Áo xanh ấm áp nghĩa tình

NDO - Ðoàn công tác của Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam lên Hà Giang, đúng vào lúc tiết trời trở lạnh. Sương mù, mưa phùn, đường trơn trượt, khó đi. Tham gia cùng Ðoàn là các bác sĩ Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam trong Chương trình  ra quân "Tình nguyện Mùa đông năm 2012", với chủ đề "Thanh niên hành động vì an sinh xã hội". Ðây cũng là một trong những việc làm thiết thực chào mừng Ðại hội Ðoàn toàn quốc lần thứ X và Ðại hội Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam toàn quốc lần thứ hai.
Bác sĩ tình nguyện khám bệnh cho trẻ em vùng cao.
Bác sĩ tình nguyện khám bệnh cho trẻ em vùng cao.

Ngăn chặn bệnh tật

Yên Minh là một trong sáu huyện vùng cao nghèo của tỉnh, nằm cách thành phố Hà Giang 100km về phía đông bắc. Huyện có 284 thôn, bản với gần 16 nghìn hộ, 16 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, trong đó người Mông chiếm hơn một phần hai.

Vượt cung đường hiểm trở của vùng cao nguyên đá, gần 12 giờ đồng hồ, chúng tôi mới đến trung tâm huyện. Kế hoạch được chuẩn bị từ mấy tháng trước, nên khi đoàn đến, đã thấy đông đảo bà con các dân tộc thiểu số đến đợi khám bệnh. Các bác sĩ Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ tỉnh Hà Giang đã kê bàn ghế thành những "khoa", "buồng" khám bệnh riêng biệt. Trong không khí khẩn trương, đội thanh niên tình nguyện Huyện Ðoàn Yên Minh mỗi người một việc, phân công từng nhóm, từng bộ phận theo công việc, chức năng, nhiệm vụ của các thành viên trong đoàn: hướng dẫn bà con lấy số theo thứ tự rồi đến từng bàn khám bệnh, phát thuốc, tư vấn, tặng quà,...

Bế cô con gái mới 18 tháng tuổi trên tay sau chuyến đi dài, chị Hoàng Thị Thiệu, 26 tuổi, dân tộc Dao, xã Na Khê, cho biết: "Gùi" con trên lưng, đi bộ, lội suối, băng rừng hơn hai tiếng đồng hồ mới tới được nơi đây. Mấy hôm nay, chẳng hiểu sao cháu cứ ăn vào lại nôn, đêm nào cũng quấy khóc. Mình muốn đưa con tới bệnh viện huyện để  "xem cái bệnh", nhưng nhà nghèo quá, không có tiền, đành chịu. Nghe tin có đoàn bác sĩ về khám bệnh miễn phí, mình đưa con tới đây nhờ các bác sĩ khám xem cháu bị bệnh gì. Có chữa được không?". Bà Hoàng Thị Vinh, 74 tuổi, dân tộc Tày, xã Mã Tiên, cho biết: "Bác sĩ nói, tôi không bị bệnh. Cuộc sống khó khăn, vất vả, sợ bị bệnh lắm, vì không có tiền chữa bệnh. Người dân ở bản bị ốm là mời thầy mo đến cúng. Nhờ ơn Ðảng và Nhà nước, bà con được khám sức khỏe, phát thuốc miễn phí, lại được tặng quà".

"Phòng" siêu âm của hai bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức (Hà Nội) có nhiều bà con chờ đến lượt. Trong khi bác sĩ Nguyễn Trọng Sơn giải đáp nhiều câu hỏi của bà con, thì bác sĩ Trần Văn Hưng tâm sự: "Nhiều nơi trên đất nước mình còn rất khó khăn, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi luôn thấy hạnh phúc và vui mỗi khi tham gia công tác thiện nguyện, không những được góp phần chăm sóc sức khỏe cho bà con, mà còn là dịp đi thực tế, giúp rèn luyện bản thân, nâng cao y đức, có thêm trải nghiệm nghề nghiệp".

