Bảo vệ sức khỏe người dân khu “Cao xà lá”

Bạn đọc viết:

Hoàng Yến Nhi (Quận Thanh Xuân, TP Hà Nội)

Thời gian gần đây, gia đình tôi mới chuyển đến sinh sống ở khu vực đường Nguyễn Trãi. Trong tiềm thức, tôi vẫn nhớ những lần nghe người lớn nhắc tới khu “Cao xà lá” như một biểu tượng về ngành công nghiệp còn non trẻ của nước ta một thời. Và thật kỳ lạ, sau bao nhiêu năm, dù tổ hợp công nghiệp cao-su - xà-phòng - thuốc lá đã chuyển mình, khu vực này tập hợp dân cư đông đúc, nhưng hoạt động sản xuất vẫn diễn ra âm ỉ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. 

Đặc biệt, khi màn đêm buông xuống, mùi khét lẹt, cay xè vẫn thoát ra đều đặn từ tổ hợp “Cao xà lá”. Nếu để ý kỹ, sẽ không khó để nhận ra những cột khói đủ sắc mầu từ trắng xóa tới vàng đục rồi đen kịt vẫn được nhả ra từ các ống khói cũ kỹ, hoen gỉ. Theo một số người dân sống lâu năm tại đây, trong khu “Cao xà lá” thì chỉ còn “cao” - tức là công ty cao-su vẫn bám trụ một phần, các công ty xà-phòng và thuốc lá đã sớm di dời đi nơi khác để tiếp tục hoạt động sản xuất. Thế nhưng, chẳng cần phải là người “tinh mũi” cũng có thể nhận ra mùi nồng đậm rất đặc trưng của sợi thuốc lá vẫn thường trực, quanh quẩn khắp nơi, nhất là lúc tối trời. Chẳng vậy mà nhiều “con nghiện” thuốc lá trong khu dân cư vẫn thường nói đùa với nhau rằng, sống quanh khu “Cao xà lá” thì chẳng cần bật lửa, vẫn được “hút” thuốc đều (!?).

Tếu táo là vậy, chứ sự thật quả không dễ chấp nhận. Ban đêm, gia đình tôi đã đóng kín cửa, sử dụng song song điều hòa nhiệt độ và máy lọc không khí mà vẫn cảm nhận rõ nhiều loại mùi khó chịu. Được một thời gian ngắn, chúng tôi bắt đầu có triệu chứng mất ngủ, suy giảm sức khỏe chứ chẳng thể “lâu rồi thành quen” như những hàng xóm thường khuyên. 

Mà thực tế, tôi không hiểu vì sao người dân lại buộc phải “quen” với tình trạng ô nhiễm môi trường từ việc sản xuất công nghiệp ngay tại nơi sinh sống?