Những thách thức mới

Dù nhận được rất nhiều lời ngợi ca cũng như chúc mừng sau khi trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử sau 20 năm, song xem ra “chủ nhân” Điện Elýsée trong 5 năm tới, ông Emmanuel Macron, sẽ không có thời gian để tận hưởng “tuần trăng mật” ngọt ngào nào.

Biếm họa: HAJO DE REIJGER
Biếm họa: HAJO DE REIJGER

Những lời chúc mừng nồng nhiệt nhất với Tổng thống Pháp E.Macron có lẽ đến từ lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EUC) Charles Michel là những nhà lãnh đạo châu Âu cũng như thế giới đầu tiên gửi lời chúc mừng tới Tổng thống E.Macron sau khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ 5 năm. Người đứng đầu EC cho rằng, chiến thắng của ông E.Macron giúp tiếp tục thúc đẩy hợp tác sâu rộng và mang tính xây dựng trong EU và NATO. 

Không khó hiểu vì sao lãnh đạo châu Âu, Mỹ lại lập tức gửi lời chúc mừng, đồng thời đánh giá cao việc ông Macron giành chiến thắng trước lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen trong vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Dù Tổng thống Macron luôn chiếm ưu thế trong suốt chiến dịch tranh cử năm nay, song kết quả được cho là có phần khá sít sao giữa ông Macron và bà Marine Le Pen tại vòng một cuộc bầu cử Tổng thống Pháp cũng khiến châu Âu, Mỹ không khỏi lo lắng. 

Đã có những điều chỉnh, “hạ tông” những quan điểm được cho là dân tộc chủ nghĩa để tranh thủ cử tri Pháp, song bà Le Pen vẫn khiến châu Âu bất an với lập trường chống châu Âu, muốn đưa nước Pháp rời khỏi EU trong khi lại ủng hộ mối quan hệ gần gũi hơn với Nga…, cùng nhiều vấn đề đang rất cần một sự đoàn kết, nhất trí cao tại châu Âu cũng như toàn cầu như nhập cư, biến đổi khí hậu… Có không ít lo ngại cho rằng, nếu như Brexit (Anh rời EU) là một đòn giáng mạnh vào sự thống nhất của châu Âu, thì nước Pháp theo chủ nghĩa dân tộc dưới thời Le Pen sẽ tiếp nối rời khỏi EU. Điều này nếu xảy ra sẽ làm tê liệt liên minh - một tổ chức bảo đảm hòa bình quan trọng của châu Âu trong thời điểm nhiều bất ổn hiện nay, nhất là cuộc khủng hoảng Ukraine.

Thế nên, không chỉ châu Âu mà quốc gia giữ vai trò lãnh đạo NATO là Mỹ cũng thở phào vui mừng trước chiến thắng của ông Macron trước lãnh đạo phe cực hữu Le Pen để tiếp tục lãnh đạo nước Pháp trong 5 năm tới. Như đánh giá của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, chiến thắng của ông Macron là chiến thắng trong “cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở châu Âu”.

Chiến thắng trong bối cảnh như vậy tất nhiên rất ngọt ngào với Tổng thống Macron, song ông khó có thể có thời gian để tận hưởng giai đoạn được xem như là “tuần trăng mật”, bởi những thách thức đang phải đối mặt lúc này.

Trước hết, về đối nội, Tổng thống tái đắc cử Macron cần nhanh chóng nhất có thể hàn gắn rạn nứt trong lòng nước Pháp sau cuộc bầu cử. Ông cần phải thuyết phục, hành động để nhận được ủng hộ của một tỷ lệ không nhỏ cử tri đã bỏ phiếu cho bà Le Pen trong suốt hai vòng bầu cử vừa qua. 

Bên cạnh đó, Tổng thống Macron được cho cần lấp sự chia cách đang có xu hướng gia tăng trong xã hội. Sự phân cách, chênh lệch giữa một bên là thành phần trung lưu, giàu có và bên kia là những người lao động với đồng lương ít ỏi, vốn đã được thể hiện qua khủng hoảng phong trào “Áo vàng” cách đây hai năm, giờ đã bị hằn sâu thêm sau hai năm diễn ra đại dịch Covid-19.

Tổng thống Macron cũng phải có giải pháp hữu hiệu để vực dậy nền kinh tế được dự báo suy giảm tăng trưởng xuống 2% thay vì 4%, do tác động của cuộc xung đột quân sự tại Ukraine và “hội chứng” hậu đại dịch Covid-19. Đó là chưa kể thâm hụt ngân sách và thương mại gia tăng.

Về đối ngoại, Tổng thống tái đắc cử Macron cần bắt tay ngay vào việc giải quyết cuộc xung đột Ukraine để làm sao vừa duy trì được một “mặt trận” thống nhất với các quốc gia châu Âu khác và Mỹ, đồng thời bảo đảm lợi ích sát sườn cùng sự độc lập của nước Pháp.

Vì thế, “chủ nhân” Điện Elýsée xem ra thay vì được tận hưởng “tuần trăng mật” ngọt ngào sau khi tái đắc cử, lại phải đối mặt, giải quyết ngay những thách thức nặng nề.