Bấp bênh giá dầu

Sau khi giá dầu bất ngờ quay đầu giảm do nhà đầu tư lo ngại suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu, những ngày gần đây, giá dầu vụt tăng trở lại sau quyết định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+).
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: HEDGEYE
Biếm họa: HEDGEYE

Giá dầu thế giới đã tiến sát ngưỡng 140 USD/thùng tháng 3 vừa qua do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga - nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới, sau Saudi Arabia. Tuy nhiên, giá “vàng đen” có xu hướng giảm trước lo ngại kinh tế thế giới suy thoái và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc tiếp tục thực hiện phong tỏa nhiều thành phố để chống dịch Covid-19, cũng như khả năng khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Nhóm P5+1 sẽ giúp Iran nối lại hoạt động xuất khẩu dầu.

Tuy nhiên, giá dầu thế giới tăng khoảng 3% trong phiên giao dịch ngày 5/9 sau khi các thành viên OPEC+ đồng ý cắt giảm sản lượng lần đầu sau hơn một năm để hỗ trợ giá “vàng đen”. Giá dầu Brent giao tháng 11/2012 tăng 2,72 USD (2,92%) lên 95,74 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tăng 2 USD (2,3%) lên 88,85 USD/thùng, sau khi tăng 0,3% trong phiên trước đó.

Trước đó cùng ngày, OPEC+ đã nhất trí vào tháng 10 tới giảm khoảng 100.000 thùng sản lượng theo ngày so tháng 9. Được công bố tại cuộc họp thường kỳ, quyết định cắt giảm số lượng thùng dầu nói trên của OPEC+ tương ứng 0,1% nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới. Quyết định này được đưa ra nhằm hỗ trợ giá dầu đang dần tuột dốc trong bối cảnh những lo ngại về nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái làm giảm nhu cầu tiêu thụ “vàng đen”. Tại cuộc họp, các nước OPEC+ cũng nhất trí các nước có thể nhóm họp bất cứ thời điểm nào để điều chỉnh sản lượng cho phù hợp tình hình thực tế, trước thời điểm họp định kỳ vào ngày 5/10.

Trong bối cảnh giá dầu tăng trở lại, bộ trưởng năng lượng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) dự kiến trong cuộc họp diễn ra vào ngày 9/9 tới sẽ thảo luận các biện pháp khẩn cấp thực hiện trên toàn khối nhằm kiềm chế giá năng lượng đang tăng cao. Theo hãng tin Reuters, các bộ trưởng cũng sẽ cân nhắc cơ chế khẩn cấp “hỗ trợ hạn mức tín dụng toàn châu Âu” cho các bên tham gia thị trường năng lượng.

Phần Lan và Thụy Điển đã công bố kế hoạch cung cấp hàng tỷ USD bảo đảm thanh khoản cho các công ty điện lực nhằm ngăn chặn những yêu cầu ký quỹ đang gia tăng từ các công ty hoạt động bấp bênh. Các công ty điện lực bán phần lớn điện trước vài năm với một mức giá nhất định theo thỏa thuận yêu cầu ký quỹ một khoản “dự phòng tối thiểu”, nhằm đề phòng nguy cơ công ty bị vỡ nợ trước khi nguồn điện năng đó được sản xuất và được đưa vào thị trường. Giá điện ở châu Âu tăng vọt trong những tháng gần đây đã làm gia tăng các yêu cầu đặt thêm tiền ký quỹ, theo đó thu hẹp thanh khoản của các bên tham gia thị trường.

Để ứng phó khủng hoảng năng lượng, Hội nghị Bộ trưởng phụ trách hợp tác trong EU vừa diễn ra tại CH Czech đã nhất trí EU có thể sử dụng tiền từ các quỹ của khối nhằm hỗ trợ những khu vực nghèo hơn giảm tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Cụ thể, các nước thành viên EU có thể sử dụng tiền từ các quỹ cho các chiến lược dài hạn, kết hợp với việc tăng cường tiết kiệm năng lượng ở các đô thị.

Chỉ trong vòng ba tuần qua, giá dầu thế giới biến động mạnh. Sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong vòng sáu tháng trong phiên giao dịch ngày 16/8 do các số liệu kinh tế làm dấy lên lo ngại về khả năng suy thoái toàn cầu, giá dầu thế giới tăng trở lại vào ngày 29/8. Trong tuần đầu tháng 9, giá dầu lại bất ngờ giảm do các nhà đầu tư lo ngại suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu và tăng trở lại khi OPEC+ cắt giảm sản lượng.

Trong bối cảnh giá dầu biến động mạnh và cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dự báo người dân châu Âu phải đối mặt với một mùa đông lạnh giá khi giá năng lượng leo thang.