Bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên thời đại mới

Số lượng đảng viên mới là đoàn viên trên tổng số đảng viên kết nạp mới qua từng năm luôn đạt từ 67-69%. Tuy nhiên, trả lời Báo Nhân Dân cuối tuần, anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam nhìn nhận, còn nhiều dư địa để nâng cao tỷ lệ trên.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm
Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm

- Thưa anh, công tác phát triển đảng viên trẻ trong thanh niên đang gặp phải những thách thức gì hiện nay?

- Trước hết, cần nhìn nhận rằng vẫn còn một bộ phận đoàn viên, thanh niên lười học tập chính trị, thiếu động cơ, mục đích vào Đảng. Cá biệt có một bộ phận ít thanh niên bản lĩnh chính trị chưa vững vàng, bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động, có những chia sẻ, bình luận, hành động không đúng quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Sự thay đổi, biến động của tình hình thanh niên cũng tác động đến công tác phát triển Đảng trong từng khối đối tượng. Thực tế hiện nay, khối địa bàn dân cư vốn có số lượng kết nạp Đảng đông nhất nhưng con số này có xu hướng giảm qua các năm do ngày càng có nhiều đoàn viên đi học tập, làm ăn ở xa quê. Khu vực trường học, khu vực doanh nghiệp có số lượng đoàn viên đông nhưng tỷ lệ đảng viên được kết nạp chưa tương xứng. Thực tế này đòi hỏi cần có giải pháp riêng trong từng khối đối tượng.

Một khó khăn nữa là các quy định, hướng dẫn về tiêu chí, quy trình đánh giá, giới thiệu đoàn viên ưu tú một số nơi còn thiếu cụ thể, chưa đồng bộ; quá trình theo dõi, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú sau khi giới thiệu cho Đảng còn chưa thường xuyên, liên tục, dẫn đến số lượng kết nạp chưa ổn định.

- Anh nhìn nhận như thế nào về hiện tượng một bộ phận trí thức trẻ không muốn vào Đảng, bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng du nhập và sự hoài nghi của bản thân?

- Theo khảo sát với hơn 1.500 thanh niên tại năm tỉnh, thành phố trong năm 2022 của Viện Nghiên cứu Thanh niên, có 78,3% số thanh niên chưa phải đảng viên. Trong số này, có tới 29,5% số thanh niên không muốn trở thành đảng viên vì nhiều lý do, như: một số đảng viên hiện nay chưa gương mẫu trong lối sống sinh hoạt (38,7%), bản thân sợ bị gò bó theo các quy định chặt chẽ của Đảng (32,7%), thích tự do làm những gì mình thích mà không muốn chịu sự quản lý của tổ chức (29,5%), cảm thấy mình chỉ cần hoàn thành tốt trách nhiệm học tập, lao động của mình là đủ (25,1%).

Từ số liệu khảo sát trên có thể thấy: ba nguyên nhân sau đều xuất phát từ cá nhân (nguyên nhân chủ quan) và chỉ có một nguyên nhân khách quan đến từ việc thiếu gương mẫu của một bộ phận nhỏ đảng viên. Cùng với đó, là những tác động xấu của các thế lực thù địch với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi hơn, tiếp cận trực tiếp, thường xuyên tới các bạn trẻ thông qua các nền tảng mạng xã hội, dẫn tới một bộ phận nhỏ đoàn viên, thanh niên thiếu bản lĩnh chính trị bị lôi kéo, kích động, mất định hướng, hoang mang, mơ hồ trong nhận thức.

Bên cạnh đó, cũng phải nhắc đến trách nhiệm của các cơ sở đoàn. Công tác nắm bắt tình hình thanh niên chưa được thực hiện thường xuyên, chưa có giải pháp để nắm bắt dư luận, định hướng tư tưởng thanh niên. Nội dung, phương thức giáo dục chậm được đổi mới; chưa có nhiều phương thức tiếp cận phù hợp xu thế phát triển, có sức tác động mạnh đến thanh, thiếu nhi; chưa tập trung các giải pháp để khắc phục những hạn chế, yếu kém, những bất cập trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh, thiếu nhi.

Tuy không nhiều, nhưng vẫn có tình trạng ở một số nơi, nhận thức về vấn đề bồi dưỡng quần chúng để kết nạp vào Đảng chưa thật sự được chú trọng, làm cho xong nhiệm vụ. Chưa kiên trì, đeo bám trong từng bước, từng khâu của công tác phát triển đảng viên. Trách nhiệm của người đứng đầu các cấp bộ Đoàn ở một số nơi chưa thật sự được đề cao, chưa phân công đảng viên trẻ theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn đoàn viên ưu tú phấn đấu, hoàn thiện bản thân để được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

- Anh vừa đề cập đến nguyên nhân chủ quan từ các cơ sở Đoàn, vậy giải pháp là gì?

- Tôi cho rằng, trước hết, các cấp bộ Đoàn cần quan tâm, thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng "nhạt Đảng, khô Đoàn" ở một bộ phận thanh niên hiện nay. Trước hết, mỗi cấp bộ Đoàn, từng cán bộ, đoàn viên cần nâng cao nhận thức, quán triệt đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng của công tác giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp; coi việc được đứng trong hàng ngũ của Đảng là vinh dự, trách nhiệm của bản thân mỗi đảng viên trẻ.

