BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022-2025

Anh Tài “đa tài”, mê thiện nguyện

Tuy bị liệt đôi chân nhưng bằng nghị lực vươn lên số phận, anh Tài đã làm giàu bằng nghề quảng cáo. Không những thế, anh còn say mê thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Tài và các em nhỏ vùng cao trong chuyến thiện nguyện năm 2020.
Anh Tài và các em nhỏ vùng cao trong chuyến thiện nguyện năm 2020.

Anh Hồ Đình Tài, sinh năm 1987 hiện là Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo Quang Minh HD tại xã Quang Minh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Anh vinh dự là một trong 50 thanh niên được vinh danh trong chương trình Tỏa sáng Nghị lực Việt 2022 do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.

Giám đốc... chưa từng đến trường

Đến thăm công ty của anh Tài nằm ngay ven quốc lộ 38B, thấy rõ sự bận rộn của anh giám đốc ngồi trên xe lăn. Anh Tài cho biết, công ty đang trong giai đoạn mở rộng nên việc rất nhiều, tuy nhiên anh vẫn rất niềm nở và dành thời gian để tâm sự với tôi.

Ngồi lặng thinh trong tiếng máy xưởng ồn ã, anh Tài nhớ lại rằng: Bố mẹ sinh ra tôi là người bình thường. Tuy nhiên đến khi hơn hai tuổi, tôi bị sốt co giật. Di chứng của trận sốt khiến tôi liệt đôi chân và gần như cả tay trái, từ đó tôi phải làm bạn với xe lăn đến bây giờ.

Bố mẹ anh không nỡ để anh đến trường vì chẳng có ai chăm sóc liên tục cho anh được. Nhưng, “thèm” con chữ, năm 12 tuổi anh “đòi” mẹ và em gái dạy chữ cho để có thể viết thư cho bạn bè.

Tuy là người khuyết tật nhưng sớm có ý thức tự lập khi biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ không thể nào lo mãi cho mình được. Ngay khi 16 tuổi, anh Tài học nghề sửa chữa đồng hồ, khóa và kính. Sau đó anh đã mở được một hiệu sửa nhỏ và bắt đầu có thu nhập từ chính đôi bàn tay của mình.

Không những thế, anh còn học thêm nghề điêu khắc bia mộ để tăng thêm thu nhập, nghề nào anh Tài cũng rất “tài”, chỉ học trong thời gian ngắn đã thành thạo. Đã có lúc ông chủ khuyết tật mở tới 5 cửa hàng gồm sửa chữa khóa, đồng hồ, xưởng khắc bia mộ..., chạy đôn chạy đáo không hết việc.

Đến năm 18 tuổi, anh Tài tìm tòi học nghề thiết kế và làm biển quảng cáo. Và cũng chỉ trong một vài tháng, anh Tài đã làm chủ được công nghệ, thị hiếu khách hàng trong lĩnh vực quảng cáo. Anh Tài cảm thấy yêu nghề và quyết tâm biến nghề quảng cáo thành “cần câu cơm” lâu dài.

Tuy nhiên, trên con đường cơm áo của anh cũng có một vài vết “gợn” khiến mỗi lần nhớ lại làm anh thấy nhói lòng. “Lúc mới làm nghề cần mua máy móc, vật liệu, tôi tự lăn xe đến các cửa hàng để mua. Chưa kịp hỏi giá thì chủ quán đã xua ra rồi nói “không có gì cho đâu, đi ra đi”. Vì họ nghĩ mình là người ăn xin, phải cố gắng giải thích mãi, đưa tiền ra đủ thì họ mới chấp nhận cho xem hàng và bán”, anh Tài tâm sự.

Rồi, trời không phụ lòng người. Công việc của anh bắt đầu có những đơn hàng lớn đầu tiên, khách hàng đều rất ưng ý bởi sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý. Xưởng sản xuất của anh Tài dần tạo được uy tín và có chỗ đứng trong lĩnh vực quảng cáo tại huyện Gia Lộc.

Sẵn sàng chia sẻ “công thức làm giàu”

Năm 2014, tình yêu kết trái, anh Tài lập gia đình với một cô gái lành lặn. Khổ nỗi, hai vợ chồng gian nan 5 năm trời mới chào đón cô con gái đầu lòng. Tuy vậy, trong thời gian đầy “áp lực” đó, anh vẫn chuyên cần công việc nhận đơn hàng khắp các tỉnh. Năm 2017, xưởng gia công được anh “nâng cấp” thành công ty.

Ngoài ra, để kết nối anh em làm nghề trao đổi chuyên môn, anh Tài đã tham gia thành lập Hội Quảng cáo huyện Gia Lộc và Hội Chia sẻ File quảng cáo tỉnh Hải Dương. Tại cả hai Hội, anh Tài đều được bầu làm Hội trưởng. Hoạt động Hội sôi nổi, tích cực không ngừng giúp đỡ hội viên “khởi nghiệp”. Anh Tài hiện còn tham gia Ban chấp hành Hiệp hội In và Quảng cáo miền Bắc, hội viên Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam.

