- Thưa ông, để giúp người dân ra nước ngoài làm việc thuận lợi không phải qua nhiều nấc trung gian, hoặc bị "cò" lừa gạt, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tham mưu, xây dựng quy định, chính sách gì?
- Cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương luôn chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật, thông tin tuyên truyền về chính sách và quy định trong lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên nhiều kênh thông tin như truyền hình, đài phát thanh, báo điện tử và báo viết. Thêm nữa, còn có nhiều hình thức như tập huấn, hội thảo, tọa đàm về chính sách pháp luật, cung cấp ấn phẩm tuyên truyền về chính sách pháp luật, sổ tay hỏi đáp.
Chúng tôi cũng tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp dịch vụ với các cơ quan, chính quyền địa phương, với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc cung cấp thông tin, tư vấn, giáo dục định hướng, ngoại ngữ, tuyển chọn và đào tạo người lao động.
- Bên cạnh các thị trường truyền thống, việc mở rộng, tìm kiếm cơ hội tại các thị trường lao động có mức thu nhập cao, ổn định được coi là một trọng tâm của hoạt động xuất khẩu lao động những năm gần đây. Xin ông cho biết về triển vọng của hướng đi này?
- Hiện có khoảng 600.000 lao động Việt Nam làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với nhiều loại hình ngành nghề công việc như sản xuất chế tạo (cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử...), xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ (chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc trong gia đình). Đại bộ phận người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong các ngành nghề phù hợp, điều kiện làm việc tốt, thu nhập cao và ổn định. Một số thị trường truyền thống, tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam gồm: Đài Loan (Trung Quốc) với khoảng 230.000 người; Nhật Bản với khoảng 250.000 người; Hàn Quốc với gần 50.000 người.
Những năm qua, chúng tôi tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt, an toàn và có trình độ khoa học-công nghệ phát triển để qua đó đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động.
Song song với việc duy trì và phát triển thị phần tại các thị trường truyền thống, có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam sang làm việc, thời gian qua, chúng tôi đã đàm phán và thống nhất về nguyên tắc với một số quốc gia tiềm năng, có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài (trong đó có lao động Việt Nam) ở những ngành nghề phù hợp, có thu nhập cao như Israel, Australia, Đức và một số quốc gia châu Âu.
Trình độ người lao động cần được nâng lên. Ảnh: Cục Quản lý lao động ngoài nước |
- Về tình trạng người lao động bị bạo hành, quỵt lương, xin ông cho biết, cơ quan chức năng đã làm gì để giúp đỡ, bảo vệ và nâng cao vị thế của người lao động Việt Nam ở nước ngoài?
- Theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, hỗ trợ, giải quyết vấn đề phát sinh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi.
Ngoài tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, pháp luật cho người lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước định kỳ tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lãnh đạo và nhân viên nghiệp vụ của doanh nghiệp dịch vụ về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, việc hỗ trợ, giải quyết các vấn đề phát sinh trong các trường hợp tranh chấp về tiền lương, việc làm, điều kiện làm việc...
Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp dịch vụ trong việc hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh đối với người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài; phối hợp cơ quan chức năng nước ngoài giải quyết vụ việc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Cục cũng kiến nghị cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cục cũng chỉ đạo các Ban Quản lý lao động thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại các thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Saudi Arabia... và phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại các nước tiếp nhận lao động hỗ trợ, giải quyết các vấn đề phát sinh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động làm việc tại địa bàn.
- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 20/2021/TT-BLĐTBXH, ngày 15/12/2021, quy định Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Được xem là biện pháp giúp quản lý người lao động Việt Nam ở nước ngoài, hoạt động của hệ thống này đến nay như thế nào, thưa ông?
- Hệ thống đã cập nhật, lưu trữ, khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thực hiện trực tuyến các nghiệp vụ trong lĩnh vực này. Cơ sở dữ liệu cũng nhằm quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng mã số lao động. Ngoài ra đây cũng là nơi các doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép có thể đăng ký số lượng, quản lý hoạt động xuất cảnh, kịp thời phản ánh và phối hợp khắc phục các sự cố phát sinh.
- Trong tầm nhìn dài hạn, theo ông, cần có thêm những giải pháp nào để thị trường xuất khẩu lao động phát triển bền vững?
- Cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về nhu cầu thị trường lao động ngoài nước, các điều kiện, tiêu chuẩn đối với người lao động về trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, sức khỏe, về tiền lương, thu nhập, chi phí đi làm việc ở nước ngoài để định hướng cho người lao động chủ động tìm hiểu, nâng cao năng lực, khả năng đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động ngoài nước.
Tăng cường hoạt động phối hợp với cơ quan hữu quan, đối tác tại những thị trường truyền thống tiếp nhận lao động Việt Nam như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… để mở rộng thị phần và số lượng tiếp nhận cũng như tăng cường hoạt động trao đổi, hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ tiềm năng, có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam trong những ngành nghề phù hợp và thu nhập tốt.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã hợp tác với các tổ chức quốc tế, chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) thành lập Văn phòng Thông tin di cư (MRC) tại Hà Nội và tại các tỉnh, thành phố có nhiều lao động làm việc ở nước ngoài nhằm cung cấp thông tin trực tiếp cho người lao động. Từ đó, giúp nâng cao nhận thức trong cộng đồng và các bên liên quan về di cư an toàn và nguy cơ của di cư lao động trái phép để hạn chế tình trạng lao động vi phạm quy định.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!