Biết ơn công lao thầy cô

Đã thành truyền thống, vào các dịp 20/11 hằng năm, đông đảo phụ huynh, học sinh và toàn xã hội luôn có nhiều thông điệp, hành động thể hiện lòng kính trọng, tin yêu tôn vinh các thầy giáo, cô giáo.
0:00 / 0:00
0:00

Trong dòng chảy lịch sử, văn hóa của đất nước, truyền thống “tôn sư trọng đạo” cũng luôn được giữ gìn, bồi đắp. Người dân ta có nhiều câu chuyện dân gian, có các tư liệu thành văn nói về đạo nghĩa thầy trò, gương sáng nhà giáo chân chính, có nhiều câu nói ân tình: “Một chữ cũng là thầy/Nửa chữ cũng là thầy”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”…

Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi đời sống kinh tế, xã hội phát triển, điều kiện vật chất dồi dào hơn, việc thể hiện sự quan tâm, trân trọng người làm thầy càng thêm phong phú. Và cũng không cứ 20/11 - Ngày Nhà giáo Việt Nam, mà vào nhiều dịp khác trong năm như đầu năm học mới, dịp Tết, dịp kết thúc năm học…, tình cảm, hành động chăm lo người thầy từ phía các cấp chính quyền, phụ huynh học sinh, các ban đại diện cha mẹ học sinh… cũng được thể hiện.

Về thực tế này, cũng có sự đa dạng khác nhau. Có khi vừa phải, nhẹ nhàng, trọng tình là chính. Có trường hợp còn nặng về vật chất, chăm nom thái quá hoặc tốn kém mà dư luận xã hội cũng đã có góp ý. Và không ít nhà trường cũng tự nhắc nhở trước với cả phụ huynh và thầy giáo, cô giáo về sự chừng mực, tránh những biểu hiện tiêu cực, giữ gìn vẻ đẹp của các nhà giáo.

Vấn đề này, thì cũng còn có nhiều điều chỉnh. Nhưng điều rất đáng nghĩ, đáng làm với các phụ huynh trong việc tri ân, trân trọng các nhà giáo, chính là đừng phó mặc con em cho trường, lớp; dồn cả trách nhiệm giáo dục, trông nom, săn sóc tinh thần con em mình cho các thầy cô; đừng chỉ nghĩ rằng đóng đủ các khoản phí, có sự “săn sóc” các thầy cô “đúng dịp” là đủ. Bởi giáo dục không chỉ có việc truyền thụ, tiếp thu kiến thức, mà xưa và nay, bên cạnh việc học tri thức còn là việc học làm người. Thời gian qua môi trường giáo dục đang nổi lên nhiều vấn đề, bất cập. Trong đó có sự xuống cấp của văn hóa giao tiếp, ứng xử; có thực trạng bạo lực học đường; có những báo động về tâm lý lứa tuổi, sức khỏe tinh thần, cả những bệnh lý lứa tuổi học trò; có cả áp lực nghề nghiệp rất nặng nề mà người làm thầy nói chung hiện nay đang phải gồng gánh trong cả việc dạy, dỗ, bảo đảm chương trình, tham gia các phong trào thi đua, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, song song với cả công việc gia đình…

Vì thế, sự “chăm sóc” thầy cô ý nghĩa nhất chính là phụ huynh chung tay, phối hợp chặt chẽ với nhà trường, xã hội để có sự chăm lo tốt nhất cho con trẻ, cùng san sẻ trách nhiệm qua việc cùng hiểu, chia sẻ, “làm bạn” với con cái mình; không gây áp lực học tập lên con em; không chạy theo “bệnh thành tích” mà thực tế ra thì chính phụ huynh cũng có một phần trách nhiệm trong những bất cập này…

Mỗi người chọn theo nghề nghiệp khác nhau. Phụ huynh đương nhiên không thể thay thầy cô dạy con em mình theo sách giáo khoa. Nhưng sự thường xuyên phối hợp nhịp nhàng, thống nhất, cùng chung tay với thầy giáo, cô giáo, nhà trường và xã hội để chăm lo cho thế hệ tương lai của đất nước chính là những món quà ý nghĩa nhất vì nghề giáo, ngành giáo.