Bảo tồn nghề dệt sari truyền thống

Từng là một trong những niềm tự hào của người Ấn Độ, song nghề dệt sari thủ công truyền thống đang có nguy cơ mai một do quá trình công nghiệp hóa và sự cạnh tranh từ các loại hàng nhập khẩu giá rẻ.

Một thợ dệt sari thủ công ở Varanasi. Ảnh: AFP
Một thợ dệt sari thủ công ở Varanasi. Ảnh: AFP

Trong căn phòng tối tăm gần bờ sông Hằng, cánh tay nghệ nhân Mohammad Sirajuddin (65 tuổi) đang lướt trên khung cửi gỗ ọp ẹp để gỡ những sợi tơ nhiều mầu bị rối. Ông Sirajuddin là nghệ nhân lâu đời dệt sari, trang phục truyền thống được các cô dâu Ấn Độ ưa chuộng và thường được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một bảo vật gia truyền của dòng họ. Nghệ nhân này cho biết: “Nếu dạo quanh toàn bộ khu phố này, bạn sẽ thấy đây là ngôi nhà duy nhất có hàng thủ công. Sau khi tôi qua đời, có lẽ không ai trong ngôi nhà này tiếp tục dệt vải thủ công nữa”. 

Theo ông Sirajuddin, những người thợ dệt thủ công của thành phố Varanasi đã tạo dựng được danh tiếng trên khắp thế giới qua nhiều thế kỷ với các mẫu sari phức tạp. Các sản phẩm sari thượng hạng có giá khá cao, khoảng 30.000 rupee/bộ, song sau khi trừ chi phí đầu vào và hoa hồng cho các khâu trung gian, số tiền mà người thợ dệt nhận về chỉ còn rất ít. “So công sáng tạo ra một bộ sari, lợi nhuận thu được là không đáng kể”, ông Mohammad Sirajuddin chia sẻ. Đó là lý do nghề thủ công dệt sari dần mai một. “Hầu hết xưởng lân cận đều đã chuyển sang sử dụng máy dệt chạy bằng điện để cho ra những bộ sari với giá chỉ bằng một phần ba so sari dệt thủ công. Thời gian cũng rút ngắn hơn rất nhiều, song những sản phẩm mới không thể tinh tế bằng hàng dệt thủ công được”.

Theo Al Jazeera, các loại vải mỏng để dệt sari của Ấn Độ từng được giới thượng lưu châu Âu đánh giá cao từ thế kỷ 18. Trong những năm qua, quá trình toàn cầu hóa và công nghiệp hóa đã khiến ngành thương mại dệt may của Ấn Độ phải hứng chịu những biến động bất ngờ và khốc liệt. Những loại vải dệt nhiều mầu sắc được làm từ máy móc có giá thành rẻ hơn được nhập khẩu đã làm suy yếu thị trường hàng dệt tay. Người dân Ấn Độ đã dần chuyển sang dùng loại hàng này thay vì vải dệt tay thủ công truyền thống.

Cựu chính trị gia Jaya Jaitly, người đã viết cuốn sách “Dệt may của Varanasi” cho biết: “Sợi và vải của nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, tràn vào khắp mọi ngóc ngách của Ấn Độ. Với khả năng sản xuất số lượng sản phẩm lớn với giá rất thấp của hàng nhập khẩu, các sản phẩm sari dệt tay dường như không còn có khả năng cạnh tranh”.  

Không chỉ bị ảnh hưởng vì công nghiệp hóa và hàng nhập khẩu giá rẻ, ngành dệt may thủ công sari cũng bị tác động nặng nề do đại dịch Covid-19 trong hai năm qua. Dù quá trình bình thường mới đã được thiết lập tại Ấn Độ, song sau đại dịch, nền kinh tế suy giảm khiến nhiều nghệ nhân dệt sari bị mất việc làm và hoặc không có khách hàng trong một thời gian dài. “Đại dịch đã khiến những người thợ dệt phải chịu đựng nhiều. Họ không được trả mức giá phù hợp cho sản phẩm của mình và các khoản thanh toán cũng đến muộn hơn”, Mohammad Shahid, một chủ cửa hàng sari địa phương cho biết.

Cửa hàng của anh Shahid đã vắng khách kể từ trước đại dịch, song trong hai năm gần đây, số lượng khách hàng lại càng một ít đi. Dù vậy, Shahid vẫn hy vọng rằng những khách hàng “sành sỏi”, biết giá trị đích thực của sari dệt tay truyền thống sẽ quay trở lại, đặc biệt là lượng khách quốc tế khi Ấn Độ mở cửa du lịch.

Trong khi đó, bà Jaitly cũng kêu gọi Chính phủ Ấn Độ nên có những chính sách phù hợp để bảo vệ quyền lợi cho các nghệ nhân dệt địa phương, qua đó bảo tồn truyền thống thủ công đang đứng trước nguy cơ mai một. Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi có số lượng lớn nhất các chủng loại thủ công, kỹ thuật, kỹ năng… nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Tôi nghĩ đó thật sự là một truyền thống đáng tự hào”. Bà cũng khẳng định, lượng sari thủ công bán ra có thể giảm nhưng  giá trị của nghề làm sari thủ công sẽ không bao giờ mất đi.