Chặn “sóng di cư”

Điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris là các nước Trung Mỹ, cho thấy ưu tiên của Nhà trắng tìm cách giải quyết “gốc rễ” vấn đề người nhập cư trái phép vào Mỹ. Washington cam kết hỗ trợ phát triển kinh - tế xã hội nhằm tạo “bức tường thịnh vượng” ở chính những nơi khởi nguồn “sóng di cư”.

Biếm họa của FELIPE GALINDO
Biếm họa của FELIPE GALINDO

Trong chuyến công du Trung Mỹ hồi đầu tuần, Phó Tổng thống K.Harris dừng chân tại Guatemala, một trong những điểm xuất phát các đoàn “caravan di cư”; và tại Mexico, điểm cuối người di cư hướng đến để tìm cách vượt biên giới vào Mỹ. Tại Guatemala, Tổng thống nước chủ nhà Alejandro Giammattei và Phó Tổng thống K.Harris nhất trí nhiều biện pháp hợp tác hai nước về vấn đề người di cư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại quốc gia Trung Mỹ. Phía Mỹ cam kết hỗ trợ Guatemala giải quyết nạn nghèo đói, tội phạm và bạo lực, những vấn đề mà Washington coi là nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư trái phép.

Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador và Phó Tổng thống K.Harris chứng kiến giới chức hai nước ký bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy phúc lợi xã hội ở khu vực Trung Mỹ. Trong nỗ lực “triệt tận gốc” nạn di cư trái phép, hai bên thúc đẩy nhân rộng các chương trình về phúc lợi xã hội ra khu vực theo sáng kiến của Mexico, như dự án trồng rừng hay cấp học bổng cho sinh viên. 

Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Phó Tổng thống K.Harris là bước triển khai mạnh mẽ chiến lược của Tổng thống Joe Biden nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ vấn đề di cư trái phép vào Mỹ, chủ yếu từ Guatemala, El Sanvador và Honduras. Chiến lược mới được đưa ra trong bối cảnh những năm gần đây, tình trạng nhập cư trái phép vào Mỹ nổi lên phức tạp và chính quyền Mỹ nhiệm kỳ trước thực hiện biện pháp mạnh tay nhằm ngăn dòng người di cư. Ước tính, mỗi năm có khoảng 500 nghìn người di cư Trung Mỹ vượt biên giới Mexico tìm đường vào Mỹ.

Ngay khi lên nắm quyền, Tổng thống J.Biden ký một loạt sắc lệnh đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm, như ngừng xây “tường biên giới” với Mexico, hay đề xuất cấp quốc tịch cho cả chục triệu người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ khi chấm dứt chính sách “ở lại Mexico”... Tuy nhiên, chính sách mới của Nhà trắng bị chỉ trích là “khuyến khích” người nhập cư trái phép vào Mỹ. Thực tế, những tháng gần đây, số lượng người di cư Trung Mỹ đến sát biên giới phía nam của Mỹ tăng nhanh, tạo sức ép lớn với Nhà trắng. Riêng tháng 3 vừa qua, khoảng 172 nghìn người nhập cư, trong đó có gần 19 nghìn trẻ vị thành niên không có người thân đi kèm, đã bị tạm giữ tại khu vực biên giới phía nam nước Mỹ. Đây là mức tăng hơn 70% chỉ trong một tháng và là con số cao nhất trong 15 năm qua.

Trong nỗ lực chặn “sóng di cư”, Mỹ thúc đẩy thảo luận với nước láng giềng Mexico, Guatemala, El Sanvador và Honduras, nhằm tìm giải pháp giữ chân người di cư. Tổng thống J.Biden cử các đoàn phái viên tới Mexico, cùng giới chức sở tại tìm giải pháp ngăn các đoàn di cư đi qua lãnh thổ Mexico để tới Mỹ. Phó Tổng thống K.Harris điện đàm với lãnh đạo Guatemala, Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken thảo luận với người đồng cấp Mexico bên lề hội nghị Hệ thống hội nhập Trung Mỹ (SICA)..., nhằm phối hợp trong vấn đề di cư ở khu vực. Mỹ thông báo khoản hỗ trợ mới, trị giá bốn tỷ USD, cùng nguồn vaccine hỗ trợ chống dịch Covid-19, giúp các nước Trung Mỹ giải quyết các vấn đề nghèo đói và bạo lực, tăng phúc lợi xã hội và phát triển kinh tế. Mỹ hy vọng, nỗ lực trên thành công sẽ giữ người di cư ở lại quê nhà, từ bỏ “giấc mơ Mỹ”...

Những khó khăn do thiên tai, hạn hán kéo dài và tình trạng bạo lực, các nhóm tội phạm gia tăng hoạt động là những nguyên nhân trực tiếp đẩy nhiều người ở Trung Mỹ rời bỏ quê hương tìm đến Mỹ, bất chấp hành trình nguy hiểm. Đại dịch Covid-19 khiến khó khăn thêm nghiêm trọng. Vì thế, cùng nỗ lực quản lý di cư an toàn, việc hợp tác và hỗ trợ nguồn lực giúp các nước Trung Mỹ được chính quyền Tổng thống J.Biden xác định là nhiệm vụ ưu tiên.