Khó tìm tiếng nói chung

Kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Liên minh châu Âu (EU), các nước thành viên của khối vẫn bất đồng về gói trừng phạt mới nhằm vào Nga, trong đó có kế hoạch loại bỏ dần dầu thô nhập khẩu từ Moscow trong vòng sáu tháng và các sản phẩm dầu tinh luyện vào cuối năm nay. Một số nước Đông Âu phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng từ Nga đang phản đối kế hoạch này.

Biếm họa: RYTIS DAUKANTAS
Biếm họa: RYTIS DAUKANTAS

Trước thềm cuộc họp với những người đồng cấp EU tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg Jean Asselborn cho biết, EU sẽ áp đặt gói trừng phạt thứ sáu nhằm vào Nga, nhưng cần thêm thời gian để đạt được đồng thuận trong nội bộ. Để được thông qua, gói trừng phạt của EU cần có sự nhất trí của 27 quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, Hungary cùng các quốc gia Đông Âu khác - những nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nguồn cung dầu mỏ từ Nga, không ủng hộ gói trừng phạt thứ sáu này của khối. Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cảnh báo, nước này sẽ tốn 15-18 tỷ euro để chuẩn bị cho nền kinh tế không nhập khẩu dầu mỏ Nga theo gói trừng phạt. Do vậy, Hungary đã nêu điều kiện không cản trở các lệnh trừng phạt Nga của EU. Theo đó, Thủ tướng Orban cho biết Hungary sẽ không phản đối EU trừng phạt Nga nếu các biện pháp này không gây nguy cơ cho an ninh năng lượng của Hungary. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh cuộc xung đột ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt giữa Nga và EU đã tạo ra một cuộc khủng hoảng năng lượng, có thể dẫn tới một “kỷ nguyên suy thoái” ở châu Âu. 

Trong khi đó, các nước thành viên khác của EU như Slovakia, Czech, Bulgaria và thậm chí cả Croatia rất dè dặt về lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga. Bulgaria đã chính thức yêu cầu khoảng thời gian hai năm để thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Moscow. Ban đầu, Ủy ban châu Âu (EC) có kế hoạch ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga trong vòng sáu tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm 2022, nhưng riêng Hungary và Slovakia được hoãn đến cuối năm 2023.

Phát biểu ý kiến với báo chí sau khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EU, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, để giải quyết các quan ngại của một số quốc gia thành viên không giáp biển, liên minh này cần thêm thời gian và vấn đề sẽ tiếp tục được bàn thảo Hội nghị cấp cao EU bất thường dự kiến diễn ra vào ngày 30 và 31/5 tới.  Theo ông, cần tái cấu trúc các nhà máy lọc dầu và điều này đòi hỏi thời gian và chi phí thích ứng. 

Ngoài ra, để tự chủ năng lượng, EC lên kế hoạch chi 195 tỷ USD để tiến tới dừng nhập khẩu nhiên liệu từ Nga vào năm 2027. Kế hoạch này kết hợp hai trụ cột gồm đẩy nhanh triển khai sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng; đẩy nhanh tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên thay thế Nga.

Theo dự thảo kế hoạch, EC đề xuất nhiều luật, các kế hoạch không ràng buộc và những đề xuất cho các chính phủ các nước thành viên, trong đó có cả việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng vốn phục hồi hậu Covid-19 của EU để phục vụ chuyển đổi sử dụng năng lượng. Với giá trị 195 tỷ euro, đây là khoản đầu tư lớn nhất trong gói ngân sách dự chi cho việc thực hiện mục tiêu khí hậu của khối vào năm 2030, trong đó có thể giúp giảm chi phí nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.

Để thúc đẩy kế hoạch này, EU đang cân nhắc đề xuất các mục tiêu cao hơn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả. Các mục tiêu được thảo luận bao gồm nâng mức đóng góp của năng lượng tái tạo lên 45% vào năm 2030, cao hơn mức 40% hiện nay và cắt giảm 13% năng lượng tiêu thụ trên toàn EU vào năm 2030.

Bên cạnh đó, kế hoạch trên còn có một số đề xuất điều chỉnh luật EU để đẩy nhanh việc cấp phép một số dự án năng lượng tái tạo và các cơ chế mới để đẩy mạnh triển khai năng lượng mặt trời trên diện rộng, tái thiết ngành sản xuất năng lượng mặt trời ở châu Âu. EU cũng đề xuất tập trung vào hydro xanh mà lượng tiêu thụ ở EU năm 2030 có thể đạt 20 triệu tấn, trong đó một nửa sẽ được nhập khẩu.

Thực tế nêu trên cho thấy, để tự chủ năng lượng, EU không chỉ phải giải tỏa những quan ngại trước mắt của một số nước thành viên liên quan gói trừng phạt mới nhằm vào Nga, mà phải đề ra lộ trình rõ ràng để thực hiện hiệu quả những kế hoạch phát triển năng lượng có tầm nhìn trung và dài hạn nêu trên.