Cuộc khủng hoảng xuyên Đại Tây Dương

Thỏa thuận AUKUS hình thành cấu trúc hợp tác ba bên Mỹ, Anh và Australia vào tuần trước đang gây ra những khủng hoảng ngoại giao, trong đó phải kể tới mối quan hệ giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Mỹ. EU đã cam kết ủng hộ và đoàn kết với Pháp sau “thương vụ tàu ngầm” bị đổ vỡ với Australia, dù Mỹ đã có một số động thái xoa dịu.

Biếm họa của AMORIM
Biếm họa của AMORIM

Một loạt động thái căng thẳng trong các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã diễn ra sau khi Australia tuần trước quyết định hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD với Hải quân Pháp. Thay vào đó, Canberra ký thỏa thuận quan hệ đối tác an ninh ba bên AUKUS ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo một phần nội dung của thỏa thuận này, Australia sẽ đóng tám tàu ngầm hạt nhân tại Adelaide, với sự hợp tác chặt chẽ của Mỹ và Anh. 

Để bày tỏ sự phản đối quyết định đột ngột của Australia, Pháp đã triệu hồi các đại sứ từ Canberra và Washington D.C về nước để tham vấn, đồng thời cáo buộc các đồng minh “nói dối” về kế hoạch của họ. Đây là lần đầu Pháp triệu hồi đại sứ của nước này tại Mỹ từ khi hai nước thiết lập quan hệ vào năm 1778. Bộ trưởng Quốc vụ phụ trách các vấn đề châu Âu của Đức Michael Roth cho rằng, cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Pháp và Mỹ, Australia là “lời cảnh tỉnh” về tầm quan trọng của sự đoàn kết vốn thường xuyên bị chia rẽ của EU về chính sách đối ngoại và an ninh. 

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EUC) Charles Michel cho biết, ông đã có thảo luận trực tiếp và thẳng thắn về AUKUS với Thủ tướng Australia Scott Morrison bên lề Khóa họp 76 của Đại hội đồng LHQ (ĐHĐ LHQ) đang diễn ra ở New York (Mỹ). Ủy viên EU phụ trách thị trường nội khối, ông Thierry Breton cho rằng, có cảm giác “điều gì đó bị phá vỡ” trong quan hệ của châu Âu với Washington, do đó hiện là lúc “tạm dừng và cài đặt lại mối quan hệ giữa EU - Mỹ”. 

Nhằm thể hiện hơn nữa sự đoàn kết với Pháp, EU đã hủy các cuộc gặp đa phương với Mỹ bên lề khóa họp ĐHĐ LHQ, hoãn họp trù bị với Washington về hợp tác thương mại. Theo AFP, EU sẽ đưa những vấn đề liên quan AUKUS vào chương trình nghị sự trong Hội nghị cấp cao của khối dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới. Trong khi đó, Thủ tướng Australia, Scott Morrison tuyên bố không có kế hoạch gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên lề kỳ họp.

Các nhà phân tích nhận định rằng, việc Mỹ “bỗng dưng” thúc đẩy thỏa thuận AUKUS mà không thông báo trước với các đồng minh lâu đời EU, cũng như hợp đồng tàu ngầm đổ bể giữa Pháp và Australia, có thể mang lại nhiều hệ lụy trong các mối quan hệ hai bên. Theo đó, EU có thể xem xét lại sự hợp tác lâu nay với Washington trong nhiều vấn đề, từ tăng cường giám sát và đánh thuế đối với mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của những “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ tại châu Âu, cho đến thúc đẩy vai trò của các thành viên châu Âu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)…

Trước căng thẳng trên, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một số động thái xoa dịu EU và Pháp. Tại kỳ họp ĐHĐ LHQ, ông lên tiếng bảo vệ chính sách đối ngoại kể từ khi nhậm chức, khẳng định đã ưu tiên xây dựng lại các liên minh, khôi phục các quan hệ đối tác chiến lược, nhấn mạnh những mối quan hệ này rất cần thiết và quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng lâu dài của Mỹ. Tuy nhiên, ông Biden lại khiến EU nghi ngờ tính chân thực của phát biểu trên, khi trong cuộc gặp đầu tiên với Thủ tướng Australia Scott Morrison bên lề phiên họp ĐHĐ LHQ ngày 21/9, Tổng thống Mỹ đã ca ngợi mối quan hệ Mỹ - Australia, tuyên bố “Mỹ không có đồng minh nào thân thiết và đáng tin cậy hơn Australia”.

Không khó nhận ra EU đang hướng cái nhìn ngờ vực vào tương lai hợp tác với Washington, khi Mỹ không chứng tỏ “nói đi đôi với làm”. Dù các bên đều đang cố gắng không đẩy mối quan hệ thêm căng thẳng, nhưng một cuộc khủng hoảng ngoại giao xuyên Đại Tây Dương đang dần hiện hữu.