Xây cầu, đường cho người nghèo

Ngoài hàng nghìn cây cầu dân sinh kết nối mà hiệu quả hiện lên rất rõ thì dự án LRAMP còn đang góp phần thay đổi tư duy bảo trì đường địa phương từ tỉnh lộ cho đến các huyện, xã, thôn, bản. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ giải ngân tiền khôi phục, cải tạo 676 km đường tại 14 tỉnh dựa vào chính kết quả thực hiện cam kết duy tu, bảo dưỡng thường xuyên 61.109 km đường của các địa phương.

Nhiều cây cầu, tuyến đường được hoàn thành giúp người dân đi lại thuận tiện.
Nhiều cây cầu, tuyến đường được hoàn thành giúp người dân đi lại thuận tiện.

Kỳ 2: Thay đổi tư duy: Một đồng bảo trì bằng ba đồng xây mới

(Tiếp theo & hết)

Từ những con đường bị bỏ quên

Ngoài hợp phần xây mới cầu, thì dự án LRAMP còn một hợp phần rất quan trọng với mục tiêu khôi phục, cải tạo và bảo dưỡng thường xuyên đường địa phương, với tổng nguồn vốn 3.296 tỷ đồng do UBND các tỉnh làm cơ quan chủ quản. Mục tiêu này xuất phát từ câu chuyện về những con đường bị “bỏ quên” ở cấp huyện, xã, thôn, bản.

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), tính đến hết năm 2019, đơn vị này đã thực hiện bảo dưỡng thường xuyên hơn 21.400 km các tuyến quốc lộ, đường cao tốc thuộc diện quản lý. Tuy nhiên, cả nước hiện có hơn 458 nghìn km đường địa phương, phục vụ khoảng 80% dân số và 90% người nghèo. Trên mạng lưới này, rất nhiều đoạn đường đã xuống cấp nhưng không đủ kinh phí để bảo trì. Đặc biệt, theo ông Phạm Xuân Trung, Ban quản lý dự án 6: Phần lớn các đường huyện, xã, thôn, bản đều bị xuống cấp nặng nề bởi thói quen xem nhẹ chuyện duy tu, bảo dưỡng thường xuyên mà cứ sử dụng cho đến khi hỏng thì đề xuất xây mới.

Bà Trần Thị Minh Phương, Giám đốc dự án LRAMP của WB cho biết: Đây là sự lãng phí rất lớn. Trong khi một đồng bảo trì bằng ba đồng xây mới thì rất nhiều địa phương chưa chú trọng tới công tác này. Vì vậy, thông qua dự án LRAMP, chúng tôi hy vọng lãnh đạo UBND các tỉnh, huyện và Sở Giao thông vận tải (GTVT) sẽ nhận thức rõ để bố trí nguồn kinh phí chi cho việc duy tu, bảo dưỡng đường địa phương.

Hiệu quả của đồng vốn sửa chữa

Quảng Nam là một trong 14 tỉnh tham gia vào hợp phần cải tạo đường LRAMP. Hiện tỉnh đã được WB tài trợ kinh phí khôi phục hơn 30 km địa phương như: ĐH1 Hiệp Đức, ĐH3 Bắc Trà My, ĐH6 Phú Ninh, ĐH 11 Phú Ninh, ĐH6 Tiên Phước. Đối ứng với việc này, Quảng Nam cũng phải lập kế hoạch bảo trì, duy tu bảo dưỡng thường xuyên trên hệ thống đường từ tỉnh cho đến cấp huyện, xã, thôn.

Ông Trần Thọ, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam) cho biết: Trước đây việc bảo trì đường huyện, xã rất ít được quan tâm nhưng hiện nay tỉnh và huyện đã có kế hoạch chi cho công tác bảo dưỡng thường xuyên và bổ sung sửa chữa kịp thời khi có các sự cố bất thường xảy ra. Hằng năm, số tiền và km đường được bảo trì đều tăng lên đã góp phần bảo vệ các công trình đường được bền vững hơn. Người dân cũng thay đổi tư duy, sẵn sàng tham gia lao động công ích như phát quang, nạo vét cống rãnh…

Ông Nguyễn Hữu Hòa, Trưởng phòng Quản lý dự án 1 (Ban quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam) cho biết: Từ khi có dự án LRAMP, tỉnh xây dựng hẳn một chương trình kế hoạch cụ thể, với số km đường địa phương được bảo trì tăng lên hằng năm, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông. Từ việc số tiền bỏ ra ít mà hiệu quả sử dụng con đường được bền lâu, tỉnh đã có văn bản gửi Bộ GTVT và WB để xin tiếp tục mở rộng dự án trong thời gian tới.

