Khó tuyển dụng để phục hồi dệt may

Để bảo đảm mục tiêu xuất khẩu dệt may trong năm 2021, các doanh nghiệp (DN) phải phục hồi sản xuất từ tháng 9 và tháng 10. Nhưng nhiều DN vẫn đang thiếu hụt lao động (LĐ) trầm trọng do các công nhân (CN) đã về các địa phương. Để ổn định nhân lực, DN sẽ mất từ sáu tháng đến một năm để thu hút và sắp xếp bộ máy sản xuất.

Nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp dệt may là rất lớn. Ảnh: SONG ANH
Nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp dệt may là rất lớn. Ảnh: SONG ANH

1/Đã hơn một tháng nay, Công ty TNHH May Tinh lợi (Khu công nghiệp Lai Vu, tỉnh Hải Dương) phải hoạt động hết công suất. Phần để chạy bù các đơn hàng đã bị lùi thời gian do giãn cách, phần vì thiếu LĐ do CN chưa quay trở lại. Thế nhưng, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế khi mà đơn hàng của họ đã có đến hết quý I năm sau. 

Ông Đỗ Xuân Hưng, Giám đốc Tài chính  công ty cho biết:  “Chúng tôi có khoảng hơn 18 nghìn cán bộ, công nhân viên và DN đang gặp phải khó khăn nghiêm trọng do việc thiếu hụt LĐ do không tuyển được từ các địa phương giãn cách xã hội. LĐ thiếu hụt chủ yếu là CN may và CN phụ trợ và nhu cầu tuyển dụng hiện tại của chúng tôi là khoảng trên một nghìn LĐ/tháng”.

Thanh Hóa hiện có hơn 200 nhà máy may. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), số lao động đang làm việc trong các nhà máy may tại tỉnh mới chỉ đáp ứng khoảng 60 - 70% công suất thiết kế của các nhà máy, nên nhu cầu tuyển dụng LĐ tại các đơn vị là rất lớn.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cũng cho biết, đến hết quý I/2021, số LĐ ở May 10 tuyển dụng vào khoảng 10% nhưng số LĐ nghỉ việc cũng tương ứng, thậm chí còn cao hơn. Với việc mở rộng xí nghiệp, năm 2021 May 10 mong muốn tuyển dụng 3.000 - 5.000 LĐ nữa, song điều này khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay.

2/DN dệt may các tỉnh phía bắc đã khó hút nhân sự thì tại phía nam còn khó hơn do dịch bệnh kéo dài hơn. Hiện tại Công ty TNHH Việt Thắng Jean, mỗi ngày, các xưởng ở TP Hồ Chí Minh phải sản xuất khoảng 20 nghìn sản phẩm, để có đủ năm container hàng/tuần giao cho khách ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Trong khi LĐ thiếu khoảng 20% và phải thực hiện giãn cách, DN buộc phải tổ chức tăng ca. Ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty CP May Đồng Nai (TP Biên Hòa) cũng cho biết, từ đầu quý II, đơn hàng của DN rất nhiều, nhưng lại thiếu LĐ. Hiện tại, công ty đang cần khoảng 3.000 LĐ. Để khắc phục, theo ông Kích, giải pháp được áp dụng phổ biến tại các DN dệt may là tăng ca. Tuy nhiên, việc tăng ca chỉ giải quyết được một phần việc mà thôi. 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: “Thời điểm này khi dịch bệnh chưa chấm dứt, NLĐ khó quay trở lại làm việc và nếu có quay trở lại thì DN buộc phải tổ chức lại sản xuất cũng mất khoảng hai đến ba tháng. Bây giờ nếu lấy nhân lực địa phương tại chỗ chỉ bảo đảm 50 - 60% yêu cầu”. Theo các chuyên gia, nhân sự ngành dệt may vốn là ngành đặc thù, khó tuyển LĐ, đòi hỏi quá trình đào tạo lâu hơn các ngành khác. Ngoài ra, mức lương hiện nay cũng chưa thật sự hấp dẫn so các ngành sản xuất khác như điện, điện tử.  

Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc miền Bắc Navigos Searchs (Tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự) cho biết: “Thị trường dệt may đang có nhu cầu tuyển dụng nhân lực. Trong đó chia ra làm hai vị trí: Các vị trí cấp trung, cấp cao yêu cầu đòi hỏi tay nghề cao thì vẫn luôn thiếu và các DN luôn cần phải tìm kiếm nhân sự tốt. Đó là các vị trí như phát triển mẫu, phát triển sản phẩm mới hay cân bằng chuyền, công nghệ may không cần chỉ. Đối với việc tuyển dụng cho công nhân may từ trước tới giờ chúng ta cũng thấy rằng, tuyển dụng cho các vị trí này cũng tương đối khó”. 

Các chuyên gia cũng dự báo, các DN dệt may khó có thể ổn định nhân sự từ nay cho đến cuối năm vì phụ thuộc vào tình hình khống chế dịch bệnh tại các địa phương, sự ổn định của các đơn hàng. Tăng thêm lương thưởng, chế độ đãi ngộ, bảo đảm không gian làm việc ít ảnh hưởng sức khỏe và linh hoạt thời gian làm việc, đây là những chính sách đang được sử dụng để thu hút NLĐ trở lại với ngành này.