Bóng đá cho trẻ tị nạn

Liên đoàn bóng đá Armenia (FFA) hợp tác với Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) ở Armenia đã phát triển dự án “Bóng đá và người tị nạn”, hỗ trợ trẻ em tị nạn tham gia môn thể thao đồng đội này, thông qua đó tăng cường hòa nhập xã hội và gắn kết ở địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Một buổi tập luyện của các em nhỏ ở Martuni. Ảnh: UNHCR
Một buổi tập luyện của các em nhỏ ở Martuni. Ảnh: UNHCR

Hiện tại, khoảng 150 trẻ là con em trong các gia đình di cư và trẻ em địa phương đang đăng ký tham gia các đội bóng đá ở sáu địa phương của Armenia. Các em tham gia tập luyện, thi đấu và huấn luyện viên (HLV) thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động ở sân thể thao. “Em đã tham gia tất cả buổi tập. Có lần bị ốm nhưng em vẫn đến sân tập vì em không muốn bỏ lỡ một trận bóng đá nào”, cậu bé tên Vahe là con em trong gia đình di cư ở thị trấn Martuni thuộc tỉnh Gegharkunik cho biết.

Theo báo cáo trên trang web của UNHCR Armenia, “Chơi cùng nhau để hòa nhập” là thông điệp của dự án này với mong muốn thúc đẩy hòa nhập của người tị nạn, người xin tị nạn và trẻ em phải di tản thông qua bóng đá. Khi được hỏi bóng đá có ý nghĩa như thế nào đối với lũ trẻ, các em nhỏ trong đội bóng ở Martuni reo lên: “Kiên nhẫn”, “Đoàn kết”; một số em nói: “Làm việc chăm chỉ”, “Tinh thần đồng đội”… Bóng đá đã đoàn kết và truyền cảm hứng cho những đứa trẻ phải rời xa quê hương vượt qua khó khăn gặp phải trong cuộc sống. “Nhờ bóng đá, chúng em cũng hiểu thêm về sức mạnh của tinh thần đồng đội và học cách sát cánh, hỗ trợ lẫn nhau”, một cậu bé địa phương tên là Areg ở Martuni nói.

Ngay cả các em gái cũng hào hứng tham gia đội bóng. Hai chị em người di cư là Angelina (11 tuổi) và Katarina (10 tuổi) đã xóa nhòa ranh giới ngại ngùng so khi mới chuyển đến Martuni. Người bảo hộ cũng yên tâm cho lũ trẻ đến sân tập ngoài giờ học vì đó là nơi các em dễ dàng hòa nhập với trẻ em khác và cộng đồng địa phương. Ông Filippo Grandi, thành viên UNHCR, từng nhấn mạnh vai trò của thể thao nói chung và bóng đá nói riêng với vấn đề hòa nhập địa phương: “Bất kể ở đâu trên thế giới, trại tị nạn, khu định cư, các thị trấn và thành phố, tôi thấy bóng đá có khả năng phi thường để gắn kết mọi người chung quanh một niềm đam mê chung”.

HLV Kamo Mosoyan đã có hơn 25 năm kinh nghiệm làm việc trong trường thể thao Martuni, ông còn là cầu thủ và thủ môn tại một câu lạc bộ bóng đá địa phương nhiều năm trước. Kamo nhớ lại: “Ban đầu, khi các đội mới thành lập, các em rất nhút nhát, chỉ ngồi yên và nghe tôi nói. Tôi đã bắt đầu bằng việc kể cho các em nghe về bóng đá và vai trò của nó đối với cuộc sống ra sao”. Dù vậy ông thừa nhận có những khó khăn nhất định khi làm việc với trẻ em di cư, nhiều em trong số đó đã phải rời bỏ nhà cửa và trường học, xa gia đình, bạn bè... và bị ảnh hưởng tâm lý. “Tôi đã phải cân nhắc kỹ năng và kinh nghiệm của mình, suy nghĩ về một số phương pháp sáng tạo và cách làm tốt nhất để đối phó với những đứa trẻ từng bị tổn thương. Rất đáng ngạc nhiên là thời gian khởi động không quá lâu như tôi tưởng. Lập tức, bọn trẻ đã kết bạn với tôi và bắt đầu chơi bóng đá”, huấn luyện viên vui mừng chia sẻ.

Sau gần sáu tháng triển khai, hiện nay HLV Kamo Mosoyan và các cầu thủ nhí của mình đã trở nên thân thuộc. Các thầy trò từng tham gia một giải đấu với các địa phương khác. “Điều quan trọng là không tách rời hay phân biệt những đứa trẻ người tị nạn hay là người địa phương”, HLV nhấn mạnh. Chuyên gia Anahit Hayrapetyan của UNHCR Armenia cho rằng, hoạt động thể thao cùng nhau có thể dễ dàng xây dựng bầu không khí đoàn kết và chia sẻ giữa những đứa trẻ địa phương và trẻ tị nạn.

Theo bà Anahit: “Tất cả các em nhỏ đều nhiệt tình, chơi không biết mệt mỏi, đồng thời thật sự thích thú và cảm thấy tự hào khi chơi bóng. Bóng đá đã gắn kết và xây dựng tinh thần đồng đội tuyệt vời. UNHCR hoan nghênh dự án này. Không chỉ dừng ở kết bạn, đây là hoạt động giúp xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa người di cư, người tị nạn và cộng đồng nơi họ đến sống”.