Theo CNN, ngành công nghiệp thời trang thế giới tạo ra doanh thu hàng nghìn tỷ USD mỗi năm lại là một trong những tác nhân lớn gây ô nhiễm môi trường. Không chỉ chiếm 10% lượng khí thải carbon toàn cầu, ngành công nghiệp này còn gây ra ô nhiễm chất thải khi phần lớn hàng dệt may không được tái chế mà sẽ đốt hoặc đưa đến bãi chôn lấp.
Nhận thấy vấn đề đó, Algaeing - một công ty khởi nghiệp tại Israel, đã phát triển loại vải dệt từ tảo biển có khả năng phân hủy sinh học, không độc hại và sử dụng ít năng lượng. Tảo và rong biển được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp, từ thực phẩm, dược phẩm cho đến nhiên liệu sinh học do nhóm sinh vật thủy sinh này được xem như nguồn nguyên liệu bền vững. Renana Krebs, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Công ty Algaeing, cũng sớm nhận thấy tiềm năng trong việc ứng dụng tảo biển vào ngành may mặc.
Tảo được trồng trong các “trang trại thẳng đứng” chạy bằng năng lượng mặt trời. Đồng nghĩa với việc quá trình sản xuất tảo không chiếm đất nông nghiệp, không sử dụng phân bón và không thải ra carbon. Bằng công thức độc quyền, Algaeing chuyển tảo về dạng lỏng có thể được sử dụng làm thuốc nhuộm hay sợi dệt khi kết hợp với cellulose, một loại sợi thực vật. Hiện tại, tuy các loại sợi dệt làm từ tảo vẫn đắt hơn các loại sợi thông thường như bông, nhưng Krebs tin rằng, tập trung làm ra sản phẩm bền vững sẽ góp phần gia tăng giá trị cho thương hiệu này.
Algaeing đã nhận giải thưởng “Thay đổi toàn cầu” của Quỹ H&M vào năm 2018 và được ghi nhận công sức trong việc làm nổi bật một nguồn nguyên liệu tiềm năng của các loại sợi dệt tương lai. Trong 5 năm qua, nhận thức về tính bền vững trong thời trang đang đi lên và điều này được cho là sẽ thu hút các nhà đầu tư mới, với nền tảng đa dạng về công nghệ, khoa học vật liệu và hóa sinh, cho ra đời những sáng kiến xanh tương tự.