm cả "cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phát huy lợi thế của cơ cấu "dân số vàng", thích ứng với "giai đoạn già hóa dân số" và "kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh".
Một trong những giải pháp để chuyển đổi chính sách dân số được Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII nhấn mạnh: Đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của cả nước, của từng ngành, từng địa phương.
Sẽ được sinh con thoải mái?
Nhưng thay đổi chính sách dân số theo hướng nới lỏng hiện có đồng nghĩa với việc các cặp vợ chồng được sinh con thoải mái?
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết: Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo Luật Dân số. Theo đó, Bộ Y tế trình hai phương án để điều chỉnh mức sinh, trong đó phương án 1 cho phép các cặp vợ chồng được quyết định số con và được quyền tự lựa chọn khoảng cách giữa các năm sinh.
Phương án 2: Tiếp tục quy định như hiện hành để các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền và nghĩa vụ quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian và khoảng cách sinh con. Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Ông Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh: "Chúng tôi ủng hộ phương án nới lỏng chính sách sinh con nhưng không đồng nghĩa các cặp vợ chồng được sinh thoải mái. Hiện nay, cả nước đã đạt mức sinh thay thế nhưng mức sinh của các vùng miền lại không đồng đều. Bên cạnh những vùng vẫn còn mức sinh cao (số con trong bình của phụ nữ sinh đẻ vẫn trên ba con) thì lại có những vùng mức sinh xuống rất thấp (như TP Hồ Chí Minh, tổng tỷ suất sinh chỉ là 1,3 con). Nếu nơi nào cũng sinh thấp như thế thì tốc độ già hóa dân số đã rất nhanh như hiện nay sẽ càng nhanh hơn, nguồn nhân lực trong tương lai gần sẽ bị thiếu hụt. Đây là khuyến nghị căn cứ trên cơ sở khoa học về kiểm soát quy mô dân số, cơ cấu dân số và quy luật phát triển nhân khẩu học của quốc gia".
Theo ông Quang, đề xuất nới lỏng chính sách dân số để những nơi có mức sinh thấp phải được điều chỉnh, các cặp vợ chồng sinh con có trách nhiệm. Tuy nhiên, nhiều người đang hiểu lầm rằng các cặp vợ chồng sẽ được sinh con thoải mái, hiểu như vậy là chưa đúng. Bởi nếu Dự thảo được thông qua thì Luật sẽ quy định mức sinh cho từng vùng, không phải nơi nào cũng được sinh con thoải mái.