Căng như dây đàn khi con học online

Bạn đọc viết:

Gia tăng các bệnh về tật khúc xạ trong thời gian học online.
Gia tăng các bệnh về tật khúc xạ trong thời gian học online.

Vân Bích (KĐT Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội): 

Con trai tôi 8 tuổi, đã lên lớp 3. Do dịch bệnh nên cháu cũng như các bạn đều phải học trực tuyến. Phải thú thật việc học online khiến gia đình chúng tôi nháo nhào. Năm đầu tiên, gần như buổi học nào cũng tràn ngập nước mắt. Con tôi vốn dĩ là đứa trẻ nghịch ngợm. Đến trường có sự hỗ trợ của thầy cô, bạn bè, cháu được rèn vào khuôn khổ. Nhưng kể từ khi học ở nhà thì đúng là… mẹ khóc con khóc. Nhất là các buổi kiểm tra, tôi thấy sự bất mãn rõ rệt của các cháu. Thậm chí con tôi còn mếu máo: “Nếu đi học, con chỉ bị mẹ mắng một buổi, là buổi họp phụ huynh cuối năm chứ học thế này ngày nào con cũng bị mẹ mắng”. Tôi cũng khắc phục bằng cách mỗi ngày đều chờ nguôi giận rồi nói chuyện với con, nhưng tôi biết nhiều phụ huynh thậm chí đã phải tìm tới các giải pháp tâm lý, hay tập thiền để đỡ căng thẳng.

Giai đoạn căng nhất là tuần thi học kỳ online tháng 7 vừa rồi. Đó cũng là những ngày cao điểm giãn cách, bọn trẻ càng bí bách, tâm lý muốn được chạy nhảy khiến chúng cũng khó chiều hơn. Bản thân các phụ huynh cũng đã sẵn ức chế. Nào là chuẩn bị mạng, chuẩn bị máy móc, rồi hỗ trợ con về kỹ thuật. Cũng may con tôi không gặp vấn đề nào lớn nhưng cũng có nhiều bạn học của cháu hết hồn chạy theo để hoàn thành kỳ thi cho đủ chỉ tiêu. 

Năm nay là năm thứ hai cháu phải học online nên cũng đã quen. Tôi lại ở nhà nên còn theo sát cháu. Chứ có những gia đình bố mẹ phải đi làm, cô thầy chỉ quản lý được từ xa, khó có thể sát sao với các cháu. Lớp con tôi có một cậu bé, vốn học lực không quá nổi trội. Bây giờ ở nhà một mình, không có ai theo dõi, lâu dần bị hổng kiến thức. Năm nay cháu học đuối hẳn so bạn bè. Mặc dù cô giáo cũng theo sát nhưng cũng chỉ gọi điện nhắc nhở, thúc giục, trao đổi với phụ huynh thôi. Cháu bị phê bình nhiều rồi chán nản, ngày càng trở nên xa lánh, ít nói. Tôi đã từng thấy cháu mếu máo tâm sự với con tôi, tỏ ra rất miễn cưỡng với học hành. Trẻ con không tự tạo động lực được như người lớn, khi chúng phải tự xoay xở thì càng ngày chúng càng trở nên tự ti. Mà cô giáo cũng đã rất nỗ lực rồi. 

Tôi cũng động viên cháu đạp xe, đánh bóng dưới sân chung cư nhưng với trẻ con, khó thay thế không khí với các bạn cùng lớp được. Mặc dù hàng xóm cũng có bạn đồng trang lứa nhưng lịch học khác nhau nên các cháu cũng ít gặp. Lớp con tôi cũng có nhóm chat Zalo cho bọn trẻ, nhưng tôi vừa muốn vừa không muốn cho con tham gia. Một mặt vì muốn lũ trẻ kết nối với nhau, nhưng cũng không thích con mình cứ tối ngày phải ôm điện thoại, máy tính.

Lần gần đây nhất tòa nhà tôi có F0, cháu còn không được bước chân ra khỏi cửa. Đó sẽ là một trở ngại tâm lý không nhỏ với một cậu bé. Tôi cũng nghe tâm sự là nhiều cháu trở nên khó bảo hơn, hay cáu gắt hơn.