Cơ hội tiếp sức cho kinh tế châu Á

Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) tại Hải Nam (Trung Quốc) được xem là nơi trao đổi ý kiến, kinh nghiệm về phát triển trên tất cả lĩnh vực của khu vực châu Á. Năm nay, do tác động của đại dịch Covid-19 cùng những biến động về địa-chính trị trên thế giới, diễn đàn đã nêu bật các thách thức, khó khăn cũng như cơ hội tăng sức bật cho kinh tế châu Á.

Biếm họa: XIA QING
Biếm họa: XIA QING

BFA là hội nghị thường niên định kỳ, do 25 nước châu Á và Australia thành lập năm 2001 với mục đích tạo môi trường đối thoại cấp cao cho chính phủ, doanh nghiệp và các chuyên gia, học giả về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường..., qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của kinh tế khu vực châu Á. BFA 2022 diễn ra trong ba ngày (từ ngày 20 đến 22/4), với chủ đề “Dịch bệnh và thế giới: Chung tay thúc đẩy phát triển toàn cầu, xây dựng tương lai chung”.

Ngày 21/4, theo Reuters, trong bài phát biểu trực tuyến tại phiên khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) thường niên năm 2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục cam kết xây dựng một nền kinh tế thế giới mở, đồng thời cho rằng cần đẩy mạnh nỗ lực để đi đầu trong xu hướng chủ đạo của toàn cầu hóa kinh tế, tăng cường điều phối chính sách vĩ mô và thúc đẩy sử dụng khoa học và công nghệ để có thêm động lực tăng trưởng.

Cũng theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, các chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu cần được duy trì ổn định, cũng như cần ngăn chặn những tác động tiêu cực nghiêm trọng từ việc điều chỉnh chính sách ở một số quốc gia. Để giải quyết tình trạng phát triển không đồng đều và chưa phù hợp, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, cần quan tâm đúng mức đến nhu cầu cấp bách của các nước đang phát triển, đồng thời thúc đẩy hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực chính như xóa đói, giảm nghèo, an ninh lương thực, tài trợ phát triển và công nghiệp hóa.

Tại hội nghị, nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố đại dịch Covid-19 đã làm xói mòn nghiêm trọng những thành quả mà thế giới đã đạt được trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở thập niên qua. Sự phục hồi không đồng đều đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới, làm gia tăng thêm sự chia rẽ giữa các quốc gia.

Cũng tại BFA 2022, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo, tình trạng giảm tốc kéo dài của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc có thể tác động đáng kể đối với nền kinh tế toàn cầu. Bà nhấn mạnh rằng, nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn nền kinh tế giảm tốc có ý nghĩa then chốt đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Trước đó, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay xuống còn 4,4%, thấp hơn nhiều so mục tiêu mà Bắc Kinh đề ra là xấp xỉ 5,5%.

BFA 2022 đã công bố “Báo cáo thường niên năm 2022: Triển vọng kinh tế và tiến trình hội nhập của châu Á”, dự báo kinh tế châu Á tiếp tục xu thế phục hồi trong năm nay với tốc độ tăng trưởng khoảng 4,8%, thấp hơn so năm 2021 do ảnh hưởng của nhiều nhân tố như dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga-Ukraine. Theo báo cáo, cần quan tâm tới sáu nhân tố lớn có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế khu vực này, bao gồm xu thế phát triển của dịch Covid-19; cục diện địa-chính trị sau xung đột Nga-Ukraine; nhịp độ và cường độ điều chỉnh chính sách tiền tệ của Mỹ và châu Âu; vấn đề nợ của một số quốc gia; nguồn cung hàng hóa cơ bản then chốt và  sự thay đổi chính phủ của một số quốc gia. 

Tăng trưởng kinh tế châu Á phục hồi mạnh trong năm 2021. Theo dự báo do IMF công bố vào tháng 1, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của các nền kinh tế châu Á trong năm 2021 là 6,3%. Trong số 47 nền kinh tế châu Á, ngoại trừ Myanmar, Afghanistan, Bhutan và Iran, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế khác đều cao hơn so năm 2020. Tính theo tiêu chuẩn sức mua tương đương, năm 2021, quy mô kinh tế châu Á chiếm 47,4% tỷ trọng kinh tế thế giới, tăng 0,2 điểm phần trăm so năm 2020.