Nói “không” với động vật hoang dã

Theo ý kiến của các đại biểu tham gia tọa đàm trực tuyến “Chấm dứt buôn bán động vật hoang dã, hành động của Việt Nam?” do Trung tâm Hành động Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) cùng các đối tác vừa tổ chức, Việt Nam không thiếu khuôn khổ pháp luật bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) nhưng việc thực thi vẫn còn nhiều bất cập.

Các sản phẩm từ động vật hoang dã vẫn được kinh doanh tại nhiều nơi ở nước ta. Ảnh: CHANGE
Các sản phẩm từ động vật hoang dã vẫn được kinh doanh tại nhiều nơi ở nước ta. Ảnh: CHANGE

Những con số ám ảnh

Xếp vị trí thứ 16 trong số những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới, nhưng nhiều năm trở lại đây, Việt Nam lại trở thành “điểm nóng” về buôn bán, tiêu thụ ĐVHD. Điều này khiến số lượng các loại ĐVHD tại nước ta giảm từ nhóm 10 xuống vị thứ 32. Thông tin từ CHANGE và tổ chức Cứu trợ hoang dã (WildAid) cho hay, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam không chỉ là một trong những quốc gia tiêu thụ ĐVHD hàng đầu mà còn là điểm trung chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép xuyên quốc gia. Vào ngày 23-12-2019, Cục Hải quan Hải Phòng đã phát hiện và thu giữ hơn hai tấn ngà voi và vảy tê tê có nguồn gốc châu Phi, được cất giấu trong container gỗ. Trước đó, ngày 23-5-2019, Hải quan Việt Nam đã tìm thấy 5,3 tấn vảy tê tê được giấu trong container hạt điều vận chuyển từ Nigeria về cảng quốc tế Cái Mép. Còn ngày 23-7-2019, các nhà chức trách Singapore đã tịch thu được 8,8 tấn ngà voi và 11,9 tấn vảy tê tê đang trên đường vận chuyển tới Việt Nam từ châu Phi. Tình hình buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trong nước cũng diễn biến hết sức phức tạp.

Nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề trên, từ nhiều năm nay, Chính phủ đã đầu tư các nguồn lực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn, xử lý hành vi săn bắn, buôn bán và tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật. Cùng việc tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài ĐVHD nguy cấp (Công ước CITES) và Công ước Đa dạng sinh học (CBD) vào năm 1994, Việt Nam đã và đang thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về bảo vệ các loài ĐVHD và đa dạng sinh học.

Khung pháp lý không thiếu và đủ các mức hình phạt, nhưng thực tế đáng buồn là đến nay tình trạng mua bán, tiêu thụ ĐVHD tại Việt Nam vẫn không giảm mà còn có dấu hiệu tăng. Phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm, ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách phát triển bền vững cho rằng, trước khi nói về khung pháp lý, cần nhìn lại một vấn đề liên quan đến yếu tố kinh tế: “Các quy định hiện nay về ĐVHD ở nước ta khá chặt chẽ nhưng không hiểu tại sao các thị trường ĐVHD, chợ đồ tươi sống vẫn còn rất nhộn nhịp và nhiều vấn đề vẫn bị bỏ qua. Theo tôi, vấn đề nằm ở nguồn lợi kinh tế từ ĐVHD. Nguồn thu quá lớn nên người ta đã bỏ qua hàng rào pháp lý. Do vậy, cần xem xét siết chặt việc thực thi các khung pháp lý hiện hành, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề tham nhũng liên quan mua bán, tiêu thụ ĐVHD”, ông Bách lý giải.

Cần cả cộng đồng chung tay

Khi cả thế giới đang chung tay chống dịch Covid-19, một liên minh mang tên “Chấm dứt buôn bán động vật hoang dã” đã được thành lập để kêu gọi chấm dứt vĩnh viễn việc kinh doanh và buôn bán ĐVHD. Liên minh này mong muốn thu thập hơn 1.000.000 chữ ký ủng hộ Tuyên bố chấm dứt hoạt động thương mại và chấm dứt nạn buôn bán ĐVHD để gửi tới chính phủ các quốc gia. Tuyên bố này đã nhận được sự ủng hộ của hàng trăm tổ chức bảo tồn và bảo vệ ĐVHD trên toàn cầu, cũng như các nhà khoa học, nghệ sĩ nổi tiếng, chính trị gia và cả giới doanh nghiệp.

Mới đây, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cùng 9 tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và ĐVHD đã cùng ký và gửi bức thư ngỏ lên Thủ tướng kiến nghị chỉ đạo đóng cửa các chợ, địa điểm buôn bán ĐVHD bất hợp pháp nhằm ngăn dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Ngay sau đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ, ban, ngành liên quan khẩn trương soạn thảo chỉ thị của Thủ tướng về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ ĐVHD.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc CHANGE nhận định, việc ban hành một chỉ thị nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ ĐVHD trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cấp thiết. Theo bà, cần có giải pháp phù hợp văn hóa, lối sống của người Việt nhưng vẫn đủ tính răn đe để ngăn chặn tất cả hành vi mua bán ĐVHD ở các chợ tươi sống này. “Quan trọng nhất là cách thức tuyên truyền làm sao lan tỏa được đến mọi người. Chúng tôi đang dùng nhiều cách khác nhau để truyền tải thông điệp đến những nhóm đối tượng khác nhau để có những đóng góp thiết thực cho chỉ thị”, bà Hồng cho biết thêm.