Biểu tượng của nỗi đau và khát vọng

Dòng sông nào cũng mang trong nó biết bao nhiêu sự kiện lịch sử, văn hóa, dấu ấn không phai mờ về một vùng đất, nhiều khi trở thành biểu tượng cho khí phách, tình cảm, chiều sâu tâm tưởng của con người trong những thời kỳ lịch sử.
0:00 / 0:00
0:00
Tượng đài Khát vọng thống nhất ở Bờ Bắc Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Ảnh: Khoa Đăng
Tượng đài Khát vọng thống nhất ở Bờ Bắc Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Ảnh: Khoa Đăng

Chỉ dài khoảng 100 km, bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn hùng vĩ rồi uốn khúc mơ màng quanh những làng mạc, cánh đồng để đổ ra Biển Đông qua Cửa Tùng xanh biêng biếc, nhưng dòng Bến Hải không đơn thuần giữ vai trò làm ranh giới hành chính giữa huyện Gio Linh và huyện Vĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị. Vĩ tuyến 17 chạy dọc theo dòng sông Bến Hải đã khiến dòng sông thơ mộng, êm đềm bỗng trở thành giới tuyến tạm thời ngăn cách hai miền nam-bắc sau khi Hiệp định Geneva được ký kết.

Cũng theo Hiệp định Geneva, hai năm sau ngày ký kết Hiệp định, tháng 7/1956, Việt Nam sẽ tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Hàng trăm nghìn người Việt Nam yêu nước, chủ yếu là những cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền nam đã tập kết ra bắc, trong đó có hàng nghìn em học sinh mong chờ và tràn đầy hy vọng một ngày không xa sẽ được trở về nơi chôn rau cắt rốn của mình để khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng lại quê hương bị chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ thế chân thực dân Pháp xâm lược và chính quyền tay sai của chúng đã xé bỏ và chà đạp thô bạo Hiệp định Geneva, quyết tâm chia cắt lâu dài đất nước ta, biến vĩ tuyến 17 thành biên giới lãnh thổ, biến miền nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Sông Bến Hải thân yêu - vĩ tuyến 17 và cây cầu Hiền Lương bất đắc dĩ trở thành biểu tượng của nỗi đau tột cùng không lúc nào nguôi ngoai về sự chia cắt đất nước.

Bờ Nam sông Bến Hải thuộc huyện Gio Linh hằng ngày bị bom đạn Mỹ cày xới thành vành đai trắng, chúng quyết hủy diệt mọi sự sống và giết hại dã man đồng bào ta luôn hướng về Đảng, về Bác Hồ kính yêu, mong mỏi ngày đêm thống nhất non sông, gia đình đoàn tụ. Bờ Bắc sông Bến Hải thuộc huyện Vĩnh Linh không còn cách nào khác là phải kiên cường bám trụ, vừa sản xuất vừa chiến đấu, tay cày, tay súng, một tấc không đi, một li không rời, đào địa đạo Vịnh Mốc để quân và dân ngày đêm đánh giặc, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền nam, trở thành luỹ thép, thành tiền đồn vững chắc trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai của chúng. 70 năm đã trôi qua nhưng những kỳ tích lớn lao, những sự hy sinh không kể xiết của quân và dân ta hai bên giới tuyến vẫn là những câu chuyện dài không thể kể hết được.

Nói đến sông Bến Hải, không thể không nói đến cây cầu Hiền Lương bắc qua con sông này. Cầu Hiền Lương có từ những năm ba mươi của thế kỷ 20. Để phục vụ mục đích quân sự, năm 1950 thực dân Pháp cho xây dựng cây cầu thép dài hơn 160 mét. Năm 1952, cầu Hiền Lương lại được xây mới, 7 nhịp, 178 mét. Năm 1967, Mỹ nguỵ đánh sập cây cầu nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền bắc đối với miền nam ruột thịt và cũng muốn đánh sập ý chí thống nhất đất nước của nhân dân ta. Sau Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ký ngày 27/1/1973), quân và dân miền bắc xây dựng lại cầu Hiền Lương dài 186 mét. Năm 2001, ta phục chế lại cầu Hiền Lương theo nguyên bản, 7 nhịp, 182,97 mét và 13 năm sau đó tỉnh Quảng Trị phục chế nguyên trạng hai mầu sơn: mầu xanh bên bờ Bắc, mầu vàng bên bờ Nam để có cây cầu với kiểu dáng, mầu sắc như hiện nay. Cầu Hiền Lương trụ bê-tông cốt thép, dầm thép, mặt cầu lát ván gỗ giờ vẫn là chứng nhân lịch sử của một thời vừa hào hùng, vừa bi tráng trong lịch sử hiện đại của dân tộc.

Ngày 2/7/1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất đã tuyên bố chính thức xóa bỏ sự tồn tại của khu phi quân sự bên vĩ tuyến 17. Non sông đã thu về một mối. Biểu tượng của nỗi đau chia cắt đất nước đã trở thành biểu tượng của khát vọng thống nhất non sông, mãi mãi nhắc nhớ các thế hệ người Việt Nam hiểu thấu cái giá không thể đo đếm được cho hòa bình, thống nhất.

Ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2383/QĐ-TTg công nhận Di tích Đôi bờ cầu Hiền Lương-Bến Hải là Di tích Quốc gia đặc biệt, bao gồm sông Bến Hải và các hạng mục như cầu Hiền Lương, cột cờ ở bờ Bắc, Nhà Liên hợp, Đồn Công an giới tuyến, Nhà trưng bày Vĩ tuyến 17 và cuộc đấu tranh vì khát vọng thống nhất non sông…

Có nhiều bài học sâu sắc rút ra được từ cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, hy sinh của quân, dân ta trên vùng đất hai bên bờ sông Bến Hải. Từ những gì tưởng như bất thường, tưởng như không vượt qua được, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, đức hy sinh, sự thông minh, sáng tạo, thủy chung, người Việt Nam chúng ta đã tạo ra những điều phi thường để chiến thắng giặc ngoại xâm, tạo nên những bản anh hùng ca bất hủ của Thời đại Hồ Chí Minh, mà những gì diễn ra nơi giới tuyến tạm thời được quy định trong Hiệp định Geneva năm 1954 là một thí dụ. Từ nỗi đau chia cắt đất nước, dân tộc ta đã biến nó thành sức mạnh để vươn dậy cao hơn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chiến thắng thù trong, giặc ngoài. Hàng trăm bài hát, bài thơ, bức tranh, bức ảnh, bộ phim viết, vẽ, phản ánh hết sức chân thực về vùng đất, con người nơi đây suốt gần 20 năm ròng rã đã và sẽ còn vang vọng mãi trong sâu thẳm con tim, khối óc của hàng triệu người dân Việt Nam. Đất nước có thể tạm thời bị chia cắt bởi giới tuyến hữu hình, nhưng lòng dân bờ Bắc hay bờ Nam sông Bến Hải luôn hướng về nhau, không chia cắt. Càng trong gian khổ hy sinh càng đồng cảm, sẻ chia, tạo nên sức mạnh vô địch của tinh thần đoàn kết, của thế trận lòng dân có lẽ chỉ riêng có ở người Việt Nam trong những thời khắc gian nan của lịch sử.