Trải mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc ta, thời nào cũng vậy, đã xuất hiện biết bao anh hùng hào kiệt với những áng hùng văn và danh ngôn lưu giữ muôn đời.
Hai Bà Trưng (năm 40) phất cờ khởi nghĩa, với tuyên ngôn: Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin lập lại nghiệp xưa Vua Hùng…
Bà Triệu (năm 248) tỏ rõ chí khí: Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Ðông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta.
Vua Lý Thái Tổ (năm 1010), với Chiếu dời đô, có tầm nhìn xa, trông rộng: Ðại La (tức Thăng Long sau này) "được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi", "thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời".
Lý Thường Kiệt (năm 1077) với bài thơ thần "Nam quốc sơn hà", khẳng định chủ quyền của đất nước: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách trời/ Cớ sao lũ giặc dám xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!
Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn, với Hịch Tướng sĩ, bày tỏ tâm can: "Ta từng tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, nước mắt đầm đìa, ruột đau như cắt…".
Vua Lê Lợi và Nguyễn Trãi, với Bình ngô đại cáo, đã tuyên: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, Quân điếu phạt trước lo trừ bạo". Và "Xã tắc do đó vững bền/ Non sông từ đây đổi mới".
Vua Quang Trung Nguyễn Huệ (năm 1789) trước khi tiến vào Thăng Long đại phá quân Thanh, đã tuyên bố đanh thép: "Ðánh cho để dài tóc. Ðánh cho để đen răng. Ðánh cho nó chích luân bất phản. Ðánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Ðánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ".
Buổi đầu chống Pháp, vua Hàm Nghi xuống Chiếu Cần Vương: "Thế nước loạn ly, ta khoanh tay mà nhìn sao được". Thủ lĩnh kháng Pháp ở Nam kỳ Nguyễn Trung Trực rất khí phách: Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây.
Thủ lĩnh Quốc dân Ðảng Nguyễn Thái Học, sau thất bại của Khởi nghĩa Yên Bái (năm 1930), bị đưa lên máy chém vẫn hô to: "Việt Nam vạn tuế", với lời nói trước đó "Không thành công thì cũng thành nhân".
Năm 1930 đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của cách mạng nước ta: Ðảng Cộng sản Việt Nam được thành lập.
Là người sáng lập và rèn luyện Ðảng ta, cũng là người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lãnh tụ tối cao của dân tộc, Bác Hồ là hiện thân của cuộc chiến đấu và chiến thắng của nhân dân ta. Qua những quyết sách chiến lược, những lời tuyên bố hay lời kêu gọi vào những thời điểm lịch sử, kể cả những bài báo hay lời nói dung dị thường dùng của Người, ta đều thấy thần thái của những danh ngôn bất hủ.
Có thể đơn cử vài thí dụ:
Tháng 2-1930, qua Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, Người viết: Hội An Nam Thanh niên cách mạng do chúng tôi tổ chức từ năm 1925. Có thể nói rằng, nó là quả trứng mà từ đó, nở ra con chim cộng sản (Ðảng Cộng sản).
Tháng 5 năm 1941, Hội nghị Trung ương 8 do Bác Hồ chủ trì, xác định: Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được…
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cán bộ chiến sĩ trên đường đi công tác, Tuyên Quang (1951). Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát
Thời kỳ tiền khởi nghĩa, Bác nói: "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".
Ngày 2-9-1945, Bác đọc Tuyên ngôn độc lập: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".
Trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (tháng 12-1946), Bác nói:
"Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!".
Trong Lời kêu gọi đánh thắng giặc Mỹ (17-7-1966), Bác nói:
Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Ðến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Về tình hình đất nước bị chia cắt bởi quân xâm lược, Bác tuyên bố: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một". "Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi".
Về Ðảng, Bác nói:
"Trước hết phải có Ðảng cách mệnh". "Ðảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy" (Ðường Kách mệnh).
Ðảng lấy dân làm gốc, Ðảng cầm quyền nhưng dân làm chủ. Ngoài lợi ích của giai cấp, dân tộc, Ðảng không có quyền lợi riêng của mình. Ðảng không ở trên dân mà cũng không ở ngoài dân.
Báo cáo Chính trị tại Ðại hội II của Ðảng (tháng 2-1951), Bác nêu rõ: "Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Ðảng Lao động Việt Nam là Ðảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Ðảng của dân tộc Việt Nam".
Về Nhà nước, Bác nói:
"Dân như nước, mình như cá". Nhà nước là vì dân. Do đó, "việc gì có lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh".
Về kháng chiến và công tác địch vận, theo lời Bác, Ðánh mà thắng địch là giỏi, không đánh mà thắng càng giỏi hơn. Không đánh mà thắng là nhờ ở địch vận.
Về chăm lo cho đời sống của nhân dân, Bác căn dặn: "nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì". "Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập, khi mà dân được ăn no mặc đủ".
Về đạo đức cách mạng, Bác có mấy câu thơ đi vào lòng người:
Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu,
Ðông.
Ðất có bốn phương: Ðông, Tây,
Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm,
Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành
trời.
Thiếu một phương, thì không
thành đất.
Thiếu một đức, thì không thành
người.
Bác nói: Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Ðời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc. Và: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất".
Có những câu nói dân gian, nhưng khi Bác nhắc lại trong những hoàn cảnh đặc biệt thì ai cũng tưởng đó là danh ngôn:
Dễ mười lần không dân cũng chịu,
Khó trăm lần dân liệu cũng xong
Với thanh niên, Bác nói:
Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Ðào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên.
Nói đến đạo đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính, tôi bỗng nhớ đến một câu chuyện cũ. Năm 1946, có một nhà văn là Ủy viên thường trực Ban vận động Ðời sống mới đến gặp Hồ Chủ tịch để xin ý kiến Người về nội dung cuộc vận động. Bác Hồ nói nên vận động nhân dân thực hiện mấy chữ Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
- Thưa cụ, mấy chữ ấy rất hay, nhưng nghe có vẻ cổ. Cụ có thể thay bằng những chữ khác không ạ?
- Thế cơm ông cha ta đã từng ăn hàng ngàn năm trước, hiện nay chú và tôi hàng ngày vẫn ăn, chú thấy có cổ không? Không khí ông cha đã từng hít thở, ngày nay chúng ta vẫn tiếp tục hít thở, chú thấy có cổ không?
Nhắc lại câu chuyện cũ ấy, tôi liên tưởng đến cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà Ðảng ta đang tiến hành. Những lời căn dặn có tính danh ngôn của Bác mãi mãi là kim chỉ nam cho Ðảng ta, cho mỗi người đảng viên, mỗi cán bộ để chèo lái, phát triển đất nước vững bền.
Tháng 5-2020