Gương mẫu học tập Bác Hồ

Nhìn lại 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong Hội nghị toàn quốc sơ kết đánh giá những kết quả thực hiện tổ chức ngày 12-6 vừa qua, bên cạnh những thành quả đạt được, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận xét rất thẳng thắn, rằng có những nơi còn làm theo kiểu hình thức, có những việc còn lúng túng.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, việc học tập và làm theo Bác là để áp dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo vào các mặt công tác, lao động, sản xuất, chứ không phải để báo cáo, khoe ra những cái tốt đẹp mà những hạn chế, thiếu sót lại giấu đi. Một thí dụ sinh động trong lời dạy của Bác Hồ năm xưa được dẫn lại, ngắn gọn mà bao quát, sâu sắc: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị của đồng chí Tổng Bí thư cũng yêu cầu một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đó là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ, đòi hỏi trước hết ở những người là đảng viên, cán bộ, là lãnh đạo. Mục đích là để phục vụ nhân dân cho tốt, cho hiệu quả. Bởi rõ ràng, vai trò người cán bộ lãnh đạo có tác động rất lớn đến tình hình công tác và sự phát triển của đơn vị, tập thể, có ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động của cộng đồng. 

Liên hệ trực tiếp đến quá trình triển khai, thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương cao cả mà gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể thấy rằng, chính quan điểm, suy nghĩ, phương pháp tổ chức thực hiện và cả phong cách, lối sống của đội ngũ đảng viên, cán bộ, lãnh đạo, sẽ có ảnh hưởng quan trọng. Nếu đội ngũ quản lý, lãnh đạo ở một số cơ quan, địa phương, cơ sở nào đó coi đây chỉ là hình thức, là việc làm cho có, hoặc thậm chí là miễn cưỡng, thì cấp dưới cũng chỉ thực hiện, triển khai một cách đối phó. Nếu chú trọng, sát sao và triển khai một cách chân thành, nghiêm túc, vì sự bồi đắp, hoàn chỉnh đạo đức, tư cách người đảng viên, người cán bộ, lãnh đạo trong công vụ, trong đời sống, thì hẳn rằng, tập thể cũng coi đó như một tấm gương, mỗi cá nhân trong tập thể cũng có thể coi đó như một lời nhắc nhở với chính mình để cùng học tập Bác Hồ, học tập lẫn nhau cho tốt. 

Rút kinh nghiệm về những kết quả đạt được cũng như những vấn đề cần thay đổi trong quá trình thực hiện chỉ thị, trong giai đoạn tiếp theo, để tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, vấn đề thực hành gương mẫu trong học tập, làm theo Bác Hồ cũng như hiệu quả tổ chức triển khai của đội ngũ đảng viên, cán bộ, lãnh đạo, cần được coi là một mục tiêu lớn. Cũng như, cần đề cao và tạo cơ chế cho việc nâng cao vai trò giám sát của tập thể, của quần chúng nhân dân đối với đảng viên, cán bộ, người lãnh đạo. Sự thuyết phục, tin cậy trong quần chúng về năng lực, tác phong, lối sống, đạo đức của những con người đó, cũng chính là điều kiện quan trọng để củng cố mối đoàn kết, huy động sức mạnh tập thể, cộng đồng cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, phát triển văn hóa, con người trong bối cảnh mới để  hiện thực hóa khát vọng xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng.