Nỗ lực gỡ khúc mắc

Nghị định thư Bắc Ireland là một phần quan trọng của thỏa thuận Brexit, mà Liên hiệp châu Âu (EU) và Anh phải đàm phán cam go mới đạt được, song đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Khúc mắc gia tăng do chính những rắc rối nảy sinh trong khi thực thi văn kiện này.

Biếm họa: PETER SCHRANK
Biếm họa: PETER SCHRANK

Trong tuyên bố cuối tuần trước, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh David Frost cho biết, nước Anh cảm thấy “có động lực hơn” sau khi EU đề xuất sửa đổi nhằm khắc phục những vấn đề không phù hợp liên quan thỏa thuận thương mại tại vùng Bắc Ireland thuộc Anh. Bình luận trên được ông Frost đưa ra sau cuộc gặp tại Brussels (Bỉ) với người đồng cấp EU Maros Sefcovic, được tổ chức vài ngày sau khi EU công bố các đề xuất để tháo gỡ những rắc rối nảy sinh trong khi thực thi thỏa thuận Brexit, cụ thể là Nghị định thư Bắc Ireland.

Tuy nhiên, không phải đến thời điểm hiện tại, khi bất đồng lên cao và London dọa kích hoạt Điều 16 cho phép xóa bỏ phần lớn thỏa thuận Brexit, thì khúc mắc trong việc triển khai Nghị định thư Bắc Ireland mới được Anh và EU đề cập. Ngay khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc và thỏa thuận hậu Brexit mang tên Hiệp định Thương mại và Hợp tác Anh - EU được thực thi từ đầu năm 2021, những rắc rối đã bộc lộ, gây khó khăn trong việc lưu chuyển hàng hóa, thương mại trong lãnh thổ Anh, đe dọa cản trở trao đổi thương mại giữa Anh và EU.

Nghị định thư Bắc Ireland là một phần trong thỏa thuận Brexit nhằm bảo đảm hòa bình cho vùng lãnh thổ này sau khi Anh rời EU, bằng cách loại bỏ  nguy cơ “đường biên giới cứng” trên đảo Ireland, giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh với CH Ireland - một thành viên của EU. Theo Nghị định thư, tất cả hàng hóa từ Vương quốc Anh đến Bắc Ireland phải tuân theo các quy tắc hải quan và quy định về sản phẩm của EU. 

Nỗ lực gỡ khúc mắc -0
Nghị định thư làm tắc nghẽn hàng hóa từ Anh sang Bắc Ireland. Ảnh: CNN 

Tuy nhiên, khi Nghị định thư được triển khai, việc kiểm tra hàng hóa từ lục địa Anh sang Bắc Ireland đã gây ra tình trạng tắc nghẽn, phát sinh nhiều thủ tục, dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa cho vùng lãnh thổ của Anh. Các quy định “hậu Brexit” cũng vấp phải sự phản đối của phe ủng hộ London tại Bắc Ireland, với cáo buộc rằng thỏa thuận như vậy gây chia cắt vùng này với phần còn lại của nước Anh. Tình trạng khan hiếm, ách tắc hàng hóa và lo ngại chia cắt nước Anh đã dẫn tới biểu tình và bất ổn tại Bắc Ireland kể từ đầu năm nay.

Mâu thuẫn trong quá trình triển khai Nghị định thư Bắc Ireland gia tăng, đẩy Anh và EU tới gần bờ vực xung đột thương mại. London đề xuất một thỏa thuận mới thay thế Nghị định thư hiện tại mà Anh cho là cứng nhắc, không thể tồn tại vì không được ủng hộ trên toàn vùng lãnh thổ Bắc Ireland. London cảnh báo có thể kích hoạt Điều 16 của thỏa thuận Brexit, điều khoản cho phép một trong hai bên xóa bỏ phần lớn thỏa thuận, nếu hai bên không nhất trí sửa đổi Nghị định thư Bắc Ireland. 

Trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng, giải quyết khúc mắc “hậu chia tay”, EU đã đề xuất xóa bỏ hầu hết các thủ tục kiểm tra đối với hàng hóa từ Vương quốc Anh đến Bắc Ireland nhằm bảo đảm hoạt động thương mại suôn sẻ và chấm dứt tranh chấp kéo dài với London. Theo đó, 80% các thủ tục kiểm tra đối với các sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật từ lục địa Anh nhập vào Bắc Ireland sẽ được loại bỏ; 50% các thủ tục giấy tờ hải quan đối với tất cả hàng hóa khác sẽ được cắt giảm. EU cũng cho phép Bắc Ireland nhập khẩu thuốc của Vương quốc Anh và các công ty dược phẩm tại lục địa Anh không phải chuyển cơ sở sản xuất tới Bắc Ireland.

Theo quan chức EU phụ trách vấn đề Brexit, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic, các đề xuất táo bạo nêu trên đánh dấu sự thay đổi lớn so các quy định hiện hành của EU, nhằm đáp ứng những mối quan tâm của Anh. Song, EC nhấn mạnh chỉ sẵn sàng đàm phán với Anh trong khuôn khổ những đề xuất này. Dự kiến, các cuộc đàm phán có thể kéo dài, không loại trừ khả năng vắt sang năm mới 2022.