Trong gần chục năm làm nghề in quảng cáo, có bao nhiêu “ngón nghề” anh Tài đều chia sẻ hết với anh em hội viên từ những kỹ thuật thiết kế, chất liệu in ấn đến các loại sáng chế, file thiết kế giá trị, thậm chí cả đơn hàng, anh Tài đều sẵn sàng “nhường” cho những cơ sở sản xuất còn non trẻ để cùng phát triển. Đó cũng là điều mà anh em hội viên cảm thấy tâm phục và yêu mến người hội trưởng đầy nghị lực và tình cảm.

Đặc biệt, vào lúc dịch Covid-19 lên đỉnh điểm tại Hải Dương, anh Tài đã sáng chế ra ma-nơ-canh hướng dẫn đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Ma-nơ-canh nhanh chóng được nhiều cơ quan đặt mua đến nỗi sản xuất không kịp bán. Trong khoảng gần một năm, anh Tài đã bán ra thị trường hơn 2.000 máy với giá từ 500-700 nghìn đồng/sản phẩm.

Một số đồng nghiệp thấy ma-nơ-canh của anh Tài chứa đựng hàm lượng “chất xám” lớn nên đã khuyên anh đăng ký bản quyền. Nhưng anh Tài thấy điều đó không quan trọng bằng việc chia sẻ cách sản xuất với đồng nghiệp để cùng họ góp phần nhỏ bé phòng chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, anh Tài còn có một số sáng kiến khác để người dân ứng phó với dịch như sản xuất tấm mica chắn giọt bắn, kính chắn giọt bắn, số lượng gần 60 nghìn sản phẩm. Anh đã mang tặng hàng trăm sản phẩm cho các tuyến đầu chống dịch trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Anh Tài cho biết, lợi nhuận hằng năm của công ty khoảng 300-400 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5-10 lao động với mức lương từ 7-12 triệu đồng/tháng và 10 lao động thời vụ. Ngoài ra, anh Tài sẵn sàng nhận các bạn khuyết tật (đủ điều kiện sức khỏe phù hợp công việc) vào học việc và làm việc lâu dài tại công ty, tạo cho các bạn sinh kế lâu dài. Hiện đang có một em khuyết tật được dạy nghề tại công ty của anh.

Khi khúc ruột miền trung đang đau quặn bởi trận lũ lịch sử năm 2020, anh Tài đã đứng ra ủng hộ và kêu gọi hội viên quyên góp được gần 100 triệu đồng cùng rất nhiều nhu yếu phẩm chuyển vào các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh để cứu trợ đồng bào, cứu nạn những bầu, những bí chung trên một giàn. Rồi chương trình trao tặng 21 xe đạp, các suất quà trị giá 60 triệu đồng tại Thanh Hóa 2020 của Hội In và Quảng cáo miền Bắc…, anh Tài đều là người khởi xướng và đi đầu quyên góp.

“Chú ong” chăm chỉ làm việc thiện

“Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, đó là câu ca dao mà anh Tài rất tâm đắc. Vì vậy, khi công việc bắt đầu đi vào ổn định, anh tích cực tham gia công tác thiện nguyện, lá lành đùm lá rách trên mọi miền đất nước.

Anh Tài bắt đầu làm thiện nguyện từ năm 2017. Tại địa phương, vào các dịp Ngày Vì người nghèo, Ngày NKT Việt Nam, Tết Thiếu nhi... anh đều ủng hộ từ 5-10 triệu đồng. Những lần vận động đột xuất thì không kể hết, như năm ngoái, một nhóm thợ chẳng may tai nạn lao động làm bốn người thương vong, anh Tài đã kêu gọi mọi người ủng hộ được gần 100 triệu đồng để hỗ trợ, an ủi gia đình nạn nhân.

Trong cơn bão dịch Covid-19, anh Tài đã ủng hộ 20 triệu đồng và vận động anh em hội viên Hội Quảng cáo huyện quyên góp được gần 100 triệu đồng hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng nặng nề do dịch.

Chẳng ngại đường sá xa xôi, gập ghềnh, anh Tài còn thường xuyên làm thiện nguyện ở các tỉnh vùng cao như Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang... mỗi chuyến đi, anh đều đứng ra vận động anh chị em trong nhà, bạn nghề ủng hộ tiền mặt, quần áo, sách vở, thuốc men... trị giá hàng trăm triệu đồng, rồi anh lại trực tiếp đi đến tận thôn bản, ân cần trao tặng quà cho bà con vùng cao.

Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh Hải Dương ông Trương Văn Phước nhận xét: Anh Tài là một tấm gương người khuyết tật vươn lên số phận, làm giàu cho gia đình và sẻ chia với cộng đồng điển hình ở tỉnh Hải Dương. Hằng năm, anh khởi xướng rất nhiều các hoạt động thiện nguyện lớn nhỏ không chỉ ở địa phương mà ở khắp các tỉnh thành phía bắc. Anh còn là tấm gương truyền cảm hứng cho rất nhiều anh chị em khuyết tật nỗ lực làm chủ cuộc sống, sống có ích cho xã hội.