Biết mất mà không giữ được
- Từ bao giờ mà ông có được tủ sách đồ sộ, nhiều loại như thế này?
- À, đây là tủ thứ mấy đấy. Mất đi mấy đợt rồi. Lũ lụt, rồi thì chiến tranh, bị đốt, bị phá, bị ướt. Hồi khó khăn, nhà còn không có ở, làm gì có chỗ để sách, gặp đâu nhét đấy, bị chuột cắn, mối xông. Tôi từng đau đớn ngồi nhìn những cuốn sách quý giá bị mối xông từng đống, phải đốt đi. Số sách đây là tôi xây dựng lại sau này. Trong này, có những cuốn hàng trăm năm, do từ xưa trong tủ sách gia đình giữ lại. Bố tôi là nhà nho, nhà tôi mấy đời Nho học mà, nhiều sách lắm. Tôi lớn lên trong sách, đọc nhiều. Ðây, còn cả cuốn từ thời Tây, còn đóng dấu một CLB của Pháp. Số còn lại này chủ yếu do tôi nhặt nhạnh sau này, trong này có nhiều sách chữ Hán, sách tiếng Pháp.
- Nói dại, sau này ông khuất bóng, ai sẽ thay ông bảo quản tủ sách này? Rồi để cho ai sử dụng?
- Năm nay tôi 87 tuổi rồi. Chắc cũng không lâu nữa, nếu tôi chết thì chắc chả ai giữ đâu. Những cuốn cũ như thế này thì sẽ bị vứt đầu tiên, rồi đến những cuốn dày hơn, mới hơn. Mà giữ thì cũng ai đọc, ai dùng. Bây giờ người ta quan tâm đến nhiều thứ khác, hấp dẫn hơn. Cuộc sống vận động mà, có nhiều thứ quý giá, cần thiết hơn còn mất, chịu vậy thôi. Rồi đây nữa, đống giấy này tôi đi điền dã ghi chép, cả đời đấy, chết thì đốt hết thôi. Bao nhiêu là dân ca, truyện cổ, hò vè. Biết mất mà không giữ được.
Bảo tồn cũng chỉ được một khúc...
- Văn hóa xứ Nghệ có bề dày và phong phú, bây giờ mà phần nghiên cứu cả đời của ông không truyền lại được cho ai, phần phục hồi để cho nó sống lại cũng khó khăn như vậy, không lẽ mình ngồi nhìn những thứ giá trị ấy mai một hết đi, không ai lưu giữ?
- Nói về văn hóa Nghệ An - Hà Tĩnh thì nhiều lắm, nói cả mấy đời không hết. Cả một vùng văn hóa rộng lớn từ Ðô Lương, Nam Ðàn, vào tới Kỳ Anh, Thạch Hà... có bao nhiêu thứ. Dân ca, tích truyện, hò vè, rồi những sinh hoạt văn hóa, đền chùa miếu mạo. Tầng tầng lớp lớp mà có lẽ chưa có nhà nghiên cứu nào đi sâu khai phá được hết. Ngay "ông tổ nghề" nghiên cứu về chuyện này là Nguyễn Ðổng Chi, cũng còn bỏ trống nhiều mảng. Càng tìm hiểu càng thấy mình như bơi giữa biển, chỉ tiếc đời mình có hạn, sức mình có hạn... Còn chuyện gìn giữ, phục hồi, thì đến đâu làm đến đó, đó là chuyện của thời đại, sức mình sao lo được...
Làm nghiên cứu phải tự do
- 87 tuổi rồi, bây giờ ông có còn đi điền dã được nữa không ạ?
- Bây giờ thì chịu rồi. Ngày xưa đi bộ, rồi đạp xe, ròng rã hàng tháng trời. Chứ bây giờ thì đi ô-tô cũng mệt, muốn làm gì thì phải nhờ người giúp. Có những ông bà ở các làng xa nơi mà tôi đến gặp họ hồi trẻ, bây giờ già rồi vẫn liên lạc. Có gì hay là họ nhớ báo cho tôi. Tôi cũng may có thời được gần những "ông lớn" trong nghiên cứu, học thuật như các ông Hồ Tôn Trinh, Nguyễn Hưu, Hoàng Nguyên Kỳ.., rồi làm bạn với các ông Trần Hữu Thung, Ninh Viết Giao, Võ Hồng Huy... Có cái gì cần tra cứu, đối chiếu, góc nọ góc kia tôi đều có người để hỏi. Ðời tôi thì cái sự học, ngoài sách vở là nhờ thầy, ai cũng có thể là thầy của mình cả.
- Cả đời nghiên cứu, phương pháp của ông là gì?
- Ghi chép và kiểm chứng. Khi sưu tầm phải rất tham lam, ai nói gì ghi hết, nhưng khi dùng thì lại phải vô cùng thận trọng. Làm nghiên cứu không phải nói mạnh, phán bừa là được, cái gì mình đã nói ra là phải kiểm chứng, đúc rút, có khi cả đời mới được một câu nói. Con đường đi đến chân lý gập ghềnh lắm, nhiều khi cũng phải trả giá.
- Trả giá về mặt học thuật đã đành, có khi nào ông phải "trả giá" vì sự "lên tiếng" của mình?
