Bước đi cải thiện quan hệ

Trước thềm chuyến thăm Hàn Quốc trong hai ngày 7 và 8/5 gặp Tổng thống nước chủ nhà Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tin tưởng chuyến thăm sẽ là cơ hội tốt để hai bên thẳng thắn trao đổi về cách thức phát triển quan hệ song phương Nhật-Hàn, cũng như về tình hình quốc tế đang thay đổi nhanh chóng.
0:00 / 0:00
0:00
Hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc (trái) và Nhật Bản tại cuộc gặp hồi tháng 3 ở Tokyo. Ảnh: REUTERS
Hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc (trái) và Nhật Bản tại cuộc gặp hồi tháng 3 ở Tokyo. Ảnh: REUTERS

Quan hệ Nhật-Hàn đã xuống cấp nghiêm trọng do những tranh cãi về lịch sử và ngoại giao bắt nguồn từ thời kỳ 1910-1945, khi Nhật Bản cai trị Bán đảo Triều Tiên, trong đó có vấn đề bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến. Căng thẳng trong quan hệ hai nước đã dần hạ nhiệt khi Hàn Quốc đề xuất giải pháp cho vấn đề này hồi tháng 3 vừa qua.

Trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực hàn gắn quan hệ, chuyến thăm dự kiến nói trên sẽ là chuyến công du đầu tiên của Thủ tướng Kishida tới Hàn Quốc kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 10/2021. Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã thăm Nhật Bản và có cuộc gặp Thủ tướng Kishida tại Thủ đô Tokyo. Hai bên đã nhất trí sẽ khởi động lại các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo hai nước vốn bị đình trệ. Ông Yoon Suk Yeol là Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên thực hiện chuyến thăm song phương tới Nhật Bản sau 12 năm. Lần gần đây nhất một Thủ tướng Nhật Bản đến Hàn Quốc là chuyến thăm của cố Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng 2/2018.

Một trong những dấu hiệu mới nhất thể hiện sự nồng ấm trong quan hệ giữa hai nước là việc Chính phủ Nhật Bản cuối tháng 4 thông báo sẽ đưa Hàn Quốc trở lại danh sách đối tác thương mại được ưu đãi, sau khi Seoul đưa ra quyết định tương tự đối với Tokyo. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản nêu rõ, nước này sẽ khôi phục quy chế ưu đãi đối với Hàn Quốc sau khi quy chế này bị thu hồi năm 2019 liên quan việc mua các sản phẩm được cho là có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Trong năm 2019, Nhật Bản đã áp đặt hạn chế xuất khẩu 3 loại vật liệu sang Hàn Quốc gồm polyimide florua, chất quang điện và hydro florua, những thành phần quan trọng để sản xuất các chất bán dẫn và màn hình. Tokyo cũng loại Seoul ra khỏi danh sách trắng thương mại. Ngay sau đó, phía Hàn Quốc cũng thực hiện bước đi tương tự đối với Nhật Bản.

Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, Hàn Quốc và Nhật Bản còn nỗ lực cải thiện hợp tác về an ninh. Hai nước vừa tổ chức tham vấn an ninh cấp chuyên viên lần đầu sau 5 năm. Các cuộc tham vấn an ninh song phương đã bị đình chỉ vào năm 2018 sau khi Tòa án tối cao của Hàn Quốc ra phán quyết buộc các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Quan hệ song phương đã ấm lên sau khi Hàn Quốc vào đầu tháng 3 công bố phương án bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến thông qua một quỹ do các doanh nghiệp tư nhân nước này đóng góp, thay vì yêu cầu các công ty Nhật Bản liên quan chi trả trực tiếp.

Tuy nhiên, việc Thủ tướng Nhật Bản trung tuần tháng 4 vừa gửi đồ lễ tới đền Yasukuni, vốn bị Seoul coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong quá khứ, vẫn là một “nốt trầm” trong quan hệ song phương. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản đối mặt thẳng thắn với lịch sử và thể hiện sự hối tiếc chân thành về quá khứ. Đền Yasukuni là nơi thờ hơn 2,5 triệu người Nhật Bản thiệt mạng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó có cả những nhân vật mà các nước láng giềng coi là các tội phạm chiến tranh hạng A. Các chuyến viếng thăm ngôi đền này của các nhà lãnh đạo hay nghị sĩ Nhật Bản luôn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của hai nước láng giềng Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Trung Quốc.

Có thể thấy, bất chấp những bất đồng đang tồn tại, xu hướng chung của quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc hiện tại vẫn là khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Những nỗ lực cải thiện quan hệ song phương trước thềm chuyến thăm Seoul của Thủ tướng Kishida cho thấy cuộc gặp cấp cao sắp tới giữa Tổng thống nước chủ nhà Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Kishida có thể tạo bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai nước láng giềng này.