Chặng đường khó khăn

Không nằm ngoài dự đoán, đương kim Tổng thống Bashar al-Assad (55 tuổi) đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Syria ngày 26-5 vừa qua, với hơn 95% số phiếu ủng hộ. Chiến thắng của ông al-Assad cho thấy cử tri Syria vẫn tiếp tục dành niềm tin vào phiếu bầu để ông tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư kéo dài bảy năm. 

Biếm họa của FAN JIANPING
Biếm họa của FAN JIANPING

Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc gia Tây Á bị tàn phá nặng nề do xung đột, chia rẽ phe phái cũng như là nơi bị chi phối bởi sự can thiệp từ bên ngoài, chặng đường lãnh đạo sắp tới của ông al-Assad được dự báo còn nhiều thách thức.

Đây là cuộc bầu cử Tổng thống thứ hai của Syria kể từ khi đất nước này bị cuốn vào làn sóng mang tên “Mùa xuân Arab” từ giữa tháng 3-2011. Ông al-Assad đã giành chiến thắng áp đảo trước hai đối thủ là cựu thành viên chính phủ Abdallah Saloum Abdallah và ông Mahmoud Ahmed Marei - thủ lĩnh một đảng đối lập ôn hòa. Lên nắm quyền từ năm 2000, đương kim Tổng thống al-Assad được đánh giá có nhiều lợi thế hơn so với hai ứng cử viên còn lại trong cuộc bầu cử.

Nhiệm kỳ tới của Tổng thống đắc cử Syria sẽ đối mặt những khó khăn và chông gai vốn hiện hữu suốt hơn một thập kỷ qua. Hiện nay, lãnh thổ Syria dù không còn bị tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) phá hoại, khủng bố do các nỗ lực bảo an của các đồng minh là Nga và Iran, cùng liên quân do Mỹ dẫn đầu, song tàn dư của IS vẫn còn và luôn chực chờ cơ hội trỗi dậy nếu tình hình Syria vẫn bất ổn. Bên cạnh đó, các cuộc biểu tình bùng nổ tại Syria tháng 3-2011 trong làn sóng “Mùa xuân Arab” đã dẫn đến những chia rẽ sâu sắc trong xã hội Syria, kéo theo đó là cuộc xung đột vũ trang kéo dài giữa quân đội chính phủ và các phe nhóm đối lập. Mặc dù hiện nay, chính quyền Syria đã giành lại quyền kiểm soát khoảng 75% lãnh thổ đất nước, trong đó có các thành phố lớn, nhưng tình hình vẫn rất phức tạp. Các khu vực tây bắc và đông bắc hiện vẫn do lực lượng đối lập và các nhóm thánh chiến chiếm giữ, khiến bất ổn an ninh tiếp diễn tại một số nơi và luôn tiềm ẩn khả năng leo thang.

Không chỉ vậy, bất ổn của Syria còn do cuộc xung đột tại nước này đến nay đã trở thành “cuộc chiến ủy nhiệm”, giữa một bên là các đồng minh của Tổng thống al-Assad, còn phía bên kia là Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và một số quốc gia trong khu vực. Khu vực biên giới phía tây bắc Syria vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh, do hơn 10 nghìn binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thường xuyên mở các cuộc tiến công nhằm vào lực lượng người Kurd mà Ankara coi là mối đe dọa an ninh. Ở vùng đông bắc giàu dầu mỏ vẫn được xem là vành đai quân sự của Mỹ nhằm kiềm chế Iran tăng cường sức ảnh hưởng ở Syria và trong khu vực. 

Trong bối cảnh đó, nhiệm kỳ bảy năm tới của Tổng thống al-Assad còn phải đối mặt cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng. Theo AP, chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của gần nửa triệu người Syria, đồng thời gây ra một cuộc khủng hoảng người tỵ nạn tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Khoảng một nửa trong tổng số 23 triệu dân Syria phải rời bỏ nhà cửa, trong đó 6,5 triệu người đi sơ tán ở trong nước và 5,6 triệu người phải tỵ nạn tại các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, Iraq và Ai Cập. Sau hơn 10 năm nổ ra nội chiến, hơn 13 triệu người đang cần cứu trợ nhân đạo khẩn cấp do không thể tiếp cận các loại lương thực cơ bản, nước sạch và y tế. 

Theo ước tính sơ bộ của Ngân hàng Thế giới (WB), xung đột vũ trang đã gây tổn thất khoảng 300 tỷ USD cho Syria. Nhiều thành phố và làng mạc bị tàn phá, khoảng 45% số nhà ở bị phá hủy, hơn một nửa số cơ sở y tế và 70% số trường học phải đóng cửa. Chi phí cho công cuộc tái thiết tại Syria ước tính lên tới 250 tỷ USD.

Với tất cả những khó khăn trên, chặng đường lãnh đạo đất nước sắp tới của Tổng thống Bashar al-Assad chắc chắn không “trải hoa”. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ đông đảo của cử tri trong cuộc bầu cử vừa qua được xem là điểm tựa tinh thần quan trọng để chính phủ mới của Syria từng bước đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.