Thông điệp mạnh mẽ về đoàn kết

Hội nghị Bộ trưởng Y tế Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thông qua Hiệp ước Rome, trong đó cam kết bảo đảm người dân trên toàn thế giới được tiếp cận vaccine ngừa Covid-19, không phân biệt giai cấp hay chủng tộc. Đồng thời, đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số toàn cầu vào cuối năm 2021 để có thể chấm dứt đại dịch trước năm 2023.

Nguồn: CHINA DAILY
Nguồn: CHINA DAILY

Italia, nước Chủ tịch G20 năm nay, đánh giá Hội nghị Rome đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về hợp tác, đoàn kết và công lý, với niềm tin vững chắc rằng không ai bị bỏ lại phía sau. Các Bộ trưởng Y tế G20 cũng thống nhất quan điểm tiêm chủng là chìa khóa để ngăn chặn Covid-19 và khó có thể chấm dứt đại dịch trước năm 2023 nếu người dân tất cả các nước trên thế giới chưa được tiêm chủng.

Bộ trưởng Y tế Italia Roberto Speranza cho biết, Hiệp ước Rome đã được tất cả các nước G20 nhất trí thông qua với cam kết đưa vaccine ngừa Covid-19 đến các quốc gia dễ tổn thương nhất, qua đó bảo đảm quyền bình đẳng của tất cả mọi người được điều trị không phân biệt giàu nghèo. Ông thừa nhận thực tế rằng sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine hiện quá cao, không bền vững và điều này có thể đe dọa nỗ lực chống dịch toàn cầu trong bối cảnh xuất hiện các biến thể mới. Do vậy, G20 muốn xây dựng các điều kiện để có thể chuyển việc sản xuất vaccine ngừa Covid-19 đến nhiều khu vực trên thế giới.

Tuyên bố Rome công nhận tác động trên phạm vi rộng của Covid-19, bao gồm cả sức khỏe tâm thần và tiến bộ trong việc đạt được những Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm nghèo đói, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, hòa bình và công lý. Tuyên bố cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục các nỗ lực chung để ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó tốt hơn các rủi ro và tình huống khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu trong tương lai. 

Các Bộ trưởng Y tế G20 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp đa phương mạnh mẽ trong việc ứng phó đại dịch và hỗ trợ phục hồi toàn cầu, trong đó Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đóng vai trò trung tâm và dẫn đầu. Trước đó, WHO hoan nghênh những tuyên bố hào phóng của các nước giàu về việc quyên tặng vaccine và cho rằng 1 tỷ liều vaccine của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) quyên tặng là không đủ, do thế giới cần tới 11 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19. 

Để bảo đảm nguồn cung vaccine ngừa Covid-19, nhiều nước đã có sáng kiến hoán đổi vaccine. Chính phủ Australia đã nhất trí hoán đổi vaccine với Anh và Singapore để có tổng cộng khoảng 4,5 triệu liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech, tăng gấp đôi nguồn cung trong tháng 9 này. Đổi lại, Australia sẽ trao trả số vaccine tương đương của hãng Pfizer/BioNTech cho Anh và Singapore vào cuối năm nay.

Trước diễn biến nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới, G20 cảnh báo nguy cơ khủng hoảng y tế tiếp sau Covid-19. Theo đánh giá của G20, ngay cả khi dịch Covid-19 qua đi, đại dịch tiếp theo có thể bùng phát trong 10 năm tới do sự xuất hiện của một chủng virus cúm mới, hoặc một trong số những mầm bệnh nguy hiểm khác, có thể gây ảnh hưởng sâu rộng hơn nhiều so dịch Covid-19 đối với sức khỏe con người và kinh tế toàn cầu. Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Speranza cũng kêu gọi cách tiếp cận “Một sức khỏe” để giảm thiểu nguy cơ xảy ra các cuộc khủng hoảng trong tương lai, thí dụ như một đại dịch khác. 

G20 khuyến nghị chính phủ các nước cùng cam kết đầu tư ít nhất 75 tỷ USD trong 5 năm tới cho công tác phòng, chống và sẵn sàng ứng phó dịch bệnh. Cụ thể, khoản đầu tư này sẽ được phân bổ cho mạng lưới nghiên cứu và giám sát chung dịch bệnh, các dự án củng cố năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ công tác xử lý khủng hoảng tốt hơn, cũng như tăng cường năng lực sản xuất vaccine toàn cầu. Trong khi duy trì vai trò trung tâm của WHO, G20 đặt mục tiêu cải thiện sự hợp tác giữa các tổ chức quốc tế hiện có và chính quyền các nước nhằm bảo đảm một hệ thống tài chính vững chắc và ổn định hơn, vừa giúp vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19, vừa chuẩn bị đối phó các đại dịch trong tương lai.