Đội bóng “xanh” nhất hành tinh

Là “CLB bóng đá ăn chay” duy nhất trên thế giới, Forest Green Rovers (FGR) ở Anh được FIFA trao tên gọi “Đội bóng xanh nhất hành tinh”. FGR đang từng bước chứng minh cho thế giới thấy sự hiệu quả của việc gắn lối sống xanh với thi đấu thể thao chuyên nghiệp.

Thực phẩm chay là điều kiện bắt buộc đối với CLB Forest Green Rovers. Ảnh: GETTY
Thực phẩm chay là điều kiện bắt buộc đối với CLB Forest Green Rovers. Ảnh: GETTY

Năm 2010 được xem là bước ngoặt lớn đối với FGR, CLB bóng đá hơn 120 tuổi tại thị trấn nhỏ Nailsworth ở miền tây nước Anh, khi phải đối mặt nguy cơ xuống hạng và đóng cửa. Dale Vince, một nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng bền vững, tiếp quản FGR và quyết định vực dậy CLB thông qua một chiến lược lạ lùng: từng bước “phủ xanh” đội bóng này. Ban đầu, Chủ tịch Dale Vince chỉ cấm CLB sử dụng các loại thịt đỏ. Tới năm 2015, Dale Vince ra quy định, các cầu thủ hoặc là chọn ăn chay hoặc là rời CLB. Cổ động viên cũng bị cấm mang đồ ăn chế biến từ thịt động vật vào sân. Dĩ nhiên, quyết định của Dale Vince vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, bởi trong quan niệm của nhiều người chỉ có thịt động vật mới đáp ứng đủ năng lượng cho các vận động viên bóng đá. Hơn nữa, ăn bánh mì kẹp thịt dường như trở thành thói quen từ lâu của nhiều cổ động viên Anh khi tới sân.

Trả lời phỏng vấn trang tin UN News của LHQ, Chủ tịch Dale Vince cho biết, sân New Lawn của FGR được vận hành bởi 100% năng lượng xanh từ các tấm pin năng lượng mặt trời. Các trạm sạc xe điện được bố trí trong bãi đỗ xe dành cho người hâm mộ. Trong khi đó, cỏ trên sân được trồng hoàn toàn hữu cơ, không dùng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. FGR cũng là đội bóng đầu tiên ở Anh sử dụng robot chạy bằng năng lượng mặt trời kết hợp công nghệ GPS dẫn đường để cắt cỏ. CLB thậm chí còn tích trữ nước mưa để tưới cho cỏ trên sân mà không dùng nước máy. 

FGR trở thành đội bóng đá đầu tiên trên thế giới được LHQ trao “chứng nhận xanh” vì những nỗ lực trung hòa carbon. Khán giả dần hiểu được thông điệp xanh của FGR và tới cổ vũ nhiều hơn, trong khi doanh số thức ăn chay bán ra tại sân tăng gấp nhiều lần. Tình cảm đối với đội bóng yêu thích tác động tích cực tới lối sống của đông đảo người hâm mộ. Nhiều cổ động viên của FGR chia sẻ với Dale Vince rằng, họ và gia đình đã ăn chay hoặc ăn chay trường, sử dụng ô-tô điện và lắp pin mặt trời trên mái nhà mình. Nhờ lối sống xanh, từ một đội bóng thi đấu tại League Two - giải đấu cấp độ thứ 4 trong hệ thống thi đấu bóng đá chuyên nghiệp của Anh, FGR trở nên nổi tiếng toàn thế giới. Nhiều người quan tâm đến môi trường đã trở thành những người hâm mộ của FGR vì quan điểm sống xanh của đội.

Các CLB thể thao trên thế giới những năm gần đây cũng dành nhiều quan tâm và có các động thái tích cực ủng hộ xu hướng phát triển xanh và bền vững. Các đội bóng lớn như Real Madrid (Tây Ban Nha) và Bayern Munich (Đức) từng thi đấu trong trang phục tái chế từ rác thải đại dương. Chelsea (Anh) là đội đầu tiên tại Premier League có các quầy phục vụ đồ ăn chay. Không ít vận động viên, người hâm mộ thể thao trên thế giới ủng hộ lối sống xanh và ăn thuần chay. Tuy nhiên, đạt tới mức độ “xanh” như FGR thì chưa CLB nào trên thế giới làm được. Lộ trình phát triển tiếp theo của FGR là xây dựng một công viên sinh thái, với sân vận động bóng đá làm hoàn toàn từ gỗ với lượng khí thải carbon thấp nhất trên thế giới. Không chỉ đơn thuần là một sân vận động và sân tập bóng đá, dự án còn là một tổ hợp phát triển bền vững rộng 100 mẫu Anh, gồm cả một khu kinh doanh công nghệ xanh, một công viên được xây dựng từ việc phục hồi khu vực đất ngập nước. 

Sau khi FGR với tư cách là một CLB tương đối nhỏ “ghi bàn” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bốn CLB thi đấu tại giải Premier League của Anh và một số CLB lớn ở châu Âu đã tham gia Sáng kiến ​​hành động vì khí hậu của LHQ, nhằm kêu gọi cộng đồng thể thao toàn cầu cùng hành động để bảo vệ môi trường và ứng phó những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.