Các cấp bộ Đoàn cũng cần đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam". Thường xuyên đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng đạo đức cách mạng, nâng cao nhận thức về Đảng, xây dựng động cơ phấn đấu vào Đảng đúng đắn cho đoàn viên thanh niên; xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường dân tộc; có đạo đức, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, yêu chuộng hòa bình, có tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Các cơ sở đoàn tập trung triển khai sáng tạo Chương trình rèn luyện đoàn viên; thực hiện nghiêm việc theo dõi, nhận xét, đánh giá, xếp loại đoàn viên hằng năm, kiên trì tham mưu cho cấp ủy thực hiện các quy trình kết nạp Đảng đối với đoàn viên ưu tú; thường xuyên liên hệ với cấp ủy có thẩm quyền để nắm thông tin liên quan đến lực lượng này, để đoàn viên luôn thấy mình được tổ chức Đoàn quan tâm, động viên, hỗ trợ để được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

- Về phía các cơ sở Đảng, theo anh cần làm gì để tạo môi trường cho đảng viên trẻ thể hiện trách nhiệm và sự đóng góp, cống hiến?

- Tôi cho rằng, cần chú trọng tới bốn yếu tố: ý thức tự học tập; tính nêu gương; phát huy, nhân rộng điển hình tiêu biểu; cơ chế kiểm tra, đánh giá, giám sát.

Quan trọng nhất là cần phát huy tốt ý thức tự học tập của đảng viên trẻ, luôn gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; luôn tìm tòi, trao đổi, trau dồi những kiến thức lý luận để vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn, vào công việc của mình. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác. Nếu mỗi đảng viên trẻ là một tấm gương về tự học, về tư tưởng, đạo đức, trách nhiệm với công việc thì sẽ lan tỏa cho đoàn viên, thanh niên về động cơ, mục đích được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Bên cạnh đó, để đảng viên mới phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, cấp ủy, các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị-xã hội cũng cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương đảng viên trẻ tiêu biểu, xuất sắc, tạo động lực cho đảng viên trẻ phấn đấu, trưởng thành.

Hơn nữa, công tác theo dõi, quản lý, giúp đỡ, kiểm tra đảng viên ở các cấp ủy, đơn vị quản lý cần phải được tiến hành chặt chẽ, thường xuyên, bảo đảm đảng viên sau khi vào Đảng luôn giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, gương mẫu, tiên phong đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; kịp thời loại bỏ những đảng viên không đủ tư cách, phẩm chất, đạo đức ra khỏi Đảng.

- Thời gian tới cần tập trung triển khai những giải pháp gì để công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên bảo đảm cả về chất và lượng?

- Hiện nay, khu vực trường học có số lượng đoàn viên lớn, chiếm khoảng hơn 45% số lượng đoàn viên cả nước. Trong nhiệm kỳ vừa qua, số lượng đoàn viên ưu tú giới thiệu để Đảng xem xét kết nạp trong khu vực trường học qua các năm có xu hướng tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ đảng viên được kết nạp vẫn chưa tương xứng. Trong thời gian tới, Trung ương Đoàn sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, tổ chức riêng hội thảo về công tác phát triển Đảng trong khối học sinh, sinh viên, tập trung vào một số giải pháp như:

Thứ nhất, các cấp bộ đoàn cần tham mưu với cấp ủy xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện giới thiệu đoàn viên ưu tú và đoàn viên ưu tú được kết nạp đảng phù hợp quy định nhưng sát với thực tiễn từng đơn vị.

Thứ hai, ở nhiều nơi vẫn còn có thực trạng đoàn viên ưu tú tại các trường THPT sau khi tốt nghiệp, sinh viên các trường nghề, trường đại học, cao đẳng tốt nghiệp khi ra trường, lực lượng vũ trang trở về địa phương đã có thời gian phấn đấu nhưng bị gián đoạn, chưa có quy định về chuyển tiếp theo dõi quá trình phấn đấu rèn luyện, khi về đơn vị mới lại phải phấn đấu từ đầu. Do vậy, cần có tính kế hoạch, tổng thể, xem xét kỹ quá trình phấn đấu của đoàn viên ưu tú, bảo đảm tính liên tục, không bị gián đoạn.

Thứ ba, tổ chức cơ sở Đoàn cần tăng cường phối hợp cấp ủy đảng phân công, giao nhiệm vụ để đoàn viên ưu tú được rèn luyện và thử thách về mọi mặt; phối hợp đảng viên được phân công theo dõi, giúp đỡ đoàn viên ưu tú để giáo dục, bồi dưỡng, hỗ trợ họ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Định kỳ tổ chức các buổi đối thoại, gặp gỡ giữa các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, đảng viên lão thành với học sinh, sinh viên ưu tú.

Thứ tư, chi đoàn, đoàn cơ sở, đoàn trường cần kiên trì sâu sát tham mưu cho cấp ủy thực hiện các quy trình kết nạp Đảng đối với đoàn viên ưu tú; thường xuyên liên hệ với cấp ủy có thẩm quyền để nắm thông tin đối tượng đảng đến khi đoàn viên đó được kết nạp.

Nếu thực hiện tốt các giải pháp này, tôi tin rằng, số lượng và chất lượng đoàn viên là học sinh, sinh viên được kết nạp Đảng trong nhiệm kỳ tới sẽ có nhiều thay đổi.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!