- Làm nghề nghiên cứu phải tự do. Phải vượt qua mọi thể chế và thời đại. Cái gì mình biết chắc và thấy cần thiết thì mình phải lên tiếng. Nhưng đôi khi, tiếng nói của mình có được lắng nghe không lại là chuyện khác. Tôi thì không bị "trả giá" gì, nhưng nhiều khi tiếng nói của mình cũng không có hiệu quả lắm. Ví như chuyện cái đền chợ Củi ở Nghi Xuân, thực ra là thờ bà Chúa Liễu Hạnh, vẫn còn bia ở đó, mà người ta cứ nói là thờ ông Hoàng Mười, còn bịa ra câu chuyện ông ấy đi đánh giặc bị trôi vào cửa sông... Tôi viết một bài trên báo, nói ông Hoàng Mười là ai, và nói rõ chuyện đền Chợ Củi là đền thờ bà Liễu Hạnh, nhưng ai đọc, ai nghe?
- Có khi nào ông nuối tiếc vì những việc lẽ ra có thể làm mà mình không thể làm được?
- Nhiều chứ. Nhưng thôi nói làm gì. Hiện tôi đang viết Dư địa chí các huyện, đã in được năm cuốn 5 huyện rồi, đang tiếp tục các huyện khác. Những tư liệu này là sưu tầm tại chỗ, rất quý và cần thiết, người ta tìm đọc và tra cứu nhiều lắm. Nhưng không còn sức đi nữa, nhiều cái cần ghi chép mà không đi được. Tư liệu dù nhiều mấy cũng phải đi đến tận nơi mới viết được. Ngày còn trẻ, tôi đi nhiều, khắp vùng Thượng Nghệ An, Ðô Lương, Nam Ðàn, vùng người Thái... rồi đến Kỳ Anh, Thạch Hà, Nghi Xuân. Rất nhiều những tích truyện chưa kịp ghi chép. Có những điệu hát ru con mà chỉ còn vài người già thuộc, có lần tôi đi ghi không kịp phải quay về, chỉ thời gian ngắn sau quay lại thì không còn ai để hát cho mình ghi nữa.
- Có lẽ, Nhà nước nên đầu tư thế nào để sưu tầm càng nhanh càng tốt...
- Nếu Nhà nước, các cơ quan quản lý văn hóa, đầu tư, hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu việc này thì còn gì bằng. Nhưng mà phải đầu tư trúng người, trúng việc. Tôi kể chuyện này, khi làm ở Sở Văn hóa, tôi từng đề nghị giám đốc: Anh để cho chúng tôi một cái xe, cấp mấy bữa ăn, chúng tôi đi ghi chép ở các đền chùa, không thì mất hết. Ðiều đó dễ thôi, nhưng không ai chủ trương làm. Tôi nói với các anh làm văn hóa rằng, các anh có cho 100 sinh viên học đại học về cũng chẳng tìm được những thứ như ông ấy tìm, thế mà chẳng ai cất giữ. Trước khi chết ông ấy trao lại cho ông Trần Hữu Thung, rồi ông Thung trước khi mất cũng đưa cho tôi giữ. Nhưng tôi chết thì số tư liệu quý giá này cũng chẳng ai biết là cái gì...
- Ông có học trò nối nghiệp không?
- Tiếc là tôi không có học trò nối nghiệp. Ngày trước, bên Ðoàn thanh niên cũng cử mấy cô cậu trẻ tình nguyện đến giúp tôi sắp xếp sách vở, xử lý tư liệu. Rồi cũng có một cô bé học văn hóa về thực tập, tận tình giúp tôi lắm. Nhưng sau cô ấy nói với thầy mình ở trường đại học là: "Em không đi theo nghề bác Ðỉnh đâu. Bác ấy làm việc khổ thế mà tra đời (già đời) rồi không có cái nhà mà ở". Rồi sau đó cô ấy chuyển qua làm việc khác. Thực ra, làm cái nghề này, nó cũng cô độc lắm, không phải cứ đông vui mà làm được... Tôi ngày xưa vốn làm thơ mà, để tôi đọc cho cô nghe: "Giữa mùa nước sóc tháng Ba/ Bọt bèo thì nổi phù sa thì chìm...".
Rời nhà ông, chỉ cần ngoặt qua khúc ngõ là chạm mặt với phố phường đông đúc. Ở thành phố bé nhỏ mới chớm ồn ào này, mọi thứ cũng đang vùn vụt trôi. Mấy ai biết trong cái ngõ nhỏ tĩnh lặng này, có một ông già đầu bạc mắt mờ, vẫn ngày ngày cặm cụi cầm trên tay cái kính lúp. Bao nhiêu sách ông đọc, bao nhiêu trang ông viết, bao nhiêu điều ông đúc rút... liệu rồi ai biết...
* Hơn 60 năm điền dã, sưu tầm, khảo sát, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Thái Kim Ðỉnh đã in 78 đầu sách, trong đó khoảng 30 cuốn là công trình riêng, 50 cuốn in chung với các tác giả khác. Những công trình nổi tiếng mà ông trực tiếp hoặc tham gia làm cùng nhóm các nhà nghiên cứu gồm có: Từ điển tiếng Nghệ, Năm thế kỷ văn Nôm người Nghệ. Chuyện kể về Bác Hồ, Kho tàng chuyện kể dân gian xứ Nghệ. Làng cổ Hà Tĩnh, Thơ văn quanh Truyện Kiều, Tác gia Hán Nôm Nghệ Tĩnh, "Lễ hội Hà Tĩnh", "Thành Sen - 160 năm", "Khoa bảng Hà Tĩnh", v.v.