Tháng 4/2021, Liên đoàn Bóng chày và Bóng mềm Việt Nam (VBSF) ra đời đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy, mở rộng quy mô phát triển phong trào bộ môn này một cách có tổ chức, bài bản, khoa học và chuyên nghiệp ở các vùng miền trên đất nước Việt Nam, đặc biệt ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Và sau hơn một năm VBSF thành lập, Cúp các câu lạc bộ (CLB) Bóng chày toàn quốc năm 2022 đánh dấu cột mốc lịch sử cho bộ môn bóng chày ở Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp.
Giải đấu có sự tham gia của 168 chày thủ của tám CLB đến từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. “Giải Cúp các CLB toàn quốc sẽ không chỉ là dịp để các đội, các chày thủ được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, xây dựng tinh thần đoàn kết qua đó hướng tới mục tiêu phát triển phong trào bóng chày sâu rộng tại Việt Nam, mà qua giải đấu Liên đoàn sẽ đánh giá lựa chọn những VĐV xuất sắc chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế sắp tới”, ông Trần Đức Phấn, Chủ tịch VBSF, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết.
Bóng chày đều đặn góp mặt trong các kỳ Thế vận hội từ khi chính thức trở thành một bộ môn thi đấu Olympic năm 1992. Là môn thể thao có nguồn gốc từ các nước châu Mỹ và phát triển rất mạnh mẽ ở Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng ở Đông Nam Á lại ít phổ biến. Từ thập niên những năm 90, bóng chày bắt đầu du nhập vào Việt Nam thông qua quan hệ hợp tác của các tập đoàn kinh tế, ngoại giao và một số tổ chức quốc tế.
Tại Hà Nội, CLB Bóng chày Thiếu niên hoạt động từ năm 2008, gồm các thành viên đến từ nhiều trường. Riêng năm 2015, đội U16 CLB Bóng chày Thiếu niên Hà Nội được mời tham dự Vòng chung kết thế giới được tổ chức tại thành phố Lafayette, bang Indiana, Mỹ.
Trong khi đó, Hội Bóng chày TP Hồ Chí Minh được thành lập năm 2011 và ngày càng phát triển, tập luyện thường xuyên tại sân vận động Phú Thọ dưới sự hướng dẫn của các huấn luyện viên từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Dù trong điều kiện phong trào còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng lần đầu tiên Việt Nam cử đội bóng chày quốc gia với 20 VĐV tham dự SEA Games 26-2011 tại Indonesia.
Cũng trong năm 2011, đội U12 Bóng chày Việt Nam đã thắng Indonesia và Philippines. Trở thành nhà vô địch Đông Nam Á tại Giải Bóng chày thiếu niên Pony tổ chức ở Seoul, Hàn Quốc.
Những người yêu mến bóng chày tìm thấy ở môn thể thao này sự cuốn hút trong các tình huống phòng thủ, sức mạnh trong các pha bóng tấn công, những cú chụp bóng không tưởng và những bước chạy nước rút thần tốc giành điểm số cho đội nhà. Một trận đấu bóng chày ngay cả ở những thời điểm nhịp độ chậm nhất vẫn không bao giờ nhàm chán chính là từ các yếu tố đặc thù này, chưa kể sự kết hợp tối đa của kỹ năng cá nhân, tính kỷ luật, trí tuệ và tinh thần đồng đội.
Hiện nay, phong trào tập luyện và thi đấu bóng chày ở Việt Nam đã và đang thu hút khá đông người tham gia. Đặc biệt là học sinh ở các trường phổ thông cấp 1, 2, 3 công lập, dân lập, quốc tế ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để phát triển rộng rãi như bóng đá, bóng rổ thì còn rất nhiều việc VBSF cần phải tính toán. Các liên đoàn non trẻ hầu hết hoạt động từ nguồn xã hội hóa.
Khi có nguồn lực, họ tự chủ và thực hiện được nhiều kế hoạch như đề ra. Nhưng không tìm tài trợ thì hoạt động sẽ èo uột, khó tổ chức được giải thi đấu thành tích cao thường niên trong khi các hoạt động phong trào lại nở rộ.
Trở ngại lớn nữa của bóng chày Việt Nam là việc thiếu các huấn luyện viên chuyên nghiệp. Một số người chơi có thể “thỉnh giáo” kinh nghiệm từ người nước ngoài đang học tập, làm việc tại Việt Nam, nhưng phần lớn cộng đồng đều tự học hỏi và chia sẻ kiến thức với nhau. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn cần phải cải thiện về sân bãi thi đấu đúng theo chuẩn quốc tế.
Với những tiềm năng hiện tại, theo đánh giá của ông Trần Đức Phấn, việc giành huy chương tại SEA Games hay xa hơn là góp mặt ở các giải đấu châu lục, quốc tế là tương đối khả thi với bóng chày Việt Nam nếu được tập trung đầu tư bài bản, hệ thống và khoa học trong tương lai.