Phó Chủ tịch thường trực - Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Nguyễn Bá Tĩnh cho biết, đây là năm thứ hai, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức Hành trình nhân ái "Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác. Tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng". Năm 2011, lần đầu tổ chức, cả nước có hơn 3.500 thầy thuốc trẻ tham gia. Trong Hành trình nhân ái, đã thăm khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho gần 68.500 người, mổ mắt miễn phí cho hàng nghìn người cao tuổi,...

Xóa bỏ đói nghèo

Ðường đến Trường bán trú dân nuôi Sủng Thài của huyện Yên Minh (Hà Giang ) dốc cao khó đi. Trời mưa. Chiếc ô-tô chở 100  chăn ấm, một tấn gạo, hai máy vi tính,... để tặng trường, đi rất chậm mà vẫn trượt trên nền bùn đất, mấy lần tưởng không thể vượt qua được. Chúng tôi đến nơi vào giờ ăn trưa. Bữa ăn của các cháu chỉ có mèn mén (ngô xay) nấu... chan nước rau rừng. Cả đoàn lặng đi, đắng lòng. Cô kế toán Hội LHTN Việt Nam, Hoàng Phương Linh, đưa ít mèn mén lên ăn, nói trong nghẹn ngào: "Ăn thế này thì học làm sao được". Tôi hỏi cháu Hoàng Văn Minh, "Cháu bao nhiêu tuổi, học lớp mấy?". "Cháu 9 tuổi, học lớp 4 ạ!". "Có hay được ăn thịt và cơm  không?". "Một tuần có hai bữa thịt và ba bữa đậu phụ. Cơm thì thi thoảng, khi nào có đoàn lên tặng gạo thì chúng cháu mới có cơm ăn"..."Bố mẹ cháu có cho cháu thêm tiền không?". " Nhà cháu nghèo, ăn còn không đủ cô ơi!". Giọng nói hồn nhiên của em Hoàng Văn Minh lạc đi giữa vùng cao. Chiều, gió lạnh. Tôi biết phía sau sự hồn nhiên ấy là sự chịu đựng trước cái lạnh buốt giá khắc nghiệt của thời tiết, khiến những người miền xuôi chúng tôi không khỏi suy ngẫm và khâm phục...

Tại Trường bán trú dân nuôi Lũng Táo, Hiệu phó Nguyễn Thu Hương cho biết: "Nhà nước mới tăng suất ăn của học sinh lên 11.000 đồng/ngày, nhưng số tiền này chẳng thấm tháp vào đâu. Thật ra, phụ huynh phải đóng góp gạo cho con em họ, nhưng gia đình quá nghèo, nên chúng tôi phải dùng tiền mua cả bắp (ngô) thay vì chỉ dùng mua thực phẩm". Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Nguyễn Phước Lộc, trầm ngâm: "Lạc hậu dẫn đến nghèo đói, bệnh tật, như một quy luật tất yếu, làm con người khốn khổ. Ðầu tư cho y tế, giáo dục là đầu tư cho tương lai. Vì y tế, giáo dục mới giúp con người thoát khỏi lạc hậu, bệnh tật..."

* Chương trình "Tình nguyện Mùa đông năm 2012" tại huyện Yên Minh (Hà Giang) đã làm được nhiều việc có ý nghĩa: Chăm sóc sức khỏe cộng đồng (tặng quà, thăm khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; mổ mắt (miễn phí) cho người cao tuổi; phẫu thuật dị tật bẩm sinh, tập huấn các phương pháp sơ cứu, cấp cứu cơ bản và  tư vấn dinh dưỡng cho trẻ em); tập huấn kỹ năng cho cán bộ đoàn cấp xã và người dân thích ứng rét đậm, rét hại... Chương trình đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng người dân vùng xa xôi hẻo lánh này về sự đùm bọc, sẻ chia chân tình, ấm áp.