Bài học hóa giải xung đột từ Đan Mạch

Là một trong những nước đứng đầu thế giới về sản xuất năng lượng gió, Đan Mạch hiện có tới 47,2% lượng điện năng được sản xuất từ năng lượng gió. Đây là cơ sở để quốc gia này tự tin đưa ra cam kết hoàn toàn không sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phát điện từ năm 2050.
0:00 / 0:00
0:00
Đan Mạch hiện có tới 47,2% lượng điện năng được sản xuất từ năng lượng gió.
Đan Mạch hiện có tới 47,2% lượng điện năng được sản xuất từ năng lượng gió.

Mục tiêu tham vọng

Cũng như nhiều quốc gia công nghiệp khác, Đan Mạch từng phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch; phải nhập khẩu rất nhiều than đá, dầu, khí. Tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế và giá nhiên liệu leo thang, thúc đẩy quyết tâm của Chính phủ Đan Mạch tìm kiếm các nguồn năng lượng mới. Giai đoạn từ 1976-1990, nước này thực hiện nhiều chính sách bảo đảm an ninh năng lượng, với mục tiêu giảm phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch và hạn chế tác động làm biến đổi khí hậu.

Năm 1985, quốc gia này quyết định, trong chiến lược năng lượng, xóa bỏ các kế hoạch sản xuất điện hạt nhân và thay vì theo đuổi các nguồn năng lượng truyền thống, tập trung vào năng lượng thay thế. Năm 1991, Đan Mạch bắt đầu xây dựng những trang trại điện gió quy mô lớn, đầu tiên trên thế giới. Kể từ đó, quốc gia vùng Scandinavia này tiếp tục xây dựng các trang trại gió ngoài khơi, không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng của người dân, năng lượng thay thế còn được xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Năng lượng gió Đan Mạch, điện gió ở quốc gia này được Chính phủ và những nhà tiên phong tìm kiếm nguồn năng lượng bền vững thúc đẩy phát triển. Nhờ vào việc đưa ra những chính sách tốt nhất, Đan Mạch có thể hoàn thành mục tiêu, đến năm 2050 trở thành nền kinh tế không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Hiện nay, Đan Mạch không chỉ là trung tâm sản xuất, thử nghiệm và nghiên cứu, mà còn là trung tâm giáo dục về năng lượng gió. Các tổ chức giáo dục hợp tác chặt chẽ với các công ty để thúc đẩy việc đào tạo nguồn lao động có kỹ thuật cao, có tư duy sử dụng năng lượng tiết kiệm. Thông qua đào tạo có mục tiêu, thiết thực, ngành công nghiệp điện gió đề ra các mục tiêu quan trọng, phấn đấu tăng thêm khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.

Chính các mục tiêu nhất quán, dài hạn của Đan Mạch đã tạo nền tảng cho hợp tác công-tư, và nhờ đó, các công ty Đan Mạch có được môi trường ổn định để ra được những quyết định đầu tư dài hạn. Các kế hoạch của chính phủ đã nhận được sự đồng thuận của các hiệp hội, người dân, cũng như khoảng 450 công ty phân phối năng lượng và nhiều công ty đầu tư trong lĩnh vực xây dựng. Trong danh mục đầu tư của các công ty này đều đưa ra nhiều giải pháp về hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải, không khí sạch, các tòa nhà và thành phố bền vững.

Lấy cộng đồng làm trung tâm

Để khuyến khích đầu tư vào năng lượng gió, Chính phủ Đan Mạch có quy định cho phép người dân được đóng cổ phần và cùng hưởng lợi tại các doanh nghiệp, hoặc chính người dân có thể tham gia vào các hợp tác xã điện gió. Từ đó, nhiều hộ gia đình có thể góp vốn để xây dựng một hoặc nhiều turbine gió. Với tư cách là người đồng sở hữu, những người dân này có quyền đưa ra quyết định đầu tư và đàm phán điều khoản với các nhà khai thác mạng lưới điện lớn hơn.

Được thành lập vào năm 1997, Hợp tác xã Turbine gió Middelgrunden trở thành biểu tượng cho phương pháp tiếp cận năng lượng tái tạo lấy cộng đồng làm trung tâm. Người dân đã góp 23 triệu euro để cùng xây dựng 20 turbine ngoài khơi thành phố Copenhagen. Ngay từ đầu, họ tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng, lắp đặt và được nhận về một khoản lợi nhuận tốt hơn nhiều so việc để tiền trong ngân hàng.

Từ mô hình của Middelgrunden, hàng loạt hợp tác xã khác đã nhanh chóng làm theo. Năm 2011, Chính phủ Đan Mạch ra quyết định các trang trại điện gió mới phải có ít nhất 20% thuộc sở hữu của cộng đồng. Cách tiếp cận lấy cộng đồng làm trung tâm đưa Đan Mạch tới vị trí một trong những nước tiên phong của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Theo các chuyên gia, đây không chỉ là một cách để mọi người tham gia việc tạo ra năng lượng sạch, mà còn là một cách tuyệt vời để tránh những xung đột đôi khi nảy sinh khi các dự án được xây dựng gần nơi người dân sinh sống.

Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng gió, Đan Mạch đang tích cực hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Bà Lin Lawell, Trường Kinh tế và Quản lý Ứng dụng Charles H. Dyson (Đại học Cornell) cho hay: "Chính sách được thiết kế tốt chính là sự khích lệ quan trọng cho các ngành công nghiệp non trẻ như năng lượng tái tạo và những ngành cần phát triển công nghệ. Điều đó mang lại lợi ích rất lớn cho môi trường toàn cầu".