Ai đã bắt đáy?

Tính từ thời điểm VN Index ở dưới ngưỡng 900 điểm hồi giữa tháng 11 cho đến phiên giao dịch hôm qua 30/11, chỉ số này đã hồi phục hơn 150 điểm, tương đương hơn 16%. Rất nhiều cổ phiếu đã tăng kịch trần từ 3-5 phiên trở lên và đem lại suất sinh lời từ 20-30%, thậm chí 50-60%. Nhưng câu hỏi đặt ra là ai đã tận dụng được cơ hội này?
0:00 / 0:00
0:00

Thống kê từ phiên 15/11, là phiên VN Index đóng cửa ở ngưỡng thấp với gần 910 điểm đến 30/11, số lượng các phiên mua ròng của khối nước ngoài đã áp đảo số phiên bán ròng. Cụ thể, trong 12 phiên đó, chỉ có hai phiên khối này bán ròng vào ngày 18 và 21/11 với tổng giá trị bán gần

90 tỷ đồng và có 10 phiên mua ròng với giá trị áp đảo. Chẳng hạn trong ba phiên 28, 29 và 30/11, phiên nào khối nước ngoài cũng mua ròng với giá trị tính bằng “nghìn tỷ đồng”. Hay như phiên 17/11, khi VN Index bắt đầu tạo đáy ngắn hạn, khối nước ngoài mua ròng hơn 1.400 tỷ đồng. Điều dễ thấy là hàng nghìn tỷ đồng mua ròng của khối nước ngoài (cách đây khoảng hai tuần) đã sinh lời. Điều này thật ra không bất ngờ vì rất nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, những tổ chức đầu tư sẽ tranh thủ những cơ hội trong ngắn hạn để gia tăng tỷ trọng danh mục, nhất là những cổ phiếu tốt, được định giá thấp.

Còn với nhà đầu tư cá nhân thì sao? Thực tế nếu nhìn lại thời điểm VN Index tiến sát ngưỡng 900 điểm và thậm chí khi bắt đầu có phiên hồi, hiếm có nhận định công khai nào từ phía các công ty chứng khoán cho rằng thị trường đã tạo đáy, sẽ có sóng hồi mạnh. Điều này đặt ra câu hỏi về cơ hội bắt đúng đáy của các nhà đầu tư cá nhân. Trước tiên, cần biết rằng nhiều nhà đầu tư đã bị thiệt hại đáng kể trong các đợt suy giảm trước đó, nên cho dù có bắt đúng đáy thì số tiền chưa chắc đã còn dồi dào. Tuy nhiên, nếu nhìn vào giá trị giao dịch của những phiên tại thời điểm VN Index áp sát ngưỡng 900 điểm, chẳng hạn phiên 16/11, giá trị giao dịch khớp lệnh tại sàn HoSE đạt gần 13.300 tỷ đồng hay phiên 22/11, giá trị giao dịch khớp lệnh sàn HoSE đạt gần 15.300 tỷ đồng lại cho thấy dòng tiền hết sức dồi dào. Điều này cho thấy, có thể có nhóm nhà đầu tư cá nhân bị thua lỗ và sụt giảm về tài sản, nhưng vẫn có một nhóm khác, đó là những người đã thoát ra ở đỉnh, hoặc đã có tiền và chờ đợi từ lâu để sẵn sàng mua vào.

Đợt phục hồi này, lại một lần nữa cho thấy rằng, bất kể xu hướng chung của thị trường như thế nào, cơ hội vẫn luôn hiện hữu. Điều này lại càng được củng cố khi dòng tiền trên thị trường vẫn dồi dào, và thanh khoản hiện nay đã cao hơn trước rất nhiều, ở mức hơn 10.000 tỷ đồng/phiên, thì sự hưng phấn có thể xuất hiện khi giá cổ phiếu đủ hấp dẫn. Mặt khác, nếu những ai bảo vệ dòng tiền tốt, kiên nhẫn thì mỗi năm chỉ cần một đợt sóng hồi như nửa cuối tháng 11 vẫn có thể đạt suất sinh lời đáng kể, với mức từ 20% chỉ trong thời gian rất ngắn, cho thấy sức hấp dẫn riêng của thị trường chứng khoán chưa bao giờ giảm sút.