Tại xã Cô Ba, Thị trấn Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, sau khi tuyến đường dài 12,7 km nối từ xã ra trung tâm thị trấn hoàn thành, việc đi lại của người dân đã thuận tiện hơn nhiều. Trước đây đường đất lầy lội, người dân xã Cô Ba muốn ra huyện chủ yếu phải đi bộ mất ba tiếng đồng hồ. Sau khi được WB tài trợ, tuyến đường mới hoàn thành đã rút ngắn việc di chuyển từ xã ra huyện còn khoảng 30 phút chạy xe máy. Ông Ma Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Cô Ba cho biết: Để đối ứng, xã Cô Ba đã áp dụng hình thức bảo trì cho các đoàn thể và nghiệm thu từng quý theo định mức 1,5 triệu/km để bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường liên thôn. Ngoài ra với tuyến đường trong quá trình bảo hành xã đã phối hợp tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ tài sản và vệ sinh, phát quang đường trong dịp lễ, Tết. UBND xã kết hợp hương ước thôn, bản để bảo vệ tài sản đường, khi phát hiện ra hư hỏng sẽ báo cáo lên phòng kinh tế hạ tầng huyện kịp thời sửa chữa.

Xây cầu, đường cho người nghèo ảnh 1

Mô hình đường tự quản đang phát huy hiệu quả bảo trì đường bộ.

Thể chế hóa công tác bảo trì

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng ĐBVN cho biết: Qua triển khai hợp phần đường, công tác quản lý bảo trì đã được các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị ở địa phương chú trọng thực hiện ngày càng tốt hơn. Hiện các chỉ số về km đường đã hoàn thành khôi phục cải tạo, bảo dưỡng thường xuyên và số vốn bảo trì đều tăng gấp đôi so yêu cầu. Tính đến cuối năm 2019, 14 tỉnh tham gia vào hợp phần đường trong dự án LRAMP đã hoàn thành khôi phục cải tạo khoảng 400 km đường, đạt 60% so yêu cầu. Đặc biệt, theo kế hoạch, tỷ lệ tuyến đường được bảo dưỡng thường xuyên ở mức tối thiểu là 48% nhưng trên thực tế đã đạt 53%. Tổng số vốn dành cho bảo trì đường địa phương đạt 84% so yêu cầu là 44%. Một số tỉnh có các chỉ số vượt trội so kế hoạch như Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Nam, Hà Tĩnh...

Để đạt được mục tiêu bảo trì đường địa phương, WB đã xây dựng cơ chế cụ thể với 14 tỉnh. Theo đó, ngân hàng tài trợ tiền khôi phục, cải tạo đường; Địa phương phải chi kinh phí để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên toàn bộ mạng lưới đường từ tỉnh cho đến thôn, bản. Dự án cũng đặt ra điều kiện về đơn giá tối thiểu cùng các tiêu chuẩn kỹ thuật bảo trì đính kèm cho từng cấp đường cụ thể.

“Ngân sách tỉnh bỏ ra sẽ tương ứng với việc giải ngân tiền tài trợ của WB. Cụ thể, khi sửa chữa đường, WB chỉ giải ngân 45% nguồn vốn, nếu địa phương thực hiện bảo trì đạt tất cả các tiêu chí thì chúng tôi mới giải ngân nốt 55% kinh phí còn lại”, bà Minh Phương cho biết.

Qua ba năm triển khai, hiện nay các địa phương đều đáp ứng đủ các tiêu chí số tiền, đơn giá, số km thực hiện bảo trì. Nhưng như bà Minh Phương cho biết: Sở GTVT các tỉnh chỉ chịu trách nhiệm bảo trì đường tỉnh, đường huyện do huyện quản lý, đường xã do xã quản lý. Tuy nhiên huyện, xã gần như không có kinh phí nên sau khi kết thúc dự án, việc tỉnh có tiếp tục chi kinh phí cho công tác bảo trì thường xuyên đường huyện, xã, thôn, bản nữa không lại phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố lãnh đạo ở địa phương. Trong vai trò là đơn vị phụ trách, Tổng cục ĐBVN cần phải quyết liệt hơn trong việc đưa ra các thông tư, nghị định hướng dẫn để các địa phương chi thường xuyên cho việc bảo trì đường địa phương.