Nghề đánh bắt hải sản trên lưng ngựa

Tại làng chài nhỏ Oostduinkerke, miền tây nước Bỉ, ngư dân cưỡi ngựa chạy dọc bờ biển để giăng lưới đánh bắt tôm, cá khi thủy triều xuống. Đây là một trong số rất ít nơi trên thế giới vẫn sử dụng kỹ thuật có từ thế kỷ 15 này, dù đến nay, một phần hoạt động là nhằm biểu diễn phục vụ du khách và duy trì truyền thống địa phương. 

Nele Bekaert - nữ ngư dân cưỡi ngựa duy nhất của làng Oostduinkerke. Ảnh: REUTERS
Nele Bekaert - nữ ngư dân cưỡi ngựa duy nhất của làng Oostduinkerke. Ảnh: REUTERS

Thay vì dùng thuyền bè, ngư dân dùng sức ngựa để kéo lưới đánh cá dọc vùng nước nông của bờ biển Oostduinkerke. Trước và sau khi thủy triều xuống, đây là môi trường sống tự nhiên của tôm tép và nhiều loài cá, cua nhỏ, vì vậy việc kéo lưới nhờ sức ngựa từng phát huy hiệu quả. Trong nhiều thế kỷ trước, ngư dân một số vùng miền bắc nước Pháp, Hà Lan và miền nam nước Anh đã sử dụng phương pháp này, song hiện nay chỉ còn khoảng 15 ngư dân trong làng Oostduinkerke còn tiếp tục thực hiện. 

Năm 2013, phương pháp độc đáo này đã được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của LHQ (UNESCO) ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Kể từ đó,  việc duy trì hoạt động còn có ý nghĩa nhằm bảo tồn một truyền thống sắp mai một. Trong số các gia đình ở Oostduinkerke tham gia hoạt động này, mỗi hộ đều có một nhiệm vụ riêng, chẳng hạn một vài hộ phụ trách dệt lưới, một hộ chăm sóc và nuôi nấng bầy ngựa đi biển. 

Giống ngựa đi biển ở làng Oostduinkerke thuộc nòi Brabant mạnh mẽ, cân nặng mỗi con có thể lên tới hơn một tấn. Thông thường, cứ hai lần một tuần trừ trong những tháng mùa đông, đàn ngựa lại ra bờ biển cùng ngư dân. Chúng chạy qua vùng cát ẩm tới tận vùng nước sâu nơi sóng đánh khá mạnh. Ngư dân điều khiển cho ngựa chạy song song bờ biển để kéo tấm lưới hình phễu cào qua đáy, khiến tôm cá nhảy vào lưới. Tôm thu về được cho vào chiếc giỏ treo ở hai bên lưng ngựa. “Sau những chuyến ra bờ biển, tôi và chú ngựa của mình hình thành một mối dây gắn kết đặc biệt. Những con ngựa cũng học cách giữ được bình tĩnh và hòa mình với tự nhiên”, chị Nele Bekaert - nữ ngư dân cưỡi ngựa duy nhất của làng Oostduinkerke cho biết.

Theo hồ sơ của UNESCO, hoạt động đánh bắt hải sản bằng ngựa ở Oostduinkerke ghi nhận ngư dân phải có “hiểu biết về biển và dải cát nơi đánh bắt”, cùng kỹ thuật thuần dưỡng và chăm sóc, đối đãi tử tế với bầy ngựa đi biển. Đây được xem là những tố chất thiết yếu của những người làm nghề đánh bắt tôm, cá trên lưng ngựa. “Truyền thống này mang lại cho cộng đồng ý thức mạnh mẽ về bản sắc tập thể và đóng vai trò trung tâm trong các sự kiện văn hóa, xã hội ở địa phương, trong đó có “Lễ hội tôm” kéo dài hai ngày”, theo UNESCO.

“Lễ hội tôm” thu hút hơn 10.000 du khách mỗi năm. Dân làng phải chuẩn bị trước đó nhiều tháng để dựng kiệu, tập dượt cho các hoạt động văn nghệ đường phố và thiết kế trang phục. Lễ hội bao gồm màn diễu hành và các cuộc thi đua, với sự tham gia của hàng trăm trẻ em, qua đó cũng truyền cho các em tình yêu và hiểu biết về nghề truyền thống của quê hương. Theo chị Bekaert, chị và chồng đang đào tạo cậu con trai 12 tuổi của họ tiếp nối nghề truyền thống và hy vọng sẽ trở thành gia đình đánh bắt hải sản có ba thành viên đầu tiên ở làng. “Khi hai con gái sinh đôi lớn hơn, tôi cũng mong các con sẽ dành tình yêu và tiếp nối truyền thống gia đình”, Bekaert chia sẻ. 

Trong những lần cưỡi ngựa đi biển hiện nay, ngư dân tự tay phân loại tôm tại bãi biển, chỉ vớt những con lớn và trả lại những con nhỏ hơn về biển để chúng có thể phục hồi số lượng. Dân làng cũng cho biết họ kéo phải ngày càng nhiều rác thải nhựa. “Chúng tôi thấy số lượng tôm đang giảm dần hằng năm. Ngày nay chúng tôi bắt gặp rất nhiều nhựa. Có lẽ đây sẽ là vấn đề lớn hơn trong những năm tới”, một ngư dân cho biết. 

Ở Oostduinkerke, những bức tượng của các “ngư dân kỵ mã” được đặt rải rác dọc bờ biển và trên đường phố như một cách thể hiện sự tôn vinh đối với truyền thống đã tồn tại hơn 500 năm qua. Hình ảnh những ngư dân cưỡi ngựa cũng xuất hiện trong các bức tranh, đồ trang trí, quà lưu niệm... Dân làng hết sức tự hào về nghề truyền thống, dù ngày nay phương pháp cũ này phần lớn đã được thay thế bằng đánh bắt thương mại xa bờ.