Hồi bé, ngày nào cũng lật những tờ lịch xé lên để đếm đến Tết, chỉ thấy mẹ bảo còn hơn 20 ngày nữa là sẽ có hoa đào và áo mới mà thấy mong ngóng, bồn chồn như nhà chuẩn bị có hội. Nhưng Tết vẫn thích nhất là được ăn bánh chưng thỏa thích vì 365 ngày mới được ăn bánh chưng mẹ tự gói, bằng chính hạt gạo nhà trồng, thịt lợn nhà nuôi. Bao năm qua, vẫn cái vị bánh ấy, không thay đổi, dù được ăn quanh năm ngày tháng nhưng bánh của nhà vẫn là ngon nhất. Khẩu vị mỗi người một khác, nhưng chuẩn nhất vẫn là loại gạo nếp cái hoa vàng thuần chủng trồng trên đồng bằng phù sa. Dòng sông Đuống đã bồi đắp phù sa cho những hạt thóc ở quê tôi vị dẻo thơm đặc trưng để người ta thổi xôi, làm bánh, nấu rượu ngon nức tiếng cả một vùng.
Nhà cô bạn tôi, đã sinh sống ở ngay trung tâm Hà Nội gần nửa thế kỷ, phố nhỏ, ngõ chật và những lo toan, bộn bề quanh năm suốt tháng, nhưng đến ngày Tết thì vẫn tập trung lại để cùng gói bánh chưng. Lá dong, gạo nếp, đỗ, thịt và những thứ khác được giao cho một người đi mua rồi mang về cùng làm. Ngày 28, 29 âm lịch, cái góc nhỏ ở đầu ngõ rộn ràng tiếng cười nói của trẻ con và người lớn. Có hơn 10 nhà, luộc ba nồi bánh to là đủ mỗi nhà vài chiếc bánh ngon. Không phải vì người ta sợ tốn tiền mua bánh, mà cũng chẳng phải vì chê bánh ở hiệu không ngon, mà vì ai cũng muốn được ngửi cái mùi lá dong thơm lừng ở trong cái nồi nước sôi ùng ục bên ánh lửa có mùi củi cháy thân thương. Luộc bánh chưng là để còn thấy Tết đúng nghĩa cổ truyền, Tết của tình thân xóm giềng.
Giờ ăn uống chẳng thiếu gì nên ngày Tết, bánh chưng không “đắt hàng” như xưa kia. Nhưng cái bánh chưng do nhà tự gói, tự luộc, bắt đầu từ khâu chọn gạo, rửa lá, đãi đỗ mang chở niềm ấm áp và trân trọng tình cảm gia đình. Nhà tôi, mấy chục năm qua vẫn gói bánh chưng. Từ thời cơ hàn, mới chỉ nhìn thấy mẹ vo gạo, đãi đỗ là chảy nước miếng. Bố chẻ củi còn chị em chúng tôi giúp mẹ bắc nồi, nhóm bếp, mong cho bánh nhanh chín để được ăn. Tết chẳng có nhiều đồ ăn như bây giờ, cả nhà có một thúng bánh chưng đầy, tính cả đỗ, cả gạo cũng gần 10 cân mà ăn vài ngày đã hết.
Giờ ăn bánh chưng quanh năm, thích thì lại tự nấu, thèm ăn thì ra hàng quán là có ngay, không cần phải đợi đến Tết như xưa. Nhưng chỉ thấy bánh chưng Tết là ngon nhất vì có vị thơm đặc trưng của ngày Tết thiêng liêng. Đĩa bánh chưng xanh mướt, thơm thơm mùi gạo, mùi lá dong được đặt trên mâm cỗ Tết, nhìn đã thấy ngon mắt và hấp dẫn khứu giác thì lại càng ngon miệng rồi. Mỗi nhà có một khẩu vị riêng, còn tôi chỉ thích nhất bánh chưng mẹ làm. Nhiều nhà thường gói khuôn cho đẹp mắt nhưng tôi thì thích ăn bánh mẹ gói bằng tay, ăn mềm mà vẫn rền, dẻo mà không bị chặt cứng như bánh gói khuôn. Bánh gói tay của mẹ mà cũng vuông sắc cạnh như dùng khuôn, cả một nồi bánh cái nào cũng giống cái nào. Bánh luộc chín, vớt ra, rửa sạch với nước nguội rồi nén dưới cối đá khoảng một giờ là ngon. Đỗ xanh ngon nhất là loại còn nguyên vỏ, mua ở chợ về ngâm đãi thì mới đậm đà chứ không nhạt nhẽo như loại đã tách vỏ, chỉ được cái nhanh tiện. Thịt lợn phải là loại ba chỉ, có cả nạc và mỡ để khi nấu nhừ lên thì quyện vào đỗ vừa béo, bùi. Loại này hầu như ai cũng thích ăn, chứ không khô như loại thịt nguyên nạc hoặc thịt toàn mỡ béo ngấy. Miếng thịt thái dày vừa, vuông bằng lòng bàn tay người lớn là được, ướp chút bột nêm và hạt tiêu là đủ. Ăn bánh chưng ít đỗ quá thì nhạt nhẽo mà nhiều đỗ quá thì lại bị khô nên bao năm rồi mẹ tôi vẫn gói tỷ lệ hai bát gạo, một bát đỗ là hợp khẩu vị cả nhà.
Giờ, các gia đình ăn ít đi nhưng vẫn có gói một nồi bánh chưng cho ngày Tết, ít thôi nhưng mang nhiều ý nghĩa. Các gia đình ở khu phố hay ngõ xóm cùng làm bánh, vừa vui, lại đầm ấm. Bao công sức bỏ ra cho một nồi bánh, có cả tâm huyết và tình yêu quê hương, yêu gia đình, làng xóm, cả tình thương yêu dành cho những người làm ra hạt lúa gạo thì mới cảm nhận được cái vị bánh chưng ngày Tết thơm ngon đặc biệt hơn tất cả. Cái mùi củi cháy, mùi thơm của lá dong với tiếng sôi ùng ùng, tiếng lép bép của tro than làm cho cái lạnh của miền bắc không còn buốt giá mà ấm cúng, ngọt ngào. Phải ở quê, phải ở trong không khí gia đình những ngày cuối năm mới thấy được Tết có giá trị tinh thần to lớn vô cùng. Những người xa xứ, những người nghèo đói, bất hạnh sẽ rất thiệt thòi nếu không được tận hưởng một cái Tết gia đình thân thương ấy.
Cuộc sống giờ bận rộn mà cái ăn cũng đầy đủ nên các gia đình trẻ thường đặt mua bánh chưng giao tận nhà. Vài ba chiếc bánh, chẳng đáng bao tiền, thắp hương xong rồi ăn vài ngày Tết cũng không hết. Nhưng Tết sẽ mất đi nhiều ý nghĩa nếu thiếu mùi luộc bánh chưng thơm lừng trên cái bếp đỏ lửa cháy rực trong không khí sum họp hạnh phúc.