Áp lực giao thông chưa giảm

Những năm gần đây, ùn tắc giao thông trở thành nỗi ám ảnh của người dân Thủ đô mỗi khi ra đường. Mặc dù thành phố đã áp dụng nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này, song dường như áp lực từ giao thông vẫn chưa giảm mà ngày càng nặng nề hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Ùn tắc giao thông vẫn là bài toán khó giải ở Thủ đô.
Ùn tắc giao thông vẫn là bài toán khó giải ở Thủ đô.

Tắc vẫn hoàn tắc

Hằng ngày phải di chuyển hàng chục km qua rất nhiều điểm tắc nghẽn mới đến được cơ quan, anh Nguyễn Văn Linh (khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai) cho biết, dù hạ tầng giao thông thành phố được cải thiện khá nhiều so trước đây, nhưng chưa theo kịp tốc độ tăng của các loại phương tiện. Chỉ hai chục năm trước, nơi đây vẫn còn là khu đô thị vắng vẻ, chính quyền phải treo biển “đề phòng cướp giật”, thì nay đường phố đã có sự đổi thay chóng mặt. Mặc dù đã có thêm những cây cầu vượt sông, vượt hồ, có đường trên cao nhưng tình trạng tắc nghẽn giao thông vẫn thường xảy ra.

Ở phía đông thành phố, từ đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) qua cầu Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) tình trạng giao thông cũng không khá hơn là mấy. Hằng ngày, một lượng lớn phương tiện di chuyển qua cầu Chương Dương khiến khu vực này thường xuyên bị quá tải, và chỉ cần một sự cố nhỏ thôi là cả tuyến đường bị kẹt cứng. Đặc biệt, mỗi khi trời đổ mưa lớn là người dân Thủ đô lại vướng vào “ma trận” ùn tắc khi mà mọi hướng di chuyển đều dồn chân tại chỗ. Những tuyến đường như Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Láng, Nguyễn Xiển, Tây Sơn… càng mở rộng bao nhiêu thì tình trạng ùn tắc lại càng nặng nề bấy nhiêu, tình trạng xe máy leo lên cả vỉa hè để tìm lối đi riêng không phải là hiếm. Tại những nút giao lớn như Trần Khát Chân-Nguyễn Khoái, Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến, đường Tố Hữu-Lê Văn Lương, Xuân Thủy-Cầu Giấy; Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi, Ngã Tư Sở-Trường Chinh, Đại La… chẳng biết từ bao giờ đã trở thành nỗi ám ảnh của người đi đường.

Sau thời gian dài “chôn chân” ở nhà vì dịch bệnh, khi các hoạt động xã hội trở lại bình thường, dịch vụ du lịch phục hồi thì nhà nhà, người người đổ ra đường, đi du lịch hay về quê như một cách bù lại cho những ngày tù túng. Điều này gián tiếp khiến lưu lượng phương tiện giao thông trên các tuyến đường tăng đột biến, từ cửa ngõ Thủ đô cho đến mọi ngóc ngách trong phố, có nhiều đoạn, nút giao thông luôn ùn ứ dù không phải vào giờ cao điểm. “Giờ đây người dân đổ ra đường còn đông hơn cả trước khi có dịch bệnh. Muốn tránh tắc đường phải ra khỏi nhà từ sớm, chứ muộn hơn chút là “dính” tắc đường rồi chôn chân trên đường hàng giờ đồng hồ mới đến được cơ quan”, anh Hải, quận Hà Đông chia sẻ.

Xóa điểm cũ, phát sinh điểm mới

Với những nỗ lực giảm ùn tắc giao thông bằng nhiều giải pháp, TP Hà Nội và ngành chức năng đã giải quyết được một số điểm nóng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Năm 2021, toàn thành phố đã xóa được 10/37 điểm đen ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, sau đó lại phát sinh thêm tám điểm ùn tắc giao thông mới. Để giải quyết các điểm, nút giao phức tạp, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang nỗ lực đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn. Trong năm 2022, thành phố cần giải quyết 35 điểm đen về ùn tắc còn tồn tại.

Hiện nay, để xử lý các tình huống ùn tắc giao thông, nhất là khi trời mưa, úng ngập, kỳ nghỉ lễ, lực lượng chức năng phải “căng mình” phân luồng, hướng dẫn giao thông. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp tình thế chứ chưa chữa được căn nguyên của căn bệnh nan giải này ở Thủ đô. Sau ba năm triển khai thực hiện Nghị quyết 12/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã đạt được những kết quả quan trọng, tai nạn giao thông hằng năm tiếp tục giảm ở cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương… Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập, hạn chế trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn, chống ùn tắc giao thông. Tình trạng tai nạn giao thông tuy có giảm nhưng còn diễn biến phức tạp, số người thương vong do tai nạn giao thông gây ra còn ở mức cao. Tại các trục giao thông chính, đầu mối giao thông trọng điểm, các đô thị loại 1 như Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…, tình trạng tắc nghẽn kéo dài tuy được hạn chế nhưng chưa bền vững, vẫn có xu hướng lan rộng cả không gian và thời gian. Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường từ hoạt động của phương tiện giao thông cơ giới vẫn là bài toán khó giải, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của nhân dân.