Hồi chuông báo động

Giữa tháng 4 vừa qua, trận mưa lớn kéo dài ở miền đông nam Nam Phi đã gây hậu quả nghiêm trọng, khiến toàn bộ hệ thống cầu đường trong khu vực bị phá hỏng, cướp đi sinh mạng của gần 450 người, hàng nghìn người bị mất nhà cửa và nơi này phải đối diện nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm quy mô lớn. 

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại Nam Phi. Ảnh: GETTY
Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại Nam Phi. Ảnh: GETTY

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã gọi đây là một thảm họa từ hiện tượng nóng lên toàn cầu. Thời gian qua, châu Phi là châu lục ít gây ô nhiễm nhưng lại là nơi chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Những người nghèo sống trong các khu định cư tạm bợ ngay trên các hẻm núi dốc chung quanh khu vực Durban thường xuyên phải hứng chịu sự tàn phá kinh hoàng của lũ lụt. Hầu hết khu vực này đều không có hệ thống thoát nước và những căn lều mỏng manh gần như không có đủ khả năng chống chịu lũ. 

Các nhà khoa học của tổ chức nghiên cứu các hiện tượng thời tiết cực đoan World Weather Attribution (WWA) cho rằng, tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ ngày càng rõ ràng trên khắp châu Phi. Trong tương lai gần, hàng chục triệu người sẽ phải đối diện nguy cơ hạn hán ở khu vực Sahel và phía đông châu Phi. Trong khi đó, các bờ biển phía nam của “lục địa đen” cũng sẽ hứng chịu những trận mưa bão dữ dội với tần suất dày đặc hơn so hiện tại. 

Trong một báo cáo mô phỏng dựa trên so sánh lượng mưa trước và sau thời kỳ công nghiệp, các nhà khoa học của WWA kết luận, quá trình nóng lên toàn cầu có thể làm tăng tần suất và cường độ mưa. Như vậy, nếu nhiệt độ toàn cầu vẫn không ngừng tăng lên, những trận mưa lớn như vừa qua sẽ có thể tái diễn trong tương lai với tần suất ngày càng lớn. 

Tuy nhiên, trước cảnh báo trên, nhiều quốc gia châu Phi được cho là không có sự chuẩn bị cho những thảm họa như vậy. Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể góp phần gây ra bất ổn trên khắp châu lục.