Là quốc gia sản xuất nông nghiệp, nhưng hơn 60% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam lại phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Chỉ tính riêng bảy tháng năm 2022, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam đã phải chi tới gần 3,7 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu. Trong đó, chi gần 2,7 tỷ USD để nhập ngô và đậu tương. Brazil, Mỹ và Canada là ba thị trường cung cấp đậu tương chính cho Việt Nam trong nửa đầu năm 2022, với 99,2% thị phần.
Xuất khẩu tháng 7/2022 đã đem về 970 triệu USD, tăng 14% so cùng kỳ năm 2021, điểm sáng của bức tranh xuất khẩu Việt Nam, song ngành thủy sản đang cho thấy dấu hiệu chững lại. Một trong những nguyên nhân hàng đầu do giá thức ăn chăn nuôi tăng "phi mã". Trong khi giá thành sản phẩm lại có xu hướng giảm, thì thức ăn chăn nuôi cho tôm và cá tra, cá basa tăng trung bình 20% sau dịch. Chi phí thức ăn chiếm 65-70% chi phí sản xuất, khiến cho giá thành sản phẩm tăng, kéo theo giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh thủy sản, hàng nghìn hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng lâm vào cảnh khốn đốn, không dám tái đàn, đành phải "treo chuồng"… chờ, đặc biệt là chăn nuôi lợn.
Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đã ký kết các đơn hàng đến hết quý III/2022, thậm chí đến hết năm. Để hoàn thành giao hàng theo các đơn đã ký, buộc các doanh nghiệp phải đẩy nhanh sản xuất, nhưng nguyên phụ liệu luôn là nỗi lo của các doanh nghiệp ngành dệt may khi phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc.
Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành, Tổng công ty May 10 hiện đã có đơn hàng đến hết tháng 9/2022, riêng với mặt hàng veston đã có đơn hàng đến cuối năm; thế nhưng May 10 đang đối mặt nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Với 50% nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi nước này áp dụng chính sách Zero Covid, việc thiếu nguyên liệu ngay trong ngắn hạn và chi phí tăng cao đang hiện hữu. "Dù chi phí tăng cao, giá bán sản phẩm sẽ khó tăng, hoặc nếu tăng thì cũng không thể theo được tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào. Đặc biệt, việc thiếu nguyên phụ liệu trong ngắn hạn sẽ khiến các doanh nghiệp khó khăn khi đáp ứng đơn hàng cho đối tác", Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt chia sẻ.
Ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu cũng lâm vào cảnh tương tự. Năm 2021, giá nguyên liệu gỗ tăng khoảng 20%; từ đầu năm 2022 đến nay, tiếp tục tăng thêm 20%. Chỉ từ năm ngoái đến năm nay, giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu tăng thêm 40%. Giải pháp được tính tới đó là gia tăng sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước. Vậy nhưng, do nhu cầu sản xuất dăm gỗ và viên nén tăng, dẫn đến giá thu mua tăng cao, nên hiện nay hơn 30% chủ rừng có xu hướng chặt non (rừng trồng mới chỉ 3-4 tuổi).
Dù có nhiều thuận lợi để tăng trưởng doanh thu (như: việc Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh chính về sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường đang thực hiện chính sách Zero Covid sẽ thúc đẩy sự chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam, thị trường trong nước có thể cũng phục hồi nhờ sự "ấm" lên từ thị trường bất động sản nhà ở…), tuy nhiên, bức tranh tăng trưởng của ngành sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu Việt Nam từ nay đến cuối năm được dự báo không mấy khả quan.
Một khảo sát nhanh của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cùng Tổ chức Forest Trends về tình hình tăng giảm doanh thu xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành gỗ trong quý II/2022 cho thấy, khoảng 44% số doanh nghiệp cho rằng, với tình hình thị trường như hiện nay, nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 40% trong cả năm 2022.
Câu chuyện phụ thuộc quá lớn ở yếu tố đầu vào cũng xảy ra với ngành điện tử - ngành nhiều triển vọng, đang tích cực kêu gọi đầu tư từ nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã và sẽ đầu tư như: Samsung, Intel, Apple, Canon, LG,... nhưng hiện tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, chỉ khoảng 5-10%. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện bảy tháng năm 2022 vọt lên 50 tỷ USD, tăng hơn 25% so cùng kỳ năm ngoái, đưa nhập siêu nhóm hàng này vượt 18 tỷ USD…
Phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, gặp khó khăn khi giá nguyên liệu bất ổn, dường như là tình cảnh chung của rất nhiều ngành sản xuất trong nước. Các nguyên liệu mà Việt Nam thiếu lại là thế mạnh của các nước Nam Mỹ và Bắc Mỹ, những khu vực này đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Giá nhiên liệu xăng, dầu tăng cao. Căng thẳng xung đột giữa Nga-Ukraine khiến việc giao thương và hệ thống logistics gặp khó khăn. Đặc biệt, Trung Quốc, thị trường cung ứng nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam… được cho là những nguyên nhân chính khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Nguồn cung, giá cả nguyên phụ liệu nhập khẩu bất ổn không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam trong dài hạn.
Để giải "bài toán" tự chủ đầu vào, theo các chuyên gia, trước mắt cần phát huy vai trò các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong việc tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên, phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ, sắt thép... Về lâu dài, cần nâng cao tính tự chủ của nền công nghiệp thông qua việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng để khắc phục những hạn chế do phụ thuộc nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu. Việc tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là vấn đề cốt lõi, nhằm giảm sự phụ thuộc nguồn nhập khẩu, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.