Bài toán năng lượng của EU

Giá năng lượng tăng phi mã gần đây là lý do các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) lên kế hoạch họp Hội nghị cấp cao trong hai ngày 21 - 22/10 tại Brussels (Bỉ) để thảo luận cách giảm thiểu tác động với người tiêu dùng châu Âu. EU đang bước vào một mùa đông giá lạnh theo nghĩa đen, nếu không sớm tìm đáp án cho bài toán năng lượng tại khu vực.

Biếm họa: RYTIS DAUKANTAS
Biếm họa: RYTIS DAUKANTAS

Giá điện tại EU đang tăng phi mã trong bối cảnh nền kinh tế khu vực từng bước phục hồi sau các tác động của đại dịch Covid-19, cùng với trữ lượng khí đốt tự nhiên đang ở mức thấp đáng lo ngại khi mùa đông đang đến gần. Giá khí đốt tiêu chuẩn của châu Âu đã tăng hơn 250% kể từ tháng 1/2021. Việc EU từng bước chuyển đổi sâu rộng hướng tới một tương lai ít phát thải carbon, cũng như loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch đang làm gia tăng áp lực lên thị trường của khối và các hộ gia đình. Giá năng lượng tăng vọt trên khắp châu Âu còn làm trầm trọng thêm nỗi lo lạm phát cao, khi nền kinh tế EU phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

Trước cuộc khủng hoảng giá năng lượng tại khu vực, EU đang xem xét các biện pháp ngắn hạn như giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt về năng lượng, nhằm bảo vệ các kế hoạch trung và dài hạn của mình đối với nhiều nguồn năng lượng tái tạo. Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh sẵn sàng triển khai các biện pháp tạm thời để giải quyết các tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, đồng thời sẽ tiếp tục theo đuổi các mục tiêu khí hậu lâu dài.

Bộ trưởng Năng lượng Áo Leonore Gewessler cho rằng, sự phụ thuộc lớn vào nguồn khí đốt từ Nga là một vấn đề cơ bản liên quan nguồn cung khí đốt của châu Âu. Bà Leonore Gewessler đề nghị các Bộ trưởng Năng lượng EU sớm đề ra gói biện pháp tiêu chuẩn hơn, trong đó có thể bao gồm các thỏa thuận mua năng lượng theo nhóm và chú trọng hơn nữa tới những nguồn năng lượng tái tạo có giá cả phải chăng. 

Hiện, một số quốc gia thành viên EU sẵn sàng triển khai “lá chắn” đối với biểu giá khí đốt và giá điện để bảo vệ người tiêu dùng trước các tác động của những đợt tăng giá nhiên liệu. Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết, nước này sẽ tạm dừng việc tăng giá khí đốt và hoãn kế hoạch tăng giá điện dự kiến vào tháng 2/2022 để giảm gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng. Trước đó, Chính phủ Pháp thông báo sẽ hỗ trợ mỗi gia đình một phiếu mua nhiên liệu trị giá 100 euro (115,79 USD) để giúp 5,8 triệu hộ gia đình giảm bớt chi phí hóa đơn năng lượng đang ngày càng tăng cao. 

Chính phủ Tây Ban Nha cũng thông qua một gói biện pháp khẩn cấp nhằm giảm giá điện sinh hoạt. Theo đó, Chính phủ Tây Ban Nha chuyển khoảng 2,6 tỷ euro (3,07 tỷ USD) lợi nhuận của các công ty năng lượng đến người tiêu dùng trong 6 tháng tới. Cùng với việc “chuyển hướng” lợi nhuận của các công ty năng lượng, Chính phủ Tây Ban Nha sẽ bán đấu giá thêm hạn ngạch phát thải carbon trong năm nay. Số tiền thu được ước tính 900 triệu euro sẽ được sử dụng để giảm hóa đơn điện cho người tiêu dùng. Ngoài ra, thuế tiêu thụ điện đặc biệt được giảm từ mức 5,1% xuống 0,5% cho đến cuối năm nay và tiếp tục tạm ngừng đánh thuế 7% đối với sản xuất điện cho đến tháng 1/2022. 

Nhiều nước thành viên EU đã kêu gọi đánh giá lại thị trường khí đốt và điện năng của châu lục này nhằm đưa ra phản ứng phối hợp cấp độ khu vực. Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire và Bộ trưởng Môi trường Barbara Pompili của Pháp cho rằng, EC cần tiến hành đánh giá kỹ lưỡng thị trường điện ở châu Âu và có các biện pháp giúp ổn định giá. Ngoài ra, Pháp kêu gọi EU đa dạng hóa nguồn cung ứng năng lượng và nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của các nước xuất khẩu khí đốt.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) kêu gọi Nga cung cấp thêm khí đốt tự nhiên cho châu Âu nhằm bảo đảm lượng dự trữ để chuẩn bị cho mùa đông tới, giúp giảm nhẹ cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Nga vừa hoàn thành xây dựng tuyến đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2” dài 1.230 km chạy từ Nga sang Đức dưới đáy biển Baltic, với công suất 55 tỷ m3 khí mỗi năm. “Dòng chảy phương Bắc 2” trị giá 11 tỷ USD, cùng với tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc hiện nay đi qua biển Baltic, sẽ cho phép Nga vận chuyển khí đốt tới châu Âu mà không phải trung chuyển qua Ukraine. Tuy nhiên, dự án này bị Ukraine và Ba Lan phản đối, trong khi Đức và Áo ủng hộ.

Năng lượng được xem như “mạch máu” của nền kinh tế. Bởi vậy, đánh giá lại thị trường khí đốt và điện năng, gia tăng nguồn cung và điều tiết, trợ giá năng lượng hợp lý là những biện pháp quan trọng giúp châu Âu “giải bài toán năng lượng” trong thời gian tới.