Bảo tồn nghệ thuật giấy hanji

Do có kỹ thuật làm phức tạp, giấy truyền thống hanji của Hàn Quốc đang dần trở nên mai một trong đời sống của người dân. Một nghệ nhân người Hàn Quốc đang nỗ lực gìn giữ nghệ thuật này qua việc tạo ra các bức phù điêu làm từ giấy hanji.
0:00 / 0:00
0:00
Một nghệ nhân làm giấy hanji tại Hàn Quốc. Ảnh: KOREA TIMES
Một nghệ nhân làm giấy hanji tại Hàn Quốc. Ảnh: KOREA TIMES

Với thành phần chính là mặt trong của vỏ cây dâu tằm và chất nhầy từ rễ của cây bụp mì (thục quỳ vàng), giấy hanji thường được sản xuất qua ít nhất sáu bước. Khi hoàn thành, sản phẩm có bề mặt mềm mại và không thấm nước, với chất sợi bền và dai. Do không dễ rách, giấy hanji từng có nhiều ứng dụng trong đời sống của người Hàn Quốc cổ đại, như làm giấy viết, giấy dán tường, tấm che khung cửa, áo giáp… Nhờ việc giới quý tộc thời xưa thường dùng giấy hanji để ghi chép, nhiều tài liệu cổ của Hàn Quốc vẫn được bảo quản tương đối nguyên vẹn tới ngày nay. Song, hiện chỉ còn khoảng 20 xưởng sản xuất giấy hanji chất lượng cao ở nước này.

Năm 20 tuổi, ông Lee Seung-chul (hiện 59 tuổi và là Giáo sư tại Trường đại học Nữ sinh Dongduk) bắt đầu có niềm đam mê với giấy hanji sau khi phát hiện công dụng của chất liệu này trong hội họa phương Đông. Kể từ đó, ông quyết tâm nâng cao nhận thức của công chúng về nghệ thuật hanji thông qua nhiều hoạt động, sau đó quyết định thành lập nhà máy sản xuất giấy hanji của riêng mình. Tuy vậy, việc kinh doanh của ông đã không thành công khi vào thập niên 80 và 90 thế kỷ trước, người Hàn Quốc ưa chuộng loại giấy thô mỏng hwaseonji hơn giấy hanji.

Không bỏ cuộc, ông Lee tiếp tục tìm cách tiếp cận mới mẻ hơn cho việc bảo tồn văn hóa hanji. Theo đó, ông dùng chính chất liệu này để tạo nên những bức phù điêu phỏng theo hình dáng các đồ vật trong nhà của người Hàn Quốc. Nỗ lực ấy đã khiến ông trở thành một nghệ nhân hanji thực thụ, được biết đến rộng rãi thông qua những bài thuyết giảng về nghệ thuật này tại các hội thảo và bảo tàng ở châu Âu. Năm 2012, ông tổng hợp vốn hiểu biết của mình về giấy hanji thành cuốn sách “Hanji: Mọi thứ bạn cần biết về giấy truyền thống Hàn Quốc”, sau này được dịch sang tiếng Anh.

Theo Korea Times, tháng 2/2023, triển lãm “In Life and Hanji” (tạm dịch là “Đời sống và Nghệ thuật Hanji”) của ông Lee đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc ở Italy, trong đó trưng bày các tác phẩm phù điêu tiêu biểu như tượng Chúa Jesus, Bandaji (tủ để đựng quần áo), giá sách, Đức mẹ đồng trinh hay Văn Thù Bồ Tát. Mỗi tác phẩm đều phản ánh sự giao thoa nhuần nhuyễn giữa văn hóa và tôn giáo phương Đông với phương Tây, mang đến cho người xem trải nghiệm độc đáo về phức cảm của người nghệ sĩ. Cũng trong thời gian này, ông cùng GS Riccardo Ajossa đã tổ chức một hội nghị chuyên đề về giấy và thuốc nhuộm tự nhiên của Hàn Quốc cho 100 sinh viên của Trường đại học Mỹ thuật quốc gia ở Thủ đô Rome, Italy.

“Bởi giấy hanji gần như không còn cần thiết trong đời sống hiện đại, cách duy nhất để bảo tồn chúng là thông qua nghệ thuật. Tôi muốn trao cho giấy hanji một cuộc đời mới trong dòng chảy lịch sử và truyền thống”, ông Lee cho biết. Theo ông, một trong những cách hiệu quả để bảo vệ văn hóa hanji là tăng cường sử dụng chất liệu này cho việc sản xuất các tài liệu và sổ tay thông tin của chính phủ. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảng dạy về nghệ thuật hanji trong trường học, đồng thời cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, các nghệ nhân và chuyên gia trong ngành để quảng bá hanji như một di sản văn hóa đặc biệt của Hàn Quốc.

Bên cạnh là một nghệ nhân hanji, ông Lee còn là một nhà sưu tầm sách về văn hóa Hàn Quốc do người phương Tây viết khi họ tìm hiểu về quốc gia này từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20. Tới nay, ông đã sưu tầm được khoảng 1.350 cuốn sách. Từ ngày 15/3 đến 22/4/2023, triển lãm dành riêng để giới thiệu những cuốn sách quý của ông diễn ra tại Tuần lễ châu Á ở New York (Mỹ). Ở Los Angeles và Washington, ông Lee Seung-chul sẽ tiếp tục tổ chức các triển lãm về giấy hanji.