Bắc nhịp cầu từ phòng thí nghiệm

Vào giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước, các nhà khoa học trong nước đã xây dựng nền móng vững chắc cho công nghệ sinh học, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, khi chuyển từ giai đoạn thuần túy ứng dụng sang sáng tạo công nghệ, khoảng cách từ nghiên cứu đến thực tế lại ngày một xa.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm tra sự sinh trưởng của cây tại Phòng thí nghiệm nuôi cấy mô thực vật, Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh
Kiểm tra sự sinh trưởng của cây tại Phòng thí nghiệm nuôi cấy mô thực vật, Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh

Từ thuần túy ứng dụng

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng chất lượng cao và bền vững, ứng dụng công nghệ sinh học được coi là công cụ vô cùng quan trọng. Tại Việt Nam, nhiều đề án, chương trình về công nghệ sinh học cấp quốc gia và ở các bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp đã được triển khai thực hiện, tập trung vào những mục tiêu chính như: Tạo ra các giống mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; tạo ra các công nghệ sản xuất, chế phẩm chăm sóc và bảo vệ cây trồng, vật nuôi; công nghệ bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Công tác nghiên cứu và triển khai cũng đem lại hiệu quả rõ rệt. Có thể kể đến phương pháp nuôi cấy mô giúp tạo ra cây giống với sản lượng và chất lượng đồng đều, kháng sâu bệnh,… Nhiều chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học được ứng dụng rộng rãi như NPV, V-Bt để trừ sâu khoang, sâu xanh hại rau, màu, bông, đay, thuốc lá. Chế phẩm vi khuẩn huỳnh quang (Pseudomonas fluorescens) phòng trừ bệnh hại rễ cà-phê, vải thiều, lạc,…

Vậy nhưng, GS, TS Lê Huy Hàm, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ nông nghiệp, Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, lại chia sẻ nỗi lo: "Ngày trước, khi nguồn kinh phí còn khó khăn, Việt Nam đã thành công tạo nên một nền móng vững chắc trong ngành nông nghiệp. Thế nhưng, khi bước dần vào giai đoạn sáng tạo công nghệ hiện nay, chúng ta lại chậm hơn, loay hoay trong việc tìm những hướng đi mới!".

Ðến sáng tạo công nghệ

Lý giải cho vấn đề này, trước hết đến từ quy định, quy chế dành cho các nhiệm kỳ đề tài khoa học. Hiện nay, quy định khung thời gian dành cho các đề án là từ ba đến 5 năm đang gây áp lực không nhỏ cho các nhà khoa học. Thí dụ, để tạo ra một giống cam hay xoài mới… cần trung bình từ bảy đến 10 năm để chọn lọc, lai tạo, hoàn toàn vượt ra ngoài khung thời gian công trình nghiên cứu do Bộ Khoa học và Công nghệ, hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép.

Tiếp đến, vấn đề thiếu nguồn kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên tại các viện nghiên cứu cũng gây ảnh hưởng không nhỏ. GS, TS Lê Huy Hàm nhận định: "Mức lương tại các viện nghiên cứu rất thấp. Để có thể bảo đảm cuộc sống, nhiều người buộc phải kiếm tiền bằng những nghề khác. Tuy nhiên, khoa học là ngành đòi hỏi mức độ tập trung và toàn tâm toàn ý với công việc". Như thời điểm xảy ra dịch tả lợn châu Phi, nguồn kinh phí của các dự án mới được triển khai đến các viện nghiên cứu để tìm hiểu, sản xuất ra thuốc hay vaccine. Điều này tạo nên độ trễ, gây nên thiệt hại lớn hơn cho ngành nông nghiệp.

Đối với mọi công trình nghiên cứu, mục đích cuối cùng vẫn là sản phẩm phải được ứng dụng vào đời sống. Nếu các nhà khoa học không có thời gian và kinh phí nghiên cứu thực địa, rất khó để thiết lập một đề tài phù hợp và có tính ứng dụng cao. Trong khi, vẫn tồn tại nhiều rào cản khiến doanh nghiệp đắn đo trong việc phối hợp hay liên kết với các viện nghiên cứu.

Thực tế, các doanh nghiệp đều muốn tận dụng nguồn cơ sở vật chất và nhân lực của các viện công lập để nghiên cứu giải quyết các vấn đề chung. Tuy nhiên, các chính sách hiện hành chưa tạo cơ hội thuận lợi cho sự phối hợp này. Thủ tục khó khăn, quy định quyền sở hữu bản quyền nghiên cứu chưa rõ ràng… Bên cạnh việc thiếu đi sự đồng hành của doanh nghiệp, Việt Nam cũng đang mất dần sự hỗ trợ từ các viện nghiên cứu quốc tế, bởi thiếu các nguồn vốn đầu tư đối ứng, hoặc các chính sách hỗ trợ thuế, thị thực dành cho các nghiên cứu viên là người nước ngoài.

Cuối cùng, để có thể bắc nhịp cầu đưa nghiên cứu từ phòng thí nghiệm đến được thực tế, cần có sự điều chỉnh, bổ sung toàn diện cả về cơ chế, chính sách cho các cơ sở nghiên cứu cũng như đối với các nhà